Công trình: https://nguoixaydung.com.vn/cong-trinh/tìm-sụ-cong-bàng-cho-doanh-nghiẹp-565512.html

Tìm sự công bằng cho doanh nghiệp

15:47 | 02/01/2025
(NXD) - Nếu thiếu tôn trọng sự công bằng lợi ích của các chủ thể liên quan, đất đai vẫn bị bỏ hoang, tài sản công dân và tài sản quốc gia vẫn bị lãng phí nghiêm trọng không biết đến bao giờ…

 

Cách đây hơn 1 năm, vào đầu tháng 7/2023, UBND TP Hà Nội đã ra thông báo dừng thực hiện các nội dung đã được chấp thuận trước đây đối với 18 dự án quy hoạch trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy.
 
Trong 18 dự án gồm có 6 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 01/7/2014, đã quá tiến độ thực hiện dự án tại quyết định chủ trương đầu tư, chưa được giao đất, cho thuê đất và 12 dự án đã nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư, chưa được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
 
Nhiều lô đất giao cho các tổng công ty đang biến tướng thành nhà xưởng, gara ô tô, nhà hàng... (Ảnh: Báo Dân Việt)
 
Quan điểm của Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư, đất đai hiện nay, các dự án sử dụng đất này thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu, hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, do đó, việc chỉ định nhà đầu tư, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu thầu, đấu giá là không phù hợp quy định hiện hành.
 
Với một chủ trương như thế, cứ ngỡ là mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái, giải phóng được nguồn lực đất đai, tạo nên một thị trường công bằng và lành mạnh hơn cho các nhà đầu tư, nhưng hóa ra không phải. Hơn 1 năm qua đi mà mọi việc vẫn tựa như đi vào ngõ cụt. Bởi lẽ, sự “quá tiến độ thực hiện dự án” của 18 chủ đầu tư kia có nguyên nhân chủ quan và khách quan hoàn toàn khác nhau, thậm chí có nguyên nhân do chính những quy định hành chính của Hà Nội gây trở ngại. Bên cạnh đó, số tiền đã ứng nộp vào ngân sách của mỗi chủ đầu tư khác nhau, rồi người đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và người chưa hề có gì... nay đều bị “xử” như nhau khiến đơn kêu cứu, khiếu nại được gửi đi khắp nơi.
 
Ta thử lấy vụ việc của Công ty CP Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) để phân tích. HanoiTelecom là chủ đầu tư dự án “Trụ sở làm việc, thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê” tại lô đất 01-E9 thuộc Khu trụ sở các tổng công ty - Khu đô thị mới Cầu Giấy. Dự án đã được giới thiệu địa điểm năm 2004 và được UBND TP Hà Nội cho phép nghiên cứu lập dự án xây dựng theo Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 11/11/2008.
 
Khác với nhiều dự án khác liền kề, HanoiTelecom đã nộp 60% tiền sử dụng đất là 40,445 tỷ đồng tại thời điểm năm 2007, được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 6909/QĐ-UBND ngày 21/12/2018.
 
Từ ngày đó đến nay, HanoiTelecom “chạy” hết cửa này đến cửa khác, văn bản gửi khắp các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương để lo thủ tục cho thuê đất và giao đất nhưng không được, rồi đơn kêu cứu lên đến Thủ tướng Chính phủ… cho đến khi được biết là bị dừng dự án và thu hồi đất.
 
Vậy đi tìm sự công bằng cho HanoiTelecom ở đâu? Thiết nghĩ, theo lẽ thường, lô đất 01-E9 đã nộp 60% tiền sử dụng đất từ năm 2007 thì kể từ khi đó, quyền sử dụng lô đất ấy cũng 60% đã thuộc về HanoiTelecom. Nay nếu UBND TP Hà Nội muốn thu hồi để đấu giá thì phải tôn trọng quyền này của HanoiTelecom mới là công bằng.
 
Chính vì thế mà đơn kêu cứu, khiếu nại từ những chủ đầu tư bị đối xử không công bằng trong số 18 dự án kia cứ dai dẳng mãi không dứt. Đất đai vẫn bị bỏ hoang, tài sản công dân và tài sản quốc gia vẫn bị lãng phí nghiêm trọng không biết đến bao giờ nếu UBND TP Hà Nội thiếu tôn trọng sự công bằng lợi ích của các chủ thể liên quan.
Theo Theo Tạp chí Xây dựng