Kiến trúc: https://nguoixaydung.com.vn/kien-truc/bao-dam-quy-dinh-thong-nhat-khai-niem-hinh-thuc-muc-dich-su-dung-bds-du-lich-513962.html

Bảo đảm quy định thống nhất khái niệm, hình thức, mục đích sử dụng BĐS du lịch

09:56 | 16/11/2023
(NXD) - Xác định du lịch là ngành kinh tế mang tính đặc thù, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS bảo đảm quy định cụ thể, thống nhất khái niệm, bản chất các hình thức, mục đích sử dụng BĐS du lịch.
 
Kiến nghị mở rộng đối tượng mua BĐS nghỉ dưỡng
 
Sáng 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: baochinhphu.vn.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
 
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
 
Bà Nguyễn Thái Hoài Anh - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group. Ảnh: baochinhphu.vn.
 
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thái Hoài Anh - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho biết, theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua các hình thức khác như BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trong khi nhu cầu thực tế là có. Các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan… loại hình này đang phát triển khá mạnh mẽ, thu hút nguồn đầu tư ổn định.
 
Cũng theo bà Nguyễn Thái Hoài Anh, các dự án BĐS nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí. Từ đó, du khách quốc tế sẽ có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn.
 
Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng mua BĐS nghỉ dưỡng là người nước ngoài sẽ thu hút lượng ngoại tệ lớn; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thân thiện, yên bình, đáng sống ra thế giới.
 
Vì vậy, cần xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS nghỉ dưỡng, giúp tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Khi xây dựng cơ chế, chính sách, cần lưu ý cụ thể từ khâu điều kiện mua, quy định thanh toán, loại hình kinh doanh, chuyển lợi nhuận…
 
Cách nào để hạn chế rủi ro?
 
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đặt ra vấn đề về việc làm thế nào hạn chế rủi ro. Theo chuyên gia Võ Trí Thành, chúng ta dành rất nhiều đất đai cho du lịch, cho những công trình lớn của du lịch, nhưng nếu không có sự vào cuộc của các chuyên gia đánh giá tác động, thẩm định, dễ sa vào 2 cái vấp: Thứ nhất, quá trình đô thị hóa đất đai nhanh hơn quá trình đô thị hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh; Thứ hai, kinh tế không đủ cho hoạt động, đôi khi người ta núp bóng du lịch vào mục đích cuối cùng là kinh doanh BĐS theo nghĩa truyền thống.
 
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành. Ảnh: baochinhphu.vn.
 
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: baochinhphu.vn.
 
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang xác định du lịch là ngành kinh tế mang tính đặc thù, tổng hợp và tính liên ngành, liên lĩnh vực. Là lĩnh vực tương đối nhạy cảm đối với các yếu tố liên quan đến an ninh chính trị, cạnh tranh chiến lược, hoặc liên quan đến kinh tế, văn hóa, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
 
Bộ Công an nhận thức được nhiệm vụ này và thực hiện đổi mới toàn diện tư duy, nhận thức và hành động để phát triển du lịch thực chất, bền vững, gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Do đó, chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh hết sức đồng bộ và thông thoáng.
 
Theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, chính sách thị thực chưa phải là vướng mắc chính mà cần phải có sản phẩm du lịch, truyền thông du lịch và các yếu tố thúc đẩy du lịch khác.
 
Thứ trưởng Lương Tam Quang kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản liên quan để làm sao quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất về khái niệm, bản chất, các hình thức, mục đích sử dụng BĐS du lịch.
Theo Tạp chí Xây dựng