(NXD) -
Theo ý kiến các chuyên gia, với một đô thị lớn như Hà Nội thì quy hoạch có thể chưa giải quyết được hết các vấn đề tồn tại, hạn chế, do đó cần nhấn mạnh giải pháp tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch sau khi được thông qua.
Cần có giải pháp tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch hiệu quả.
Ngày 12/12, Hội thảo góp ý đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức. TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chủ trì Hội thảo.
TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu.
Phát biểu đề dẫn, TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội lần này có nhiều vấn đề mới, đặt ra yêu cần cần tham vấn thêm ý kiến các chuyên gia, nhà chuyên môn.
Theo ông Dũng, có thể khái quát 7 nhóm vấn đề mới gồm: phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng); đề xuất trục cảnh quan sông Hồng; cải tạo đô thị cũ và tái thiết đô thị, nhất là chung cư cũ; mật độ dân số không đều giữa trung tâm với các khu vực bên ngoài; phát triển hạ tầng, nhất là khu vực nông thôn…
“Những vấn đề của quy hoạch Thủ đô tồn tại trong hơn chục năm qua, trong Quy hoạch 2011 sẽ được giải quyết trong Quy hoạch này, làm cho Hà Nội trở thành một đô thị văn hiến, văn minh và hiện đại”, TS Đặng Việt Dũng bày tỏ tin tưởng.
Đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày khái quát những nội dung cơ bản của đồ án.
Tại Hội thảo, TS.KTS Nguyễn Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày khái quát những nội dung cơ bản của đồ án, một số nội dung giải trình tiếp thu ý kiến góp ý cũng như một số vấn đề đặt ra, để gợi mở ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và nhà chuyên môn đã đóng góp nhiều ý kiến đề hoàn thiện đồ án, như đề xuất phát triển đô thị theo giai đoạn, luận cứ rõ hơn, có cơ sở khoa học về các dự báo dân số, đất đai cũng như các giải pháp khắc phục các vấn đề đặt ra những năm qua; khai thác tốt các quỹ đất hiện có; giải quyết bài toán phân bố dân cư giữa đô thị trung tâm và các đô thị khác.
Ý kiến các đại biểu cũng đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ hơn mối quan hệ giữa Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung lần này, luận giải rõ hơn về yếu tố thời hạn của quy hoạch; đồng thời làm rõ hơn yếu tố xanh được thể hiện trong đồ án qua các mô hình phát triển.
Một vấn đề khác là mô hình chùm đô thị liệu có còn tiếp tục phát triển hay thay bằng mô hình mới, làm rõ hơn mô hình thành phố trong thành phố; có các giải pháp góp phần giảm tải cho khu vực nội đô; những định hướng phát triển trước đây gắn với đường Vành đai 3, nay có thêm đường Vành đai 4 thì sẽ thay đổi như thế nào, cũng như yêu cầu về viêc luận giải rõ hơn định hướng phát triển 2 bên đường Vành đai 4 để tránh lãng phí đất đai…
Đối với trục cảnh quan sông Hồng, cần làm rõ tính kế thừa của Quy hoạch 1259 cũng như lựa chọn mô hình phù hợp hiện nay; bố trí giao thông dọc các tuyến đê cần hợp lí, thuyết minh mô hình phát triển theo cả theo chiều ngang thay vì mới chỉ the chiều dọc như hiện nay; việc phát triển đô thị theo mô hình TOD cũng cần có chọn lọc và phân định khu vực phù hợp; phát triển đô thị vệ tinh phải đặt trong mối quan hệ với các khu vực, địa phương lân cận.
Về hạ tầng, đại biểu cho rằng cần có bản đồ cao độ nền và lưu tâm vấn đề thoát nước mặt để chống ngập; lựa chọn các lưu vực thoát nước chính và lưu vực thoát nước cho từng khu vực để giải bài toán ngập cục bộ (trong đô thị); về giao thông, cần có bản đồ phân bố lưu lượng xe cũng như đẩy mạnh giao thông công cộng để giảm ùn tắc và một số nội dung khác…
PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phát biểu.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, muốn xây dựng đô thị xanh thì phải có hạ tầng xanh, do đó về yếu tố xanh, cần bổ sung thêm nội dung về phát thải ròng carbon, đây là thành tố góp phần giảm nhiệt đô thị và hình thành đô thị carbon thấp.
Thứ hai, một nội dung mới khác thể hiện trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Đây là cơ sở chính trị quan trọng và rất mới, cần nói rõ thêm yếu tố bền vững trong đồ án.
Thứ ba là nội dung về hạ tầng, hiện nhiều đô thị thực hiện thay đổi cao độ nền bằng cách phủ một lớp bê tông, nhựa đường mới, nhất là trong lĩnh vực giao thông, điều này sai về nguyên tắc của quy hoạch thoát nước, thu hẹp các cửa thoát nước, hệ quả dẫn đến gây ngập cục bộ ở nhiều nơi.
Thứ tư, tình trạng bê tông hoá đường, vỉa hè diễn ra tại rất nhiều nơi, trong khi lẽ ra cần tăng thêm độ thẩm thấu nước cho đô thị, giảm việc bê tông hóa vỉa hè… Những nội dung này cần được thể hiện rõ hơn trong đồ án.
TS.KTS Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng phát biểu.
TS.KTS Phạm Thị Nhâm, ở góc độ đơn vị tư vấn, phát biểu làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến đồ án. Như Quy hoạch lần này có nhiều yếu tố mới, do đó nhóm tư vấn vẫn tiếp tục tiếp thu thêm ý kiến các nhà chuyên môn trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ví dụ các nội dung về mô hình cấu trúc đô thị, định hướng về trục cảnh quan xanh, định hướng về đô thị rừng phía Bắc, đô thị vệ tinh; định hình về quy mô, tính chất cũng như môi quan hệ của đô thị, nông thôn trong mối quan hệ với xung quanh…
Cùng với các yếu tố pháp lý mới, đặc biệt là về tầm nhìn, nếu như trước đây là “văn hiến, văn minh, xanh, hiện đại”, thì hiện nay là “văn hiến, văn minh, hiện đại”; yếu tố “xanh” được lồng ghép vào các nội dung “văn hiến”, “văn minh”, “hiện đại”.
“Chúng tôi nhận thức được rằng, những vấn đề tồn tại, hạn chế của Hà Nội những năm qua có thể là vấn đề phố biến trên thế giới, nhưng ở mỗi quốc gia lại biểu hiện ra khác nhau. Nhóm tư vấn vẫn tiếp tục nghiên cứu, với các công cụ, phương pháp hiện đại, tiên tiến để nhận dạng được sâu hơn, nhiều hơn những bất cập, từ đó đề xuất những giải pháp quy hoạch cho phù hợp hơn", TS.KTS Phạm Thị Nhâm nhấn mạnh.
Kết luận Hội thảo, TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, với một đô thị lớn như Hà Nội thì quy hoạch có thể chưa giải quyết được hết các bất cập, tồn tại, do đó Hà Nội cũng như đơn vị tư vấn cần nhấn mạnh giải pháp tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch, đòi hỏi chính quyền phải có tính toán hợp lý cho vấn đề này.
Bên cạnh đó, đối với nội dung quy hoạch không gian, tư vấn nghiên cứu bổ sung và đánh giá mối quan hệ của Quy hoạch 1259 với Điều chỉnh Quy hoạch lần này; về tỉ lệ đất đai cho phát triển đô thị, cần làm rõ áp dụng cho toàn đô thị hay những khu vực nào; mật độ dân số cũng là yếu tố cần có tính toán kỹ lưỡng, khu vực nào phát triển như thế nào cũng cần làm rõ hơn.
Về hạ tầng, liên quan đến hạ tầng chung, hạ tầng khung, làm rõ hơn mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với các khu vực xung quanh; việc phát triển mô hình đô thị trung tâm, tiêu chí xác định như thế nào cần làm rõ hơn; lộ trình đầu tư cần tính toán hợp lý, sử dụng quỹ đất cho phù hợp…
Theo phân công nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội được giao lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội được giao lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Sở Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây được xem là nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng là cơ hội để Hà Nội nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng thể chế, chính sách phát triển, định vị các không gian phát triển, huy động các giá trị và nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.