(NXD) -
Kỳ đài Tuyên ngôn Độc lập - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là công trình của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh và họa sỹ Ngô Văn Đệ.
Sáng 01/9/1945, ông Ngô Huy Quỳnh được giao nhiệm vụ thiết kế kỳ đài cho Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Theo chủ trương, lễ đài cần làm giản dị nhưng nghiêm trang, trên lễ đài có thể đứng được ba chục người.
Nơi được chọn dựng kỳ đài là bồn cỏ giữa quảng trường Ba Đình. Trưa ngày 01/9/1945, lễ đài bắt đầu được thi công. Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn, trước các cổng cuốn tròn tỳ trên hệ thống cột kiến trúc theo kiểu Toscan (Pháp).
Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân trên lễ đài, ngày 2/9/1945. Lễ đài này được xây dựng với vật liệu chủ yếu là gỗ và đinh sắt, trang trí bằng vải.
Trước đó, ông Quỳnh đã tranh thủ đo lại kích thước cổng cuốn và hàng cột kiểu thức Toscan này để xác định khuôn khổ thích hợp của lễ đài trong không gian rộng lớn xung quanh. Là người thiết kế nhưng vì thời gian quá gấp nên ông Ngô Huy Quỳnh quyết định "xắn tay áo" trực tiếp cùng mọi người trong Ban Tổ chức thi công Lễ đài.
Ông Ngô Huy Quỳnh cùng ông Phạm Văn Khoa đến gặp ông Hoàng Quyến là thợ mộc lành nghề ở phố Hàng Hành. Xem qua bản vẽ, ông Quyến tính toán số khung, số ván, số đinh và một số vật liệu khác để Ban Tổ chức chuẩn bị. Nhưng vừa độc lập, Chính phủ vẫn còn nghèo, lấy đâu ra gỗ đây? Thế là các ông lại đi dọc các hàng trên phố Hàng Hành để mượn gỗ, đến các cửa hiệu ở chợ Đồng Xuân để mượn vải.
Ngay trong đêm mồng 01/9/1945, Sở Liêm phòng Bắc Bộ đã triển khai lực lượng bảo vệ tại khu vực vườn hoa Ba Đình và các điểm chốt dọc Phan Đình Phùng. Những người thợ mộc làm việc luôn tay, trong lúc đó, ông Ngô Huy Quỳnh chăm chú nhìn hệ thống chống đỡ bục lễ đài – một kết cấu buộc phải chắc chắn để chống đỡ khối lượng trên hai tấn. Khi lễ đài vừa được dựng lên, ban khánh tiết bọc vải, ken hoa và chuẩn bị hệ thống âm thanh.
Ông Nguyễn Dực, chủ hiệu sửa chữa radio Hàng Bài, được giao phụ trách mắc micro trên lễ đài, hệ thống loa phóng thanh quanh vườn hoa Ba Đình và các phố lân cận.
Lễ đài được hoàn thành trước rạng đông ngày 02/9/1945, lễ đài cao hơn 4m, trên đó có một cột cờ cao hơn 10m. Công trình có cấu trúc bốn mặt hình thang phủ vải đỏ, ở giữa có hình ngôi sao năm cánh. Trên thành lễ đài phủ vải vàng. Hai bên có hai lư hương lớn bằng gỗ. Khói trầm từ các lư hương lớn hai bên lễ đài bay lên cao, gợi những ý tưởng thiêng liêng.
Quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 02/9/1945, hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân hân hoan chờ đón thời khắc lịch sử của dân tộc. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 02/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.
Tiến Dũng