Công trình: https://nguoixaydung.com.vn/cong-trinh/bao-hanh-duong-cao-toc-10-nam-mao-hiem-nhung-dang-gia-256812.html

Bảo hành đường cao tốc 10 năm: Mạo hiểm nhưng đáng giá!

06:08 | 16/03/2023
(NXD) - Việc Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành công trình đơn vị này thi công từ 1 năm lên 5 năm khiến nhiều nhà quản lý vĩ mô giật mình bởi phát hiện có một lỗ hổng thất thoát tài sản công không mấy ai ngờ tới trong những dự án giao thông, đó là, sự bảo đảm tuổi thọ của công trình.
 
 
Lẽ ra trong 5 năm đầu đưa vào hoạt động, mọi chi phí duy tu, sửa chữa đều thuộc về nhà thầu thì từ trước đến nay, họ chỉ chịu có 1 năm, còn 4 năm sau đó đã dồn hết vào ngân sách Nhà nước.
 
Cách đây đúng 1 năm, tháng 3/2022, Bộ GTVT đã gửi giấy mời một số doanh nghiệp lớn nhằm bàn về kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều thương hiệu thành danh trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đã đươc báo chí nêu tên trong cuộc mời họp này, như Vingroup, SunGroup, Him Lam, Đèo Cả, Trường Sơn, Thành An 36, Lũng Lô, 319, ACC..., nhưng không thấy nêu tên Tập đoàn Sơn Hải, một thương hiệu khi nhắc đến việc xây dựng đường cao tốc, nhiều người thường nhớ tới.
 
Nhớ tới bởi lẽ cách đây ngót chục năm, tháng 7/2014, một doanh nghiệp thuộc lớp “đàn em” trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ có tên là Sơn Hải đã có văn bản cam kết bảo hành những đoạn đường giao thông thuộc dự án mở rộng, nâng cấp QL1 và QL14 do đơn vị này trúng thầu và đang thi công lên 5 năm thay vì 1 năm như hợp đồng. 
 
Sự kiện này đã khiến nhiều nhà quản lý vĩ mô không khỏi giật mình bởi phát hiện ra một lỗ hổng thất thoát tài sản công không mấy ai ngờ tới, đó là sự bảo đảm tuổi thọ của công trình bị lơi lỏng. Lẽ ra trong 5 năm đầu đưa vào hoạt động, mọi chi phí duy tu, sửa chữa đều thuộc về nhà thầu thì từ trước đến nay, họ chỉ chịu có 1 năm, còn 4 năm sau đó đã dồn hết vào ngân sách Nhà nước.
 
Sự kiện này cũng đã khiến không ít nhà thầu khó chịu và nhận định đây là những chiêu trò làm thương hiệu mạo hiểm và không tưởng của những người đứng đầu Tập đoàn Sơn Hải; thậm chí có người còn cho rằng đây là hành vi thiếu chín chắn, “ngựa non háu đá” của một doanh nghiệp non trẻ trong lĩnh vực này. Một việc hẳn nhiều người còn nhớ là có kẻ đã đổ hóa chất xuống đoạn đường đang được Tập đoàn Sơn Hải bảo hành để dằn mặt.
 
Rồi thời gian 5 năm trôi qua, những đoạn đường quốc lộ mà Tập đoàn Sơn Hải thi công đã thực hiện cam kết hiển hiện trước mặt mọi người, được các cơ quan quản lý ghi nhận và đông đảo người dân khen ngợi.
 
Lại đến gần đây, tháng 10/2022, Tập đoàn Sơn Hải đã “chơi” một cuộc mạo hiểm lớn hơn, đó là có văn bản gửi Bộ GTVT cam kết nâng thời gian bảo hành đường cao tốc do Tập đoàn thực hiện lên 10 năm đối với những gói thầu các tuyến cao tốc do Tập đoàn này thi công. 
 
Những gói thầu này gồm gói thầu 10-XL thuộc dự án Mai Sơn - QL45; gói thầu XL-01 thuộc dự án Nghi Sơn - Diễn Châu; toàn bộ dự án Nha Trang - Cam Lâm và các gói thầu tiếp theo của giai đoạn 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.
 
Có lẽ cần nêu những nội dung mà Tập đoàn Sơn Hải xin được cam kết trước các nhà chức trách và trước bàn dân thiên hạ, toàn những tiêu chí “gai người”, đó là: Mặt đường bằng phẳng, không hằn lún, không bong bật, êm thuận cả đoạn tiếp giáp vào cầu. Thách thức hơn nữa, họ còn cam kết sẽ được giữ nguyên trong mọi trường hợp, kể cả xe quá tải trọng, quá lưu lượng hay thời tiết bất lợi.
 
Thử hỏi, trong hợp đồng chỉ có bảo hành 2 năm, nay Tập đoàn Sơn Hải cam kết tới 10 năm, cùng với việc sẽ được người dân giám sát bằng cách cắm biển cam kết bảo hành công khai trên các tuyến, sẽ giúp Nhà nước tiết kiệm bao nhiêu chi phí duy tu, bảo dưỡng đường trong suốt thời gian đó?
 
Theo một số chuyên gia chuyên ngành phân tích, hồi năm 2014, khi vào thời điểm ấy, những dự án mà Tập đoàn thi công là đường quốc lộ thông thường, cam kết “bảo hành 5 năm” kia quả là mạo hiểm nhưng chưa mạo hiểm quá. Tuy nhiên, nay là đường cao tốc đòi hỏi các yếu tố kỹ thuật cao hơn rất nhiều, mà lại “dám” bảo hành lên tới 10 năm thì đây có thể coi là hành vi quá mạo hiểm!
 
Bởi lẽ, so với đường ôtô thông thường, đường cao tốc có nhiều đặc điểm khác biệt, điển hình, như khối lượng lớn, thi công trên một diện rộng nên khó bảo đảm chất lượng đồng đều theo phương ngang và phương dọc; khối lượng lớn dẫn đến thời gian thi công kéo dài. Do vậy, một số bộ phận, hạng mục dễ bị tác động do thiên nhiên phá hoại, làm giảm chất lượng ngay trong quá trình thi công và ngay khi vừa làm xong nhưng chưa kịp thực hiện các hạng mục tiếp theo. Các chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng thiết kế và thi công (kích thước hình học, độ bằng phẳng, độ chặt đầm nén, chất lượng vật liệu...) đều có yêu cầu cao hơn để bảo đảm tuổi thọ lâu dài của đường cao tốc.
 
Tiếp nữa, theo PGS.TS Hoàng Tùng, việc thi công nền đường hiện nay đang bị không ít nhà thầu coi là đơn giản (chỉ là “công tác đất”) mà quên rằng, đây là một trong những khâu đặc biệt quan trọng, quyết định tính bền vững lâu dài của kết cấu tổng thể nền mặt đường. 
 
Với nền đường đắp, các tồn tại hay gặp khi thi công hạng mục này là: Không có biện pháp thoát nước tạm và bảo vệ bề mặt trong quá trình thi công; không tuân thủ quy định về chiều dày và độ dốc ngang của các lớp rải; không chú ý khống chế độ ẩm tốt nhất của vật liệu; số lượng và chủng loại lu không đủ, thường thiếu lu là phẳng trước khi hoàn thiện lu mỗi lớp đắp. Một số trường hợp để bơm được từ sà lan vào công trình, cát thường có độ ẩm rất lớn (đến mức hóa lỏng) và được bơm với chiều dày lớn, ảnh hưởng rất tiêu cực tới chất lượng của nền đường. Để khắc phục cần phải kiên quyết kiểm soát chiều dày, khả năng thoát nước, độ ẩm và công lu lèn các lớp đắp theo quy định. 
 
Riêng đối với nền đường đắp trên đất yếu, hiện nay chúng ta hầu như đã làm chủ công tác thiết kế, thi công nền đường đắp trên đất yếu. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác vẫn bộc lộ các hư hỏng ở khu vực này mà nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thời gian gia tải, cố kết không đảm bảo…
 
Chỉ cần kể sơ qua những yêu cầu và những rủi ro ấy lúc nào cũng sẵn sàng đổ ập xuống dự án khiến mọi lời cam kết thời gian bảo hành của nhà thầu đều có thể trở nên mong manh như những tờ giấy cam kết A4 kia vậy.
 
Tuy nhiên, nhiều người vẫn có lòng tin với lời bảo hành ấy và mong muốn chúng trở thành hiện thực, phần vì lời cam kết 5 năm kia đã hoàn thành mỹ mãn, đã làm lợi cho dân, cho nước rồi; phần nữa, theo cam kết trong các hợp đồng hiện nay là thời hạn bảo hành được nâng lên thành 2 năm thì lời hứa 10 năm kia cũng chỉ là để Tập đoàn Sơn Hải thể hiện quyết tâm vượt qua thách thức đặt ra cho chính bản thân doanh nghiệp mà thôi.
 
Thiết nghĩ, lời cam kết trước đây bảo hành đường bộ 5 năm và nay là cao tốc 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải hoàn toàn đáng giá trong một môi trường đấu thầu cạnh tranh khốc liệt và song phẳng đối với một doanh nghiệp “đàn em”, thể hiện phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” của doanh nghiệp.
 
Như mọi người đã biết, Tập đoàn Sơn Hải ban đầu chỉ là doanh nghiệp “cấp tỉnh” được thành lập năm 1998 tại tỉnh Quảng Bình với nhiều ngành nghề khác nhau, như xây dựng nhà các loại, san lấp mặt bằng, trồng trọt, kinh doanh bất động sản, rồi xây dựng công trình đường sắt, đường bộ… 
 
Sau nhiều năm nỗ lực phát triển, vốn điều lệ hiện nay khoảng 2.300 tỷ đồng. Nhiều dự án mà Tập đoàn tham gia xây dựng gần đây đã làm nên thương hiệu Sơn Hải, như Dự án trọng điểm Quốc gia hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế (tổng mức đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng); Dự án hồ chứa nước Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận (tổng mức đầu tư hơn 6 nghìn tỷ đồng); Dự án hồ chứa nước Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh (tổng mức đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng); Dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế (tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng)…
 
Với tiềm lực tài chính không mạnh như nhiều “đàn anh” khác nhưng Sơn Hải lại vượt trội nhiều đối thủ khi tham gia liên danh trong những dự án tầm quốc gia bằng thế mạnh của mình về công nghệ và kinh nghiệm thi công, về đội ngũ lành nghề, về sự tự tin và lòng tự trọng nghề nghiệp.... Chẳng hạn, trong dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức hợp đồng BT với tổng số vốn đầu tư là 11.486 tỷ đồng, bên cạnh Sơn Hải là những doanh nghiệp sừng sỏ và dày dạn trong lĩnh vực giao thông, như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng); Tổng đội Thanh niên xung phong Trường Sơn; Tổng công ty Xây dựng số 1 TNHH MTV (Bộ Xây dựng); Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Bộ GTVT)…
 
Trong gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa) dài 30,85 km, tổng mức đầu tư 3.549 tỷ đồng khởi công đầu năm 2023 mới đây cũng được thi công bởi liên danh Tập đoàn Sơn Hải - Vinaconex. 
 
Thử hỏi, nếu không có tiềm lực tự thân để tham gia thực hiện những dự án cấp quốc gia với chất lượng cao và hiệu quả hiển hiện, nếu không có ý chí vươn lên từ một doanh nghiệp “cấp tỉnh” lên “cấp khu vực” rồi “cấp quốc gia”, nếu không có niềm tin vào chính mình và lòng quả cảm với cam kết bảo hành sản phẩm do mình làm ra trong 5 năm rồi 10 năm kia… thì liệu Tập đoàn Sơn Hải có thể chiếm được lòng tin của chủ đầu tư và các đối tác trong các liên danh như hiện nay?
 
Niềm tin vào chính mình ấy còn được minh chứng bằng sự việc mới đây, Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Khánh Hòa xin nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đường bộ cao tốc từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Liên Khương (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công - tư.
 
Tuyến cao tốc này là 1 trong số 10 tuyến cao tốc thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có chiều dài toàn tuyến khoảng 85 km, được quy hoạch với 4 làn xe…
 
Chính vì thế mới có thể nhận xét rằng, Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành đường cao tốc 10 năm: Mạo hiểm nhưng đáng giá!
Theo Tạp chí Xây dựng