(NXD) -
Có rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xây dựng được thay thế, bãi bỏ cần được cơ quan chuyên môn về xây dựng ở địa phương nắm rõ, để triển khai đúng pháp luật.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng ở địa phương nắm rõ thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xây dựng được phân cấp thực hiện. Ảnh minh họa, nguồn: ITN.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 1334/QĐ-BXD ngày 31/12/2024, công bố thủ tục hành chính được thay thế, bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2024, đồng thời bãi bỏ Quyết định số 1105/QĐ-BXD ngày 26/10/2023.
31 thủ tục hành chính được thay thế
Trong đó, Bộ Xây dựng ban hành: (1) Danh mục thủ tục hành chính được thay thế thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, gồm 03 thủ tục hành chính cấp Trung ương; 22 thủ tục hành chính cấp tỉnh liên quan đến cấp phép năng lực hoạt động xây dựng; 06 thủ tục hành chính cấp tỉnh liên quan đến Giấy phép xây dựng; (2) Danh mục thủ tục hành chính được bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, gồm 12 thủ tục hành chính cấp Trung ương.
Theo đó, sẽ có tổng số 31 thủ tục hành chính cấp trung ương và cấp tỉnh được thay thế, gồm các thủ tục liên quan đến các nhóm nội dung về: Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng/Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh; Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở/thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở điều chỉnh; Công nhận tổ chức xã hội nghề nghiệp đủ điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng/Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng II, hạng III cho hội viên của mình; Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở/thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở điều chỉnh;
Cấp Giấy phép xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II (công trình Không theo tuyến/Theo tuyến trong đô thị/Tín ngưỡng, tôn giáo/Tượng đài, tranh hoành tráng/Theo giai đoạn cho công trình không theo tuyến/Theo giai đoạn cho công trình theo tuyến trong đô thị/Dự án); Cấp điều chỉnh, gia hạn, cấp lại Giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II (công trình Không theo tuyến/Theo tuyến trong đô thị/Tín ngưỡng, tôn giáo/Tượng đài, tranh hoành tráng/Theo giai đoạn cho công trình không theo tuyến/Theo giai đoạn cho công trình theo tuyến trong đô thị/Dự án); Cấp mới, cấp lại Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng…
Phân cấp triệt để cho địa phương cấp Chứng chỉ hành nghề
100% công tác cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng do địa phương thực hiện... Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.
Đáng chú ý, về Danh mục thủ tục hành chính được bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có 12 thủ tục hành chính cấp Trung ương, trước đây do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thực hiện, nay được phân cấp cho địa phương thực hiện gồm: (1) Cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng lần đầu hạng I; (2) Cấp điều chỉnh hạng Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I; (3) Cấp lại Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I (trường hợp Chứng chỉ mất, hư hỏng); (4) Cấp lại Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I (bị ghi sai thông tin do lỗi của cơ quan cấp); (5) Cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I; (6) Cấp chuyển đổi Chứng chỉ hành nghề hạng I của cá nhân người nước ngoài; (7) Cấp gia hạn Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng Chứng chỉ hạng I; (8) Cấp Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lần đầu hạng I; (9) Cấp lại Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I (do mất, hư hỏng); (10) Cấp lại Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I (ghi sai thông tin); (11) Cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I; (12) Cấp gia hạn Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng Chứng chỉ hạng I.
Toàn bộ những nội dung đổi mới này nằm trong nội dung quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; Nghị định số 84/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM; Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng…
Như vậy, có thể thấy, triển khai thực hiện Nghị định số 175/2024/NĐ-CP, có khoảng 95% công tác thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu, thủ tục hành chính từ cơ quan trung ương phân cấp thêm cho địa phương; 100% công tác cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng do địa phương thực hiện…
Đặc biệt cho thấy, có rất nhiều đổi mới cơ bản đối với cơ quan chuyên môn về xây dựng ở địa phương, cần được các cơ quan này chủ động quan tâm sâu sát, nắm bắt rõ và có kế hoạch triển khai cụ thể, nhằm triển khai đúng quy định mới của các quy phạm pháp luật. Với những nội dung chưa rõ, còn băn khoăn, cơ quan chuyên môn ở địa phương cần tăng cường trao đổi với cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng để có được các hướng dẫn thêm.