(NXD) -
Chuyên gia nhận định, phân khúc chung cư dù giá “nhảy múa” suốt thời gian qua nhưng vẫn còn dư địa tăng. Trong khi, đất nền tỉnh lẻ là phân khúc đang “sốt”, nhưng nếu không tỉnh táo, nhà đầu tư rất dễ mắc kẹt dài hạn vì giá đã vượt xa giá trị thực.
Việc nguồn cung mở mới phong phú hơn cũng giúp người mua nhà, nhà đầu tư có thêm lựa chọn và tham chiếu.Ảnh: ITN.
Năm 2025 mở ra một bức tranh hoàn toàn khác so với các giai đoạn trước đó của thị trường BĐS Việt Nam. Những gì đang diễn ra không chỉ phản ánh sự tiếp nối sau phục hồi của thị trường BĐS mà còn hé lộ một giai đoạn tăng trưởng mới, được thúc đẩy bởi các yếu tố vĩ mô, chính sách điều tiết tích cực và những thay đổi trong hành vi đầu tư.
Bên cạnh đó, thị trường năm 2025 đón nhận hàng loạt tín hiệu tích cực từ vĩ mô: chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất vay hạ nhiệt và dấu hiệu rõ rệt của một chu kỳ “tiền rẻ” đang hình thành. Các gói tín dụng, đầu tư công, cùng dòng vốn FDI tăng mạnh từ các tập đoàn quốc tế cũng là động lực lớn, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing, các lo ngại về lạm phát, bất ổn kinh tế đã phần nào được giải tỏa. Tâm lý thị trường chuyển từ phòng thủ sang chấp nhận rủi ro có tính toán. Giá vàng lập đỉnh lịch sử, thị trường chứng khoán hút mạnh dòng tiền - đây là những yếu tố khiến BĐS tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn và có tiềm năng sinh lời dài hạn.
Một yếu tố khiến thị trường bùng nổ cục bộ là thông tin (dù mới ở mức "rumor") về chủ trương sáp nhập các tỉnh, tái phân bổ trung tâm hành chính. Đây là chất xúc tác mạnh khiến nhà đầu tư đổ xô gom đất tại các khu vực như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương…
Thông tin sáp nhập tỉnh là chất xúc tác khiến nhà đầu tư Fomo gom đất ồ ạt. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, nhà đầu tư rất dễ mắc kẹt dài hạn vì giá đã vượt xa giá trị thực. Ảnh: ITN.
Ông Trung cũng cảnh báo, thông tin sáp nhập tỉnh là chất xúc tác khiến nhà đầu tư Fomo gom đất ồ ạt. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, nhà đầu tư rất dễ mắc kẹt dài hạn vì giá đã vượt xa giá trị thực. Do đó, ông Trung cho rằng, thời điểm này, cần tập trung vào thanh khoản, kiểm soát đòn bẩy tài chính.
Đánh giá về phân khúc chung cư, ông Trung cho biết, nhiều người lo ngại giá căn hộ Hà Nội hiện đã cao, khó còn “room" tăng. Tuy nhiên, nếu quy đổi ra vàng thì mức tăng giá chỉ tương đương. Mặt khác, thu nhập người dân dù chưa tăng tương ứng nhưng Chính phủ đang từng bước giảm gánh nặng chi phí sống (miễn học phí, viện phí…), tạo điều kiện tích lũy tốt hơn cho người dân.
Đáng chú ý, tháng 3/2025, thị trường BĐS ghi nhận hàng loạt diễn biến đặc biệt. Tại Hà Nội, thị trường sơ cấp đã ghi nhận 3 dự án thấp tầng và 5 dự án cao tầng chính thức ra mắt với tổng quỹ hàng khoảng 10.000 căn hộ.
Việc nguồn cung mở mới phong phú hơn cũng giúp người mua nhà, nhà đầu tư có thêm lựa chọn và tham chiếu. Các chủ đầu tư lần lượt cho ra mắt dự án, khởi công, là tín hiệu cho thấy, pháp lý của các dự án được tháo gỡ. Ông Trung cho rằng, năm 2025 sẽ giải quyết được một phần trong nhu cầu nhà ở của người mua ở thực.
Theo dự báo đến năm 2030, Hà Nội sẽ tăng thêm khoảng 2 triệu dân - tương đương cần thêm hơn 1 triệu căn nhà. Trong khi đó nguồn cung năm 2025 dự kiến chỉ khoảng 30.000 căn. Điều này cho thấy tiềm năng tăng giá còn rất lớn nếu xét đến yếu tố cung - cầu dài hạn.