(NXD) -
Khi màn đên buông xuống hàng chục lượt xe tải “hổ vồ” chở bùn, đất, phế thải xây dựng rầm rập băng đường từ nội thành Hà Nội đến đổ trộm vào ao - hồ do chính quyền xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) quản lý. Ước tính đã có hàng nghìn khối phế thải đổ trộm lấp đi một phần diện tích rất rộng. Một số xe tải chở phế thải đã bị tạm giữ, đối tượng tình nghi bảo kê cho việc san lấp cũng được mời đến làm việc.
Phát hiện hàng nghìn khối phế thải xây dựng đổ trộm lấp ao – hồ công
Quá trình khảo sát, ghi nhận thông tin về vấn đề quản lý - xử lý chất thải rắn xây dựng tại một số dự án trên địa bàn TP Hà Nội, PV Tạp chí Người Xây dựng nhận thấy: Nhiều dự án đang có tình trạng buông lỏng quản lý để xảy ra việc vận chuyển, đổ thải không đúng quy định pháp luật.
Nghiêm trọng hơn còn xảy ra tình trạng bùn, đất, phế thải xây dựng từ các dự án bị đem đi đổ trộm, thậm chí buôn bán, sử dụng phế thải xây dựng để san lấp vào đất nông nghiệp, ao - hồ và đất công do chính quyền quản lý. Điều này không chỉ gây ra hệ lụy về môi trường, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn đất, ô nhiễm nguồn nước mà còn làm biến đổi ao - hồ, đất nông nghiệp thành nơi tập kết phế thải.
Vụ việc ao - hồ công do chính quyền quản lý bị hàng nghìn khối phế thải san lấp xảy ra tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) mà PV Tạp chí Người Xây dựng ghi nhận đưới đây là một trường hợp điển hình.
Hàng nghìn mét vuông mặt hồ thôn Đại Đồng – xã Đại Mạch đã bị phế thải xây dựng san lấp.
Theo ghi nhận của PV: Hàng ngày cứ khoảng 19h tối đến mờ sáng hôm sau, hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn chở theo bùn, đất, phế thải xây dựng xuất phát từ nội thành Hà Nội lên đường Vành đai 3 – qua cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt sau đó chạy đến đổ thải vào 3 điểm ao - hồ tại xã Đại Mạch gồm: Điểm ao – hồ thuộc thôn Đại Đồng; điểm ao – hồ khu bãi Mơ, thôn Mai Châu; Điểm ao - hồ phía sau Cây xăng Đại Mạch.
Các xe tải cỡ lớn chở bùn đất, phế thải xây dựng đến đổ lấp ao, hồ tại thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch đêm 2/7.
Đáng chú ý, tại điểm đổ thải có cả máy xúc, máy ủi để san gạt, đưa bùn, đất, phế thải từ trên xe xuống. Tiếng xe tải lùi, tiếng máy xúc “san gạt” cùng với tiếng người hướng dẫn ồn ào biến điểm đổ trộm giống như một đại công trường.
Mặc dù các điểm đổ thải đều nằm ngay cạnh đường lớn và sát khu dân cư, đồng thời cách không xa trụ sở UBND xã, thế nhưng không hiểu lý do vì sao hoạt động đổ trộm phế thải, san lấp trộm ao – hồ lại diễn ra công khai như thế?
Tình trạng này diễn ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2024. Ước tính đã có hàng nghìn khối bùn, đất, phế thải xây dựng đã được đổ trộm xuống các điểm ao – hồ tại xã Đại Mạch với hàng nghìn mét vuông mặt nước đã bị san lấp.
Chủ tịch xã giật mình, làm rõ đối tượng tình nghi bảo kê
Ngày 3/7, khi PV Tạp chí Người Xây dựng tìm đến liên hệ, cung cấp thông tin, hình ảnh về hoạt động đổ trộm phế thải xây dựng xuống ao, hồ thì ông Vương Ngọc Chi – Chủ tịch UBND xã Đại Mạch mới giật mình nói rằng “hôm nay, mới biết tình trạng nghiêm trọng này”.
Trước sự có mặt của PV, ông Chi đã cho gọi cán bộ địa chính, Phó Chủ tịch xã phụ trách và Trưởng Công an xã đến phòng làm việc và chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra, xử lý. “Có cả máy xúc thế này thì khác gì công trường. Kiểm tra đưa cả máy xúc về lập biên bản. Tối nay cử lực lượng trực phát hiện thì bắt ngay”, ông Chi chỉ đạo.
Bãi đổ thải thuộc thôn Mai Châu – xã Đại Mạch.
Theo lý giải của ông Chi, ông chỉ được cấp dưới báo cáo là có tình trạng một số xe nhỏ chở phế thải xây dựng từ một số công trình cải tạo đường xá, mương cống trên địa bàn và một số hộ dân mang đến đổ.
Bà Phạm Thị Hằng – cán bộ địa chính xã Đại Mạch cho biết: Khu ao – hồ bị đổ trộm phế thải là do xã quản lý, không cho cá nhân, gia đình nào thuê. Trước đây có người tên T. có chăn nuôi ở đó nhưng sau đó đã dừng.
“Khi phát hiện đổ thải chúng tôi đã mời anh T. đến làm việc nhưng anh này không nhận”, bà Hằng thông tin.
Trong khi đó, ông Lê Công Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mạch (phụ trách đất đai) cho biết: Thời gian trước có một số người tìm về xã đặt vấn đề cho đổ thải nhưng xã không đồng ý.
Cũng theo ông Hùng, việc đổ trộm phế thải xây dựng này đã xã đã kiểm tra phát hiện từ nhiều hôm trước.
Trả lời câu hỏi của PV “vì sao đã nắm bắt được việc này nhưng xã không có biện pháp ngăn chặn để hàng nghìn khối phế thải đổ lấp đi nhiều diện tích ao – hồ?”
Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mạch nêu ra lý do khó khăn rằng “các xe đổ trộm vào ban đêm trong khi nhà các cán bộ xã đều ở rất xa”.
Trong khi đó, thông tin từ Công an xã Đại Mạch cho biết: Khoảng 2h đêm 3/7, trong quá trình tuần tra tại thôn Đại Đồng đã bắt quả tang và tạm giữ xe tải BSK 29H-735.53 do Đ.T.S. điều khiển, chở phế thải xây dựng từ nội thành Hà Nội đến đổ trộm vào ao làng.
Đoàn xe tải chở phế thải rầm rập chạy vào - ra thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch lúc 22h30 tối 3/7.
Tối 3/7, có mặt tại các điểm đổ thải trên, PV Tạp chí Người Xây dựng tiếp tục chứng kiến cảnh tượng hàng chục xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau ra vào khu vực điểm đổ thải tại thôn Đại Đồng. Đặc biệt, lối vào các điểm đổ xuất hiện nhiều đối tượng lạ mặt. PV sau đó liên hệ qua điện thoại và phản ánh tình hình đến Chủ tịch UBND xã Đại Mạch.
Đến sáng 4/7, Chủ tịch UBND xã Đại Mạch thông tin cho PV biết: Lực lượng chức năng đã bắt 2 xe tải chở phế thải không cho đổ thì chạy lòng vòng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng điều tra đối tượng tên S. (là người trên địa bàn xã) lên làm rõ việc bảo kê cho các xe đổ thải trộm. Tiếp đó ngày 7/7, PV cũng ghi nhận cảnh nhiều lượt xe chở đất, phế thải từ các dự án xây dựng đến đổ san lấp khu ao hồ phía sau cây xăng Đại Mạch.
Các xe tải chở bùn, đất và phế thải từ dự án để đổ vào khu ao, hồ phía sau cây xăng Đại Mạch.
Tại Hà Nội tình trạng đổ trộm chất thải rắn xây dựng xảy ra từ nhiều năm nay gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thời gian qua, UBND TP Hà Nội cùng Công an TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo nhằm xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm cũng như quy trách nhiệm quản lý địa bàn.
Thế nhưng vụ việc phế thải xây dựng “bức tử” hàng nghìn mét vuông ao - hồ xảy ra tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) cùng một số vụ việc mà Tạp chí Người Xây dựng đã phản ánh gần đây đang gióng lên hồi chuông báo động. Thiết nghĩ trước thực trạng này, chính quyền Hà Nội và các đơn vị chức năng liên quan cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, làm rõ trách nhiệm quản lý từng tổ chức, cá nhân địa phương thì mới mong chấm dứt được việc đổ trộm phế thải, chất thải xây dựng.
Chúng tôi tiếp tục thông tin!
Nhóm PV