(NXD) -
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, từ kinh nghiệm thế giới và thực tiễn của Việt Nam, Bộ Xây dựng cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt trong triết lý quy hoạch. Bên cạnh đó là một số tin tức đáng chú ý khác trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc.
Thừa Thiên Huế hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng
Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 06/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.
Theo Quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển.
Phân kỳ thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn theo từng giai đoạn
Ngày 05/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã có văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024.
Theo đó, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn xác định các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã, thị trấn; quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã; quy hoạch khu chức năng đối với khu vực có tính chất đặc thù; quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đô thị trên cả nước được phân thành loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V, dựa trên vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; quy mô, mật độ dân số; cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt trong triết lý quy hoạch.
Về quy định phân cấp, phân quyền cho địa phương trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu thể chế hoá thành các tiêu chí, cơ chế giám sát; đồng thời tổng kết việc thực hiện thí điểm tại một số địa phương để đưa vào luật.
Bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân trong công tác quy hoạch đô thị và nông thôn
Bà Trương Thị Ngọc Ánh (bên phải), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh
Ngày 04/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức "Hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn".
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đã nêu nhiều ý kiến phản biện về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn…
Nhắc tới việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng, ông Ngô Sách Thực - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cần quy định rõ hơn việc lấy ý kiến về quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu tại địa bàn dân cư trước khi phê duyệt hoặc điều chỉnh, tránh hình thức.
Đồng quan điểm, theo TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần có quy định về tổ chức lấy ý kiến theo từng cấp quy hoạch phù hợp tính chất, tầm quan trọng, mức ảnh hưởng của cấp quy hoạch.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Đỗ Duy Thường đề nghị trong dự thảo Luật quy định cụ thể MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức thành viên của MTTQ các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư có trách nhiệm tham gia xây dựng, góp ý, giám sát hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh giao ban chuyên môn tiếp thu và khẩn trương hoàn thiện văn bản phản biện xã hội đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét trước khi trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.
Nghiên cứu lựa chọn vị trí thích hợp để xây dựng sân bay Măng Đen
Kết luận tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về đề án nghiên cứu khả năng hình thành sân bay Măng Đen, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, đơn vị để hoàn chỉnh đề án nghiên cứu.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, vị trí nghiên cứu khả năng hình thành sân bay Măng Đen là một trong những vị trí tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ cũng như có vị trí chiến lược trong công tác quốc phòng, an ninh, khẩn nguy, cứu trợ.
Để có đầy đủ cơ sở báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum lưu ý một số nội dung: Rà soát, đối chiếu kết quả nghiên cứu đối với hệ thống các tiêu chí về đánh giá khả năng hình thành cảng hàng không tại các địa phương trong hồ sơ quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc để bảo đảm tính khách quan.
Xây dựng đô thị du lịch Y Tý theo các tiêu chí của đô thị loại V
UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý (huyện Bát Xát).
Theo đó, quy mô điều chỉnh quy hoạch gồm toàn bộ diện tích xã Y Tý là hơn 8.600 ha, trong đó, khu vực tập trung phát triển đô thị vùng lõi có diện tích hơn 3.100 ha.
Về định hướng tổ chức không gian đô thị, Quy hoạch định hướng làm 2 phân vùng. Trong đó, phân vùng 1 - vùng lõi trung tâm - với tổng diện tích 3.110ha; tập trung phát triển đô thị, dịch vụ du lịch và được chia làm 3 khu chức năng. Phân vùng 2 có tổng diện tích 5.492,79ha, có chức năng bảo tồn quỹ đất rừng nguyên sinh và các điểm dân cư hiện hữu.
Đô thị du lịch Y Tý được quy hoạch và tập trung đầu tư xây dựng theo các tiêu chí của đô thị loại V và là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của thị trấn Y Tý trong tương lai; đồng thời tập trung phát huy các giá trị truyền thống văn hóa bản địa.
Quảng Trị quy hoạch tu bổ 14 giếng cổ hàng nghìn năm tuổi
UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định phê duyệt dự toán lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống khai thác và xử lý nước của 14 giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh. Tổng dự toán lập quy hoạch là hơn 3,2 tỷ đồng.
Hệ thống giếng cổ Gio An đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2001, hiện có 14 giếng, gồm: Côi, Dưới, Búng, Trạng, Đào, Gái 1, Gái 2, Nậy, Tép, Ông, Bà, Gai, Máng và Pheo.
Các giếng cổ này đa phần nằm ở chân các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi.
Các nhà khoa học xác định, hệ thống giếng cổ ở Gio An được người Chăm xây dựng vào cuối thời đại đồ đá, ước tính có tuổi đời khoảng 5.000 năm.