Tạo lập các không gian đô thị biển mang tính đặc trưng vùng miền

04:37 | 11/01/2025
(NXD) - Việt Nam có đường bờ biển đi qua 28/63 tỉnh, thành phố ven biển, với tổng chiều dài 3.260km. Mỗi đô thị biển nằm trong vùng địa văn hóa, địa chính trị khác nhau... nên tính chất phát triển theo đặc trưng đô thị cũng cần được xác định để có được định hướng yếu tố đô thị biển có tính bản sắc riêng.
 
Tiềm năng và thách thức đối với các đô thị biển Việt Nam
 
Đường bờ biển Việt Nam kéo dài khoảng 13 vĩ độ, từ Móng Cái (Quảng Ninh) qua mũi Cà Mau (cực Nam của Tổ quốc) đến Hà Tiên (Kiên Giang) đi qua 28/63 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, với tổng chiều dài 3.260 km.
 
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 900 đô thị, đô thị vùng ven biển có khoảng 350 đô thị chiếm 66% dân số đô thị; đang dần hình thành 2 vùng đô thị hóa ở Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Đông Nam Bộ (ĐNB). Trong khi đó miền Trung và một phần vùng ĐBSCL bắt đầu lộ diện những dải đô thị hoá ven biển là Thanh Hoá, Vinh, Huế - Đà Nẵng - HộiAn, Tam Kỳ - Quảng Ngãi, Quy Nhơn, TuyHoà/Phú Yên, Nha Trang-Cam Ranh, Ninh Thuận, Phan Thiết, Rạnh Giá - Hà Tiên.
 
TS.KTS Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP).
 
TS.KTS Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) trong bài nghiên cứu “Tổng quan hiện trạng đô thị biển Việt Nam và một số quan điểm phát triển” cho biết, đô thị biển Việt Nam phân bố thành các cụm, chuỗi, điểm, trong đó có 1 cụm đô thị biển quy mô lớn là TP.HCM - Vũng Tàu phát triển mạnh kinh tế cảng - hàng hải, dầu khí; chuỗi đô thị biển Quảng Ninh - Hải Phòng, miền Trung và Kiên Giang - Phú Quốc phát triển phát triển kinh tế cảng - hàng hải, du lịch biển; các điểm đô thị biển quy mô nhỏ phân tán ở khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, phát triển mạnh hoạt động lấn biển, nuôi trồng thủy hải sản và trồng trọt.
 
TS.KTS Phạm Thị Nhâm cho biết, mỗi đô thị biển nằm trong vùng địa văn hóa, địa chính trị khác nhau... nên tính chất phát triển theo đặc trưng đô thị cũng cần được xác định để có được định hướng yếu tố đô thị biển mang bản sắc riêng.
 
Các đô thị ven biển đều là các đô thị phát triển năng động và có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, địa bàn các đô thị ven biển nước ta lại là nơi tập trung nhiều yếu tố nhạy cảm về chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái, đặc biệt chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH và thiên tai rất mạnh.
 
Thách thức của các đô thị biển bảo đảm tính kết nối giữa các địa phương ven biển với nhau, cũng như với các địa phương trong nội địa, qua đó tăng cường sự gắn kết, tạo thành chuỗi kết nối khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh cho các ngành, địa phương và các vùng trong cả nước.
 
“Vì vậy, cần có định hướng quy hoạch chiến lược để tạo lập các không gian đô thị biển mang tính đặc trưng vùng miền, đảm bảo sự phát triển bền vững”, TS.KTS Phạm Thị Nhâm nhấn mạnh.
 
Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
 
Đồng thời các vùng đô thị, hành lang đô thị, dải đô thị ven biển được tập trung xây dựng; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch; đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với BĐKH của các đô thị ven biển, ĐBSCL và các vùng sinh thái dễ bị tổn thương.
 
Xây dựng tiêu chí các đô thị ven biển mang tính đặc trưng
 
Chiến lược hướng tới một nền “kinh tế biển xanh” đã được xác định, trong đó nhấn mạnh công tác quy hoạch các đô thị biển (gồm đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị “thuần biển”).
 
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, khi quy hoạch không gian một đô thị biển phải tính đến “mối liên kết” giữa ba mảng không gian: không gian biển, không gian đảo và không gian ven biển. Đây là điểm khác cơ bản so với quy hoạch phát triển các đô thị “thuần đất liền”.
 
Cụ thể, liên kết chuỗi đô thị biển đảo, thành hệ thống đô thị biển liên kết hợp tác và chia sẻ chức năng cảng - dịch vụ - công nghiệp - du lịch, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để liên kết chuỗi đô thị biển hiệu quả, đòi hỏi nghiên cứu toàn diện đánh giá tiềm năng các vùng biển đạo, giải quyết các xung đột mâu thuẫn đang tồn tại hiện nay giữa các ngành.
 
Đồng thời, tập trung phát triển 2 vùng đô thị hoá ven biển trọng điểm quốc gia là vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng đạt tầm vóc khu vực và quốc tế, cạnh tranh với các vùng đô thị lớn khu vực biển châu Á - Thái Bình Dương.
 
Bên cạnh đó, tập trung phát triển mô hình đô thị biển - đảo hiện đai, bắt kịp xu hướng đô thị tiên tiến trên thế giới, liên kết không gian núi - biển - đô thị tạo dựng lối sống đô thị văn minh gắn với nước; phát huy hiệu quả khai thác kinh tế biển, tôn trọng thiên nhiên và thích ứng với BĐKH.
 
Cùng với đó, tạo điều kiện doanh nghiệp tư nhân và sự tham gia của tầng lớp trí thức nghiên cứu khai thác sức mạnh biển Việt Nam phát triển hàng hải, thương mại và quốc phòng phù hợp với trình độ kinh tế - xã hội đất nước cho mỗi giai đoạn. Tạo nên động lực xây dựng hệ thống đô thị du lịch biển - đảo.
 
ThS.KTS Lê Thị Thúy Hà - Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị (VIUP).
 
Đặc trưng của đô thị biển cũng là nội dung được ThS.KTS Lê Thị Thúy Hà - Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị (VIUP) - nhấn mạnh trong bài nghiên cứu “Đề xuất xây dựng tiêu chí các đô thị ven biển mang tính đặc trưng”, trong đó tập trung vào việc xác định các tiêu chí đặc trưng cho các đô thị ven biển, nhằm tạo ra những đặc điểm riêng biệt và độc đáo cho từng khu vực.
 
ThS.KTS Lê Thị Thúy Hà đề xuất tiêu chí chung về đô thị du lịch ven biển gồm: Các tiêu chí về vị trí và liên kết vùng; tiêu chí về kinh tế - xã hội (lao động, sinh kế, khách du lịch); tiêu chí về tài nguyên và tiềm năng du lịch, hoạt động du lịch; tiêu chí về hạ tầng xã hội…
 
Đồng thời đề xuất tiêu chí về quy hoạch đô thị: cấu trúc, tổ chức không gian, hạ tầng kỹ thuật, trong đó cấu trúc đô thị gồm: chức năng đô thị, hướng tiếp cận; hạ tầng kỹ thuật gồm: giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước thải, CTR, vệ sinh môi trường…; môi trường gồm: năng lượng, không gian xanh, hệ sinh thái tự nhiên...
 
ThS.KTS Lê Thị Thúy Hà cũng đề xuất tiêu chí quản lý, gìn giữ cảnh quan tự nhiên, ứng phó với BĐKH - nước biển dâng; đề xuất chỉ tiêu kiểm soát phát triển du lịch ven biển trong quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển.
 
“Cần nhìn nhận các vấn đề tồn tại và hạn chế trong quản lý phát triển đô thị biển, từ đó có giải pháp phát huy lợi thế để thúc đẩy, tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị biển”, ThS.KTS Lê Thị Thúy Hà nhấn mạnh.
 
Phát triển mô hình đô thị biển sinh thái thích ứng với BĐKH
 
Theo kịch bản BĐKH Việt Nam, cuối thể kỷ 21, khoảng 300 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng trong đó hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi BĐKH và nước biển dâng.
 
Khu vực dễ bị tổn thương nhất gồm vùng ven biển Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hòa Vang, Cẩm Lệ, Hải Châu của TP Đà Nẵng; Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Ghềnh Ráng, Hải Cảng... và một số vùng khác thuộc trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định).
 
Còn tại Cần Thơ, một số vùng sẽ bị ngập lụt và nhiễm mặn gồm Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, quận Ô Môn, quận Ninh Kiều, Cái Răng.
 
Không chỉ có vậy, BĐKH và nước biển dâng còn gây ra tình trạng xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt do triều cường ở các xã, phường ven biển.
 
Với thực trạng như trên, để nước ta thực sự trở thành cường quốc biển, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần quy hoạch phát triển hệ thống đô thị biển theo hướng xanh và bền vững.
 
TS.KTS Nguyễn Trung Dũng - Trung tâm thông tin - Đào tạo và hợp tác quốc tế (VIUP).
 
TS.KTS Nguyễn Trung Dũng - Trung tâm thông tin - Đào tạo và hợp tác quốc tế (VIUP) trong bài nghiên cứu “Xây dựng, phát triển các đô thị ven biển theo mô hình sinh thái gắn với phát triển du lịch bền vững, thích ứng với BĐKH”, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển đô thị ven biển theo hướng sinh thái, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
 
Theo TS.KTS Nguyễn Trung Dũng, những vấn đề tồn tại trong quy hoạch phát triển không gian đô thị ven biển nổi lên hiện nay gồm phát triển tập trung bám theo mặt biển, hệ thống không gian công cộng thiếu bản sắc, thiếu kết nối giữa không gian đô thị và không gian biển…
 
Đáng chú ý, hệ thống không gian công cộng ven biển hiện thiếu bản sắc; do đó cần xây dựng bộ tiêu chí tổng hợp về quản lý phát triển không gian đô thị ven biển bền vững; xây dựng hướng dẫn quy hoạch không gian đô thị hướng biển nhằm khai thác và phát huy giá trị cảnh quan, khí hậu và kinh tế biển; đồng thời cần xây dựng cơ chế quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình năng lượng tái tạo ven và trên biển; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về quy hoạch và phát triển đô thị cho các đô thị ven biển; xây dựng mô hình, tiêu chí cho các đô thị ven biển đặc thù (đô thị du lịch, đô thị di sản, đô thị công nghiệp-dịch vụ…); từ đó nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị cho chính quyền các đô thị ven biển.
 
Một góc thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng NInh. Ảnh: Zing
 
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Đô thị Việt Nam cho rằng, để thích ứng với BĐKH và phát triển đô thị ven biển một cách bền vững thì đòi hỏi sự kết hợp của nhiều chiến lược và biện pháp khác nhau, trong đó quy hoạch không gian và phát triển đô thị bền vững sao cho tối ưu hóa việc sử dụng không gian và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
 
Đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng xanh như công viên, khu vực bảo tồn và các hệ thống thoát nước tự nhiên qua xử lý là điều vô cùng cần thiết. Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và linh hoạt thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng để chịu được các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt bằng cách sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và có khả năng chống chịu tốt…
 
Đặc biệt, cần xây dựng chính sách và quy định hỗ trợ thông qua ban hành các chính sách và quy định để thúc đẩy phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH. Khuyến khích các dự án đầu tư xanh và hỗ trợ tài chính cho các dự án thân thiện với môi trường. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế và địa phương bằng cách tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về BĐKH và phát triển bền vững. Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các chính quyền địa phương, các tổ chức phi Chính phủ, và cộng đồng.
 
Việc quy hoạch và phát triển các đô thị ven biển cũng cần sự tham gia của nhiều bên liên quan hơn và phải được thực hiện theo cách tiếp cận toàn diện để đảm bảo sự phát triển bền vững và khả năng chống chịu trước những thách thức của BĐKH.

Tin cùng chuyên mục

(NXD) - Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ nhà ở đối với người có công; cung cấp số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ ...
15:44 | 13/01/2025
(NXD) - Cơ quan chức năng một số tỉnh mới đây phát hiện liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Châu Việt, Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Đại Việt có hành...
09:51 | 10/01/2025
(NXD) - Việc đánh giá an toàn công trình là để kịp thời phát hiện các yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn ảnh hưởng đến sinh mạng, sức khỏe con người ở bên trong ...
10:43 | 06/01/2025
(NXD) - Luật Nhà ở năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 đã quy định về nguồn thu từ việc khai thác dịch vụ đối với phần sở hữu chung của nhà chung...
15:42 | 02/01/2025
(NXD) - Từ thực tiễn công tác đào tạo, cấp chứng nhận hành nghề BIM cũng như công tác đấu thầu dự án áp dụng BIM, chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy toàn diện ...
21:59 | 25/12/2024
(NXD) - Mới đây, Ban QLDA ở Lào Cai phát hiện trong hồ sơ dự thầu của Tổng công ty Thăng Long có nhân sự sử dụng bằng Đại học Giao thông Vận tải không hợp phá...
13:11 | 25/12/2024
(NXD) - Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyê...
16:26 | 19/12/2024
(NXD) - Một ấn phẩm kỳ công, mang giá trị đặc biệt bởi trong từng trang sách đều hàm chứa “tham vọng” lan tỏa từ đội ngũ thực hiện. Có lẽ, sẽ không quá khi “K...
14:55 | 10/12/2024
(NXD) - Loa Thành là giải thưởng thường niên được tổ chức bởi Bộ Xây dựng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Ch...
20:26 | 22/11/2024
(NXD) - Giải thưởng Loa Thành nhằm vinh danh đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các trường đại học chuyên ngành Xây dựng và Kiến trúc, được bắt đầu từ nă...
15:00 | 22/11/2024


TẠP CHÍ NGƯỜI XÂY DỰNG
Cơ quan chủ quản: Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Tổng biên tập: Hoàng Chiến Thắng

- Trụ sở: Số 625A đường La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 3, Tòa nhà Vilco, số 3 ngõ 70 đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội
- Văn phòng đại diện phía Nam: Số 37 Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4, TP. HCM
- Chi nhánh tại miền Trung - Tây Nguyên: Tầng 3, số 79 Quang Trung, phường Hải Châu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
- Giấy phép xuất bản báo chí in: Số 607/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đổi ngày 30/12/2022
   Mã số ISSN (International Standard Serial Number): 80668531.
- Giấy phép trang TTĐT tổng hợp: Số 112/GP-TTĐT do Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp ngày 08/07/2020
Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Hoàng Văn Lực
Phone: 0243 831 4740 - Hotline: 098 2711195
Email: nguoixaydung1986@gmail.com

Báo giá quảng cáo | Hợp đồng quảng cáo

© All rights reserved - Bản quyền thuộc về Tạp chí Người Xây Dựng
icon up