Công trình: https://nguoixaydung.com.vn/cong-trinh/de-nghi-luat-hoa-mot-so-quy-dinh-ve-cai-tao-chung-cu-cu-da-phat-huy-hieu-qua-501592.html

Đề nghị 'luật hóa' một số quy định về cải tạo chung cư cũ đã phát huy hiệu quả

05:13 | 28/08/2023
(NXD) - Số lượng nhà chung cư đã và đang cải tạo, xây dựng chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tổng số nhà chung cư cần phải thực hiện cải tạo, xây dựng lại. Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị “luật hóa” một số quy định về cải tạo chung cư cũ đã phát huy hiệu quả trên thực tế.

 

Hầu hết địa phương chưa quyết liệt
 
Qua tiến hành giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết hiện nay, số lượng nhà chung cư đã và đang thực hiện cải tạo, xây dựng lại còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tổng số nhà chung cần phải thực hiện cải tạo, xây dựng lại.
 
Các địa phương đã vận dụng nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng tiến độ vẫn không đạt. Chính sách, cơ chế chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn nên chưa thu hút được doanh nghiệp, người dân trong việc cải tạo chung cư cũ.
 
Một góc khu tập thể cũ ở TP Hải Phòng. Ảnh minh họa. Nguồn: VNE.
 
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng và các địa phương cho thấy, cả nước có 366 nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, trong đó nhà chung cư đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại là 42 nhà chung cư (chiếm 11%) và nhà chung cư đang thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại từ ngày 01/7/2015 - 30/11/2022 có 69 nhà chung cư (chiếm 19%).
 
Như vậy, số lượng nhà chung cư đã và đang thực hiện cải tạo, xây dựng lại còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn (30%) so với tổng số nhà chung cần phải thực hiện cải tạo, xây dựng lại và cũng chỉ tập trung chủ yếu ở địa phương có cơ chế cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tốt như TP Hải Phòng, trong khi các vướng mắc về thể chế còn chưa được giải quyết để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
 
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chưa quyết liệt nên kết quả thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại TP Hà Nội, TP.HCM chưa đạt kết quả đề ra. TP.HCM đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 cải tạo, xây mới 474 chung cư cũ, nhưng từ năm 2015-2022, mới hoàn thành cải tạo, xây mới được 3 chung cư, đang cải tạo, xây dựng mới 29 chung cư.
 
“Luật hóa” một số quy định để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao
 
Theo Ủy ban Pháp luật, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để điều chỉnh các hoạt động trong quản lý, vận hành, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
 
Qua công tác giám sát, Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành và “luật hóa” một số quy định phù hợp, đã phát huy hiệu quả trên thực tế của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao như các quy định liên quan đến: Nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; Lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
 
Cùng các quy định về: Quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại; Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư; Các cơ chế ưu đãi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
 
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị quy định rõ các trường hợp cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để thuận lợi trong triển khai thực hiện như: Nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc còn thời hạn sử dụng nhưng thuộc một trong các trường hợp như nhà chung cư bị hư hỏng do cháy nổ, do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng; Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ…
 
Nghiên cứu bổ sung việc quy định cụ thể về: Công khai niên hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình; Công khai kết luận kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư đối với toàn bộ các nhà chung cư được kiểm định khi hết niên hạn sử dụng; Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về nhà ở trong phạm vi toàn quốc bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân.
 
Thực tiễn cho thấy, việc di dời và phá dỡ nhà chung cư hiện nay chưa được quy định rõ trong Luật, dẫn đến công tác triển khai kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không bảo đảm tiến độ, gặp nhiều khó khăn. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định trình tự, thủ tục di dời, cưỡng chế di dời và phá dỡ nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại.
 
Bên cạnh đó, để tăng cường sự hợp tác của cư dân trong việc di dời ra khỏi các chung cư phải phá dỡ, Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát, bổ sung quy định về nguyên tắc, hình thức bố trí tái định cư; bổ sung quy định cụ thể cơ chế đặt hàng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội để làm nhà ở tái định cư để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
 
Bổ sung quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan trong việc quản lý, bố trí nhà ở tái định cư; trách nhiệm của UBND, chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong việc bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc diện di dời.
 
Nghiên cứu rà soát để sửa đổi trình tự, thủ tục đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bảo đảm thông thoáng, hiệu quả, thu hút đầu tư.
Theo Tạp chí Xây dựng