(NXD) -
Giữa làn sóng âm nhạc hiện đại đầy sôi động, âm hưởng dân tộc truyền thống đang dần tìm lại vị thế của mình bằng những cách tiếp cận đầy mới mẻ và sáng tạo. Thông qua các chương trình thực tế mang màu sắc trẻ trung, âm nhạc dân tộc Việt Nam không chỉ được làm mới mà còn được lan tỏa mạnh mẽ đến thế hệ trẻ, trở thành nhịp cầu gắn kết giữa hiện đại và cội nguồn văn hóa.
Suốt một thời gian dài, âm nhạc dân tộc Việt Nam dường như bị bó hẹp trong không gian truyền thống và học thuật. Việc thiếu vắng sân khấu biểu diễn đại chúng, sự lặp lại trong cách thể hiện, cùng khoảng cách về ngôn ngữ, hình thức thể hiện khiến dòng nhạc này dần trở nên xa lạ với một bộ phận khán giả trẻ. Nhiều người lo ngại rằng, âm nhạc dân tộc - vốn là kho tàng quý giá của văn hóa Việt đang dần bị lãng quên giữa thời đại nhạc số, nơi những giai điệu hiện đại và thị hiếu giải trí lên ngôi.
.jpg)
Concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” - Day 4 diễn ra vào ngày 23/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thúy Uyên
Trái ngược với những lo ngại về nguy cơ dần bị mai một, âm nhạc dân tộc Việt Nam những năm gần đây đang chứng kiến một sự chuyển mình đầy tích cực. Ngày nay, âm nhạc dân tộc đã và đang trở lại mạnh mẽ trong đời sống đương đại. Một làn sóng “hồi sinh” đang lan rộng, khi ngày càng nhiều chương trình giải trí thực tế đưa chất liệu dân gian vào sân khấu đại chúng - nơi âm nhạc truyền thống được làm mới một cách sáng tạo, hiện đại nhưng vẫn giữ trọn hồn cốt văn hóa, góp phần làm sống dậy dòng chảy văn hóa này. Sự xuất hiện của âm nhạc dân tộc trong các chương trình thực tế không còn là chi tiết “cài cắm” mang tính hình thức, mà đã trở thành yếu tố tạo nên giá trị nội dung và cảm xúc.
Sức hút của âm nhạc dân tộc đối với giới trẻ Việt thông qua các chương trình thực tế
Bằng việc tái hiện những ca khúc mang âm hưởng truyền thống thông qua các bản phối hiện đại, tiết tấu bắt tai, sân khấu mãn nhãn cùng phần dàn dựng đậm tính nghệ thuật thị giác, các chương trình như “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” đã thực sự “thổi hồn” vào âm nhạc dân tộc Việt Nam, khiến những giai điệu tưởng chừng xa lạ trở nên sống động, gần gũi, cuốn hút và dễ dàng chạm đến trái tim người trẻ Việt hơn bao giờ hết.
Không chỉ dừng lại ở việc làm mới âm nhạc truyền thống, những chương trình này còn chủ động mang tinh thần văn hóa dân tộc tiếp cận đến khán giả trẻ bằng những bản phối hiện đại, giai điệu trẻ trung và phong cách biểu diễn gần gũi với thị hiếu của gen Z. Chính sự kết nối với văn hóa truyền thống theo những các đầy sáng tạo đã giúp âm nhạc dân tộc Việt từng bước trở thành những âm hưởng đầy cảm xúc kết nối thế hệ trẻ với cội nguồn văn hóa dân tộc.
.png)
Concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” - Day 4 diễn ra vào ngày 23/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu An
Điển hình, các ca sĩ trẻ trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” như Soobin Hoàng Sơn, Jun Phạm hay Bùi Công Nam không chỉ khai thác chất liệu dân gian trong sáng tác và biểu diễn, mà còn lan tỏa được tinh thần dân tộc. Những màn trình diễn như “Trống cơm” phiên bản hiện đại hay việc lồng ghép tiếng đàn bầu, sáo mèo trong các tiết mục đã cho thấy: âm nhạc dân tộc không hề là thứ quá khứ lỗi thời, mà hoàn toàn có thể được làm mới để sống cùng hiện tại khi có cách tiếp cận đúng đắn.
Một điểm sáng đáng chú ý là khán giả trẻ Việt trước đây thường có xu hướng ưa chuộng nhạc Hàn, Âu-Mỹ hơn thì nay lại trở thành lực lượng lan tỏa mạnh mẽ những ca khúc dân gian qua những hình thức mới mẻ như: cover trên TikTok, remix hoặc sử dụng nhạc cụ dân tộc trong các bản mashup hiện đại… Điều đó cho thấy đây không đơn thuần là trào lưu thoáng qua, mà là biểu hiện của sự chủ động khám phá, tiếp nhận và tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại số.
Chia sẻ về điều này, bạn Trần Linh Chi (21 tuổi), sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói: “Năm nay là có thể gọi là một sự bùng nổ rất là lớn của idol quốc nội về âm nhạc Việt Nam. Trước đây thì mình cũng có theo dõi idol quốc ngoại khá là lâu và khoảng hơn một năm gần đây thôi thì mình mới bắt đầu chú ý hơn đến âm nhạc của Việt Nam. Từ khi mình theo dõi các chương trình âm nhạc thực tế và thấy được cách mà các ca sĩ đưa yếu tố dân tộc vào, mình cảm thấy rất gần gũi. Từ đó thì mình cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc dân tộc, nhất là khi thấy nó được thể hiện sáng tạo mà vẫn rất bắt tai, rất cảm xúc và cũng rất hiện đại, phù hợp với giới trẻ chúng mình.”
Bạn Trần Linh Chi chia sẻ cảm nhận về âm nhạc dân tộc sau khi xem chương trình thực tế. Ảnh: Hà Anh, Lâm Huyền, Cẩm Tú.
Rõ ràng, những chương trình âm nhạc thực tế không chỉ làm nhiệm vụ giải trí đơn thuần mà còn đang mở ra không gian trải nghiệm văn hóa đầy cảm xúc. Trong một thế giới mà trào lưu thay đổi chóng mặt theo từng cú lướt mạng, chính sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại đang giúp âm nhạc dân tộc “giữ sóng” trong đời sống của giới trẻ một cách bền bỉ và thuyết phục.
Xu hướng bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc trong tương lai
Việc thiếu vắng sự quan tâm của khán giả tới âm nhạc dân tộc đã vô tình khiến cho thể loại âm nhạc này chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có những tín hiệu tích cực đã xuất hiện: các chương trình thực tế, nổi bật là “Anh trai vượt ngàn chông gai”, đã góp phần làm mới những làn điệu quen thuộc với những bản phối mới, gần gũi hơn với thị hiếu giới .
Một minh chứng rõ ràng, đó là “Trống Cơm” với phần trình diễn đàn bầu của nghệ sĩ Soobin Hoàng Sơn đã lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ, với hàng loạt các bản cover đàn bầu lan truyền trên mạng xã hội. Điều này cho thấy rằng giới trẻ không hề thờ ơ với âm nhạc dân tộc; ngược lại, họ sẵn sàng tiếp cận, học hỏi và lan tỏa những giá trị truyền thống khi được truyền cảm hứng đúng cách.
Bạn Lê Thu An, một khán giả của chương trình, chia sẻ: “Những ca khúc như “Chiếc khăn piêu”, “Mưa trên phố Huế”, … trước đây mình đã từng nghe rồi, nhưng chưa thực sự có nhiều cảm xúc. Thông qua chương trình, với những bản phối mới, với âm thanh của tiếng sáo mèo, đàn tì bà, … đã thổi một cái hồn rất hiện đại vào đó; khiến mình muốn tìm hiểu sâu hơn về các thể loại âm nhạc dân tộc như chèo, dạ cổ, … và những nét đẹp văn hóa Việt Nam ẩn chứa trong từng ca từ”.
Bạn Lê Thu An chia sẻ cảm nhận về âm nhạc dân tộc sau khi xem chương trình thực tế. Ảnh: Hà Anh, Lâm Huyền, Cẩm Tú
Ở góc độ của người trong nghề, nghệ nhân Quan họ Ưu tú Nguyễn Thị Hài tâm sự: “Không chỉ có các làng Quan họ gốc, trong tỉnh Bắc Ninh, hiện có hơn 100 làng Quan họ thực hành - nơi người dân tham gia vào lớp học bồi dưỡng Quan họ của tỉnh Bắc Ninh và được các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn”.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hài chia sẻ về sức hút của âm nhạc dân tộc đối với giới trẻ thông qua chương trình thực tế. Ảnh: Hà Anh, Lâm Huyền, Cẩm Tú
Bày tỏ kỳ vọng vào sự phát triển của âm nhạc dân tộc trong tương lai, cô chia sẻ thêm: “Bây giờ, thì cô cũng rất là mong muốn, thế hệ trẻ, không chỉ ở Bắc Ninh, mà còn là ở các tỉnh thành khác cũng có trách nhiệm với làn điệu dân ca Quan họ của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và nền âm nhạc dân tộc của Việt Nam nói chung, để âm nhạc được bảo tồn và phát huy. Cô tin rằng, với đà phát triển như bây giờ, với thế hệ trẻ như bây giờ thì chắc chắn nền âm nhạc dân tộc còn được phát triển mạnh hơn nữa và lan tỏa rất nhiều.”
Âm nhạc dân tộc không chỉ là những thanh âm của quá khứ, mà còn là nhịp đập văn hóa của hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự lên ngôi của các dòng nhạc hiện đại, việc âm nhạc truyền thống vẫn có thể tìm được chỗ đứng vững vàng trong lòng giới trẻ - thông qua các chương trình thực tế đầy sáng tạo và truyền cảm hứng - là một dấu hiệu tích cực. Không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc nghe và thưởng thức, người trẻ đang chủ động học hỏi, trình diễn và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc một cách đầy tự hào. Đây chính là tiền đề quan trọng để âm nhạc dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ trong thời đại mới - nơi mà truyền thống và hiện đại có thể song hành, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hà Anh - Lâm Huyền - Cẩm Tú