(NXD) -
Dự án Đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang được nhiều người kỳ vọng sẽ làm đổi thay bộ mặt vùng biển Quảng Xương (Thanh Hóa). Tuy nhiên, sau 16 năm, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong khiến dự án “ì ạch” chưa biết khi nào hoàn thành. Đây là một ví dụ sinh động cho thuật ngữ “Quy hoạch treo” mà các chuyên gia, hội viên Tổng hội Xây dựng bàn tới khi đóng góp ý kiến cho Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Tổng hội Xây dựng Việt Nam là cơ quan từng giám định, phản biện với các dự án luật này tại Quốc hội.
Dự án Đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang vẫn chưa rõ hình hài sau 16 năm.
Quy hoạch treo là thuật ngữ thường sử dụng để chỉ một diện tích đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố kế hoạch sử dụng và thu hồi đất cho mục đích cụ thể, nhưng do nhiều lý do không thực hiện đúng quy hoạch và tiến độ đề ra. Quy hoạch treo không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế mà còn trực tiếp gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên đất, tác động lớn đến đời sống người dân, khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Dự án Khu Đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang được đánh giá sẽ giúp phát triển du lịch, tạo ra nhiều việc làm cho hàng nghìn người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Thế nhưng đến nay đã gần 16 năm trôi qua kể từ khi được phê duyệt, dự án này vẫn chưa có lời hẹn về đích. Đây là một ví dụ sinh động cho thuật ngữ Quy hoạch treo mà các chuyên gia, hội viên Tổng hội Xây dựng bàn tới để góp ý cùng cơ quan chức năng tìm giải pháp tháo gỡ.
Gần 2 thập kỷ 5 lần điều chỉnh tiến độ vẫn ì ạch
Dự án Khu Đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang, nằm trên địa bàn 3 xã Quảng Lợi (nay là xã Tiên Trang), Quảng Thạch, Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa do Công ty TNHH SOTO làm chủ đầu tư.
Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) lần đầu vào ngày 28/11/2008, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp điều chỉnh GCNĐT, chứng nhận thay đổi lần thứ 5 ngày 5/7/2021. Theo đó, UBND huyện Quảng Xương có trách nhiệm hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao đất cho Công ty SOTO trong tháng 12/2022, để khởi công dự án vào tháng 1/2023.
Dự án có diện tích sử dụng đất là 100,92ha và tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 217,38 tỷ đồng. Đây là một dự án du lịch sinh thái biển có quy mô lớn với đường bờ biển dài khoảng 2,5km và được kỳ vọng thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế địa phương sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau 16 năm, việc giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn khiến dự án “ì ạch” chưa biết khi nào sẽ hoàn thành và hoạt động.
Định hướng cảnh quan khu đô thị Tiên Trang
Ghi nhận đến tháng 10/2024: Phần lớn diện tích đất thực hiện dự án đang mọc đầy cỏ dại, hệ thống đường giao thông dở dang. Nhiều ngôi nhà nằm trong khu vực dự án cũng chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB). Nhìn từ trên cao dự án vẫn chưa rõ hình hài mà thay vào đó là cảnh công trình, nhà cửa lộn xộn "mọc” ngổn ngang lộn xộn.
Theo tìm hiểu, phần lớn diện tích đất thuộc phạm vi dự án phải thu hồi đều có nguồn gốc là đất lâm nghiệp và rừng phi lao phòng hộ ven biển, trước kia là bãi cát, xã giao cho hợp tác xã và các đoàn thể quản lý để trồng rừng, các tổ chức này giao lại cho các hộ dân.
Từ những năm 1980 đến nay, các hộ dân đã sử dụng liên tục diện tích được giao để trồng phi lao và dùng một phần làm nhà ở, một số không nhiều dựng quán bán hàng, kinh doanh ăn uống và hải sản.
Một góc của dự án biến thành nơi chăn thả gia súc của người dân
Một người dân địa phương chia sẻ: “Khi biết tin có quy hoạch chung để phát triển du lịch, chúng tôi rất mừng vì quê hương có cơ hội thay da đổi thịt, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đợi mãi mà dự án này vẫn chưa hoàn thành đi vào hoạt động, gây lãng phí đất đai… Dự án thì cứ liên tục được gia hạn, trong khi nhiều diện tích rừng được coi là lá chắn sóng biển trong những đợt mùa bão thì ngày càng giảm đi. Chúng tôi cũng không được làm gì trên mảnh đất bỏ không đó”.
“Nhìn sang các địa phương khác cũng có biển nhưng họ phát triển du lịch rất tốt, chúng tôi cũng thấy sốt ruột”, một lãnh đạo xã tại Quảng Xương chia sẻ với PV khi đề cập về dự án.
Nguyên do dẫn đến dự án treo?
Để hiểu hơn về thực trạng quản lý và các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án, PV Tạp chí Người Xây dựng đã liên hệ với chủ đầu tư dự án và các cơ quan quản lý địa phương.
Ông Phạm Đình Hải – Giám đốc Công ty TNHH SOTO (Chủ đầu tư dự án) cho rằng, vấn đề giải phóng mặt bằng dự án chậm trễ chủ yếu thuộc trách nhiệm các cơ quan quản lý. Doanh nghiệp cũng nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền chưa giải quyết. “Nếu trong trường hợp UBND tỉnh không giải quyết chúng tôi xin đề nghị lên Thủ tướng”.
Ông Phạm Đình Hải – Giám đốc Công ty TNHH SOTO thông tin về tiến độ triển khai dự án với PV Tạp chí Người Xây dựng
Trong khi đó tại báo cáo số 2849 ngày 30/7/2024 của UBND huyện Quảng Xương gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nêu ra một số khó khăn vướng mắc trong công tác thực hiện GPMB như: Một số hộ dân chống đối, không phối hợp với lý do giá đền bù thấp; Chưa có khu tái định cư cho các hộ dân có đất ở bị thu hồi; Dự án chưa được cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất của huyện Quảng Xương năm 2022, 2023, 2024;
Đặc biệt có nguyên nhân do Công ty SOTO chưa thực hiện chuyển tiền để đền bù GPMB… Từ đó, UBND huyện Quảng Xương nêu kiến nghị Công ty SOTO sớm chuyển tiền cho Hội đồng GPMB để tổ chức chi trả cho các hộ dân.
Liên quan đến dự án này, tại biên bản số 1082 của Đoàn Kiểm tra trình tự thủ tục thực hiện các dự án của Công ty TNHH SOTO ngày 23/7/2020 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã chỉ ra các nguyên nhân khiến dự án chậm trễ và nêu rõ công tác giải phóng mặt bằng dự án chưa đảm bảo.
Theo biên bản: “Dự án ban đầu thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, theo đề nghị của Công ty TNHH SOTO, UBND tỉnh đã đồng ý cho công ty tự thỏa thuận với dân. Do không thỏa thuận được với dân nên đến tháng 9/2012 Công ty đã đề nghị UBND tỉnh thực hiện thu hồi đất. Thời gian này (khoảng 4 năm) việc chậm thực hiện là do lỗi của Công ty”.
Biên bản số 1082 của Đoàn Kiểm tra UBND tỉnh Thanh Hóa
Bên cạnh đó biên bản cũng nêu việc UBND huyện Quảng Xương đã không thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, chưa triển khai công tác GPMB như: Kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường. Khi có vướng mắc về văn bản thực hiện thu hồi đất của Thường trực HĐND tỉnh và vướng mắc về loại đất rừng UBND huyện đã không nghiên cứu, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TNMT, Sở NN&PTNN…
Dự án treo gây lãng phí tài nguyên, thiệt hại kinh tế
Dưới góc nhìn pháp lý về các dự án treo, Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, các dự án chậm trễ gây lãng phí lớn về tài nguyên đất đai của nhà nước, tài chính của chủ đầu tư và ảnh hưởng nhiều nhất là đời sống người dân địa phương.
Tình trạng dự án treo do công tác giải phóng mặt bằng xảy ra nhiều nơi, nhiều địa phương. Vấn đề này phần nào phản ánh thực trạng lập pháp và hành pháp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều nơi giá đất thu hồi mỗi m2 chỉ ngang ngửa với vài ba tô phở khiến người dân không đồng thuận.
Luật sư cũng cho rằng, với các dự án treo nhiều năm mà chưa thực hiện thì cơ quan chức năng cần xem xét lại tính khả thi và có thể thực hiện thu hồi để đánh giá, nghiên cứu lại.
Trong khi đó theo các chuyên gia của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, muốn giải quyết được quy hoạch treo và dự án treo thì đòi hỏi giải pháp đồng bộ. Trong đó vấn đề quy hoạch cần phải phù hợp thực tiễn, đơn giản hóa trình tự lập quy hoạch, công khai minh bạch tạo sự đồng thuận trong cộng đồng nhân dân.
Nhóm PV