(NXD) -
Ngày 22/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Bộ Xây dựng đã có báo cáo nhanh về tình hình ứng phó với bão số 3, khẳng định các lĩnh vực giao thông trọng yếu do ngành quản lý cơ bản thông suốt, chưa có thiệt hại về hạ tầng, trong bối cảnh gió mạnh và mưa lớn tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
.jpg)
Các đơn vị quản lý đường bộ đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện ứng trực tại những vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt trượt nhằm kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương.
Tính đến thời điểm 7h sáng (22/7), giao thông đường bộ vẫn được duy trì ổn định, chưa ghi nhận sự cố nghiêm trọng. Hiện các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ đã huy động lực lượng, thiết bị để ứng trực tại vị trí có nguy cơ sạt trượt để khắc phục kịp thời, bảo đảm thông xe trong thời gian sớm nhất.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đã quyết định dừng tàu liên vận quốc tế Hà Nội - Nam Ninh từ ngày 21/7 để phòng tránh rủi ro do bão. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng đường sắt hiện vẫn an toàn và hoạt động vận tải trong nước cơ bản thông suốt.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đã ban hành nhiều công điện khẩn, đồng thời tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến các cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình để chỉ đạo công tác ứng phó. Tính đến tối 20/7, đã có 395 tàu thuyền trong khu vực quản lý của các cảng vụ được kiểm đếm và hướng dẫn tránh trú bão, trong đó có 164 tàu biển và 231 phương tiện thủy nội địa. Các doanh nghiệp cảng và tàu thuyền đã tạm dừng xếp dỡ hàng hóa để tập trung ứng phó với bão.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Cục Hàng không Việt Nam đã kích hoạt chế độ trực ban 24/24, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn bay. Tính đến chiều 21/7, có 38 chuyến bay bị hủy tại các sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và Vân Đồn (Quảng Ninh), trong khi hàng chục chuyến khác phải bay vòng, chuyển hướng hoặc lùi lịch bay. Từ 23h ngày 21/7 đến 12h ngày 22/7, việc tiếp thu và khai thác tàu bay tại Cát Bi và Vân Đồn tạm thời bị ngừng để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai phương án phòng chống, ứng phó bão 3 với sự tham dự của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các hãng hàng không, Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, và các cảng hàng không trong vùng ảnh hưởng của bão 3.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Công điện khẩn số 37/CĐ-BXD và thành lập Đoàn công tác do lãnh đạo Bộ trực tiếp làm Trưởng đoàn đến Hưng Yên, địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão để phối hợp chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ được yêu cầu tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi sát diễn biến của bão và báo cáo tình hình kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão 3 sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng ven biển và nội địa các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 13; mưa lớn kéo dài với lượng phổ biến 200 - 300 mm, có nơi trên 500 mm. Nguy cơ ngập úng, sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, trung du là rất cao. Các khu vực ven biển đối diện rủi ro nước dâng, sóng lớn và gió giật mạnh, đặc biệt nguy hiểm cho tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản và các công trình ven bờ.