Phong tục thờ rắn trong văn hóa Việt

10:44 | 27/01/2025
(NXD) - Thờ rắn là một phong tục đặc sắc trong văn hóa tâm linh Việt Nam, phản ánh sự giao hòa giữa tín ngưỡng bản địa và triết lý nhân sinh. Rắn không chỉ được coi là một loài động vật linh thiêng mà còn gắn liền với các huyền thoại, truyền thuyết và đi vào tâm thức con người Việt Nam.

 

Tục thờ rắn với tư cách là thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bắc Bắc Bộ mà còn có ở miền Trung. 

 
Rắn trong tín ngưỡng và huyền thoại 
 
Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, hình tượng rắn đã được đồng hóa với thủy thần, từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên. Liên quan đến tục thờ rắn có rất nhiều truyền thuyết với các dị bản khác nhau về nguồn gốc các di tích và lễ hội. Tuy nhiên, các truyền thuyết này cũng mang đậm màu sắc địa phương với nhiều tình tiết khác nhau. 
 
Tại Lạng Sơn, ở những địa bàn có sông Kỳ Cùng chảy qua, gần như nơi nào cũng có một vài truyền thuyết, di tích, lễ hội nổi tiếng liên quan đến tục thờ rắn. Trong đó, một số di tích thờ thần sông rất nổi tiếng từng được ghi trong các thư tịch cổ (Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí, Đại Việt địa chí, Bắc Thành địa dư chí lục, Đại Nam nhất thống chí…) như: đền Kỳ Cùng, đền Bạch Đế (đền Cửa Đông), thành phố Lạng Sơn; đền Khắc Uyên (đình Vằng Khắc) huyện Lộc Bình; miếu Nà Lình, huyện Tràng Định…Gắn bó mật thiết với các di tích là những lễ hội quan trọng của người dân Xứ Lạng thể hiện đậm nét tín ngưỡng thờ thần sông, nước với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc.
 
Theo cố GS.TS Ngô Đức Thịnh, rắn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho thế giới dưới nước, cùng với con hổ ở trong rừng. Rắn không chỉ là một loài động vật bình thường mà trong biểu tượng tâm linh của người Việt, rắn đã trở thành một con vật thiêng. Thế nên trong thờ cúng, đặc biệt là trong các đền, phủ thường có hình tượng rắn, hổ, được cách điệu với nhiều hình thù khác nhau. Thậm chí một cách ngẫu nhiên trong những buổi lên đồng hay gọi hồn, có cả rắn, hổ nhập vào người. Nói như thế để thấy rằng, con rắn không là một con vật bình thường mà trong thế giới tín ngưỡng nó đã trở thành một con vật thiêng. 
 
Những câu chuyện về rắn thần cũng tồn tại trong truyền thuyết của nhiều nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Phương Đông.  Ấn Độ, Malaysia, người dân còn lập đền thờ thần rắn. Con rắn còn xuất hiện nhiều trong các câu chuyện huyền thoại, biến thành người, hoặc rắn lấy người như Bạch Xà Thanh Xà trong tiểu thuyết của Trung Quốc. Tại Việt Nam nhiều vùng quê, đặc biệt là các vùng sông nước, câu chuyện rắn biến thành những người đàn ông đẹp trai quyến rũ các cô gái và lấy họ làm vợ vẫn lưu truyền từ đời này sang đời khác.
 
Tín ngưỡng trải dài vùng miền
 
Tục thờ rắn phổ biến nhất của người Việt là ở đồng bằng Bắc Bộ. Có thể tìm thấy các đền thờ thần rắn dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống và qua các di tích, lễ hội như Thần tích và hội làng Linh Đàm thờ vị thủy thần Bảo Ninh. Đây vốn là thần Rồng, hóa thành người học trò để học đạo. Trong lúc trời hạn hán, thiên đình ngưng việc làm mưa, vâng lời thầy, thần đã làm mưa chống hạn và bị thiên đình phạt, nhân dân nhớ ơn nên phụng thờ.
 
Một lễ hội khác có liên quan đến tín ngưỡng thờ rắn là hội làng Thủ Lệ. Theo thần tích và truyền thuyết nơi đây thì Linh Lang Đại Vương vốn là một rắn thần. Sau khi lập công giúp nước, ngài hoá thành giao long trườn xuống Hồ Tây. Hội làng Nhật Tân (thờ Uy Linh Đại Vương, vốn là anh cả của bảy anh em rắn thần, sau đó đầu thai làm hoàng tử Uy Đô Linh Lang) thể hiện những dấu vết của tín ngưỡng thờ rắn. Ngoài ra, có thể kể đến một số lễ hội khác như hội làng Yên Nội ở Từ Liêm, Hà Nội thờ Thổ Lệnh Bạch Hạc Tam Giang.
 
Tục thờ rắn - thờ thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ mà còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ. Người M’nông thờ rắn như một vị thủy thần có sức mạnh và sự ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng. Người Mường ở Thanh Hóa cũng có tục thờ rắn. Ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. 
 

Tượng rắn thần Naga ở chùa Dơi và tại ngôi bảo tháp trong chùa Botum Vong Sa Som Rong (Sóc Trăng). 
 
Ở đồng bằng sông Cửu Long ngày nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về rắn. Người ta sợ rắn, muốn cầu thân với rắn và thờ rắn. Tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình gọi là Đình Rắn, tại đây vẫn lưu truyền về đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành. Người dân Rạch Giá, Kiên Giang vẫn kể về đôi rắn thần ở đền Vĩnh Hòa bằng một niềm tin và thái độ tôn kính. Trong tâm thức của người dân Rạch Giá, khi đôi rắn thần xuất hiện cũng là lúc Ngài báo cho bà con trúng mùa. Hay trong truyền thuyết về Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười cũng nói đến đạo binh rắn giúp vị anh hùng đánh giặc Pháp.
 
Trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer ở Nam Bộ, huyền thoại rắn thần Naga chiếm một vai trò rất quan trọng. Tín ngưỡng này được giải thích bởi truyền thuyết lập quốc của người Khmer. Người Khmer thờ thần rắn với niềm tin thần là người làm chủ nguồn nước, tạo ra mưa thuận gió hòa cho các cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á (Naga cũng có nghĩa là thần mưa, tạo mưa cho vạn vật sinh sôi).
 
Như vậy, hình tượng rắn trong tín ngưỡng dân gian ở phương diện này được đồng nhất với hiện tượng tự nhiên - nước. Hình tượng con rắn đã được phóng đại cho phù hợp với sức mạnh dữ dội, hủy diệt của lũ lụt. Tất nhiên, trong tín ngưỡng người Việt không phải bao giờ thủy thần cũng là thần rắn mà có thể là thuồng luồng, rồng, cá. Kể cả khi như vậy thì những hình tượng trên cũng liên quan đến rắn. Hoặc là biến thể về mặt tên gọi, hoặc là cùng một tính chất thủy quái. Tuy nhiên, qua các tư liệu đã dẫn có thể thấy thờ rắn là một hình tượng cơ bản tiêu biểu nhất của tục thờ thủy thần - tín ngưỡng tự nhiên của người Việt cổ.
 
Trong quá trình phát triển của lịch sử, sự thay đổi về điều kiện địa lý và văn hóa xã hội, tín ngưỡng thờ rắn được khoác thêm nhiều lớp văn hóa muộn hơn và ít nhiều có biến đổi cho phù hợp với từng điều kiện mới.
 
Hoàng Hùng - Lan Nguyễn

 

Tin cùng chuyên mục

(NXD) - Nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930- 03/02/2025), Tạp chí điện tử Xây dựng trân trọng giới thiệu Bài viết của Tổng B...
09:26 | 03/02/2025
Rạng rỡ Việt Nam
09:26 | 03/02/2025
(NXD) - Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, đúng thời khắc Giao thừa thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Lư...
07:51 | 30/01/2025
(NXD) - Rắn, với đặc tính linh hoạt, bí ẩn và quyền lực, đã trở thành biểu tượng của nhiều yếu tố như sự bảo vệ, sự tái sinh và thậm chí là quyền lực tối cao....
10:22 | 27/01/2025
(NXD) - Những dấu hiệu tích cực trong năm 2024 hứa hẹn sẽ tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường trong năm 2025, mở ra nhiều triển vọng mới cho các nhà đầu...
08:35 | 27/01/2025
(NXD) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện phòng, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng nhà ở, quả...
10:43 | 20/01/2025
(NXD) - Sở QHKT Hà Nội cho biết, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố sẽ giải quyết những bất cập, đáp ứng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hạ tầng kỹ th...
11:02 | 16/01/2025
(NXD) - Một trong các chỉ tiêu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là chỉ số hài lòng của người dân đối với sự ph...
10:57 | 16/01/2025
(NXD) - Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ nhà ở đối với người có công; cung cấp số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ ...
15:44 | 13/01/2025
(NXD) - Cơ quan chức năng một số tỉnh mới đây phát hiện liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Châu Việt, Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Đại Việt có hành...
09:51 | 10/01/2025
(NXD) - Việt Nam có đường bờ biển đi qua 28/63 tỉnh, thành phố ven biển, với tổng chiều dài 3.260km. Mỗi đô thị biển nằm trong vùng địa văn hóa, địa chính trị...
04:37 | 11/01/2025


TẠP CHÍ NGƯỜI XÂY DỰNG
Cơ quan chủ quản: Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Tổng biên tập: Hoàng Chiến Thắng

- Trụ sở: Số 625A đường La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 3, Tòa nhà Vilco, số 3 ngõ 70 đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội
- Văn phòng đại diện phía Nam: Số 37 Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4, TP. HCM
- Chi nhánh tại miền Trung - Tây Nguyên: Tầng 3, số 79 Quang Trung, phường Hải Châu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
- Giấy phép xuất bản báo chí in: Số 607/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đổi ngày 30/12/2022
   Mã số ISSN (International Standard Serial Number): 80668531.
- Giấy phép trang TTĐT tổng hợp: Số 112/GP-TTĐT do Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp ngày 08/07/2020
Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Hoàng Văn Lực
Phone: 0243 831 4740 - Hotline: 098 2711195
Email: nguoixaydung1986@gmail.com

Báo giá quảng cáo | Hợp đồng quảng cáo

© All rights reserved - Bản quyền thuộc về Tạp chí Người Xây Dựng
icon up