Kiến trúc: https://nguoixaydung.com.vn/kien-truc/can-nhac-ki-luong-than-trong-cac-noi-dung-cua-du-an-luat-nha-o-sua-doi-256952.html

Cân nhắc kĩ lưỡng, thận trọng các nội dung của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

06:18 | 18/03/2023
(NXD) - Bộ Xây dựng sẽ rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định rõ hơn các nội dung của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
 
 
Hồ sơ dự án Luật bảo đảm yêu cầu
 
Chiều 17/3, tại phiên họp thứ 21, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
 
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác phát triển và quản lý nhà ở đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
 
Đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hộ nghèo tại khu vực nông thôn tự tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh - xã hội của đất nước.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 21 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
 
Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật nhà ở cũng đã xuất hiện những bất cập, hạn chế, tồn tại và cần được xem xét để xây dựng Luật thay thế Luật Nhà ở năm 2014…
 
Mục đích của việc xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho Nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
 
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan.
 
Việc xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trên nguyên tắc bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các đường lối, chủ trương của Đảng có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội; đảm bảo kế thừa, ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014.
 
Đồng thời, đảm bảo giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng ...; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở.
 
Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; luật hóa các quy định liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh, theo đó Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.
 
Riêng các giao dịch liên quan đến nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chuyển sang điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản để tránh trùng lắp.
 
Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
 
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, với mục tiêu nêu trên, sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành, các cơ quan quản lý nhà ở vẫn tiếp tục thực hiện các quy định về phát triển và quản lý nhà ở đã được quy định trong Luật Nhà ở hiện hành mà không làm phát sinh về nhân lực, tài chính để triển khai thực hiện. 
 
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở theo Tờ trình của Chính phủ. Về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Tuy nhiên, cần hoàn thiện Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế về nhà ở gắn với các chính sách mới trong dự thảo Luật...
 
Liên quan đến đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở cơ bản như công dân Việt Nam, trừ một số điều kiện về số lượng nhà, căn hộ, khu vực được phép sở hữu và thời hạn sở hữu.
 
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ nội dung này.
 
Thẩm tra về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn, bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật.
 
Đủ điều kiện trình Quốc hội
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực cô gắng của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hồ sơ dự án một luật khó, phức tạp, nhạy cảm được nhiều đối tượng quan tâm.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sau phiên họp này, trên cơ sở hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, về quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm được Nhân dân, cử tri đặc biệt quan và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, cần cân nhắc kĩ lưỡng thận trọng, với các căn cứ cơ sở chính trị vững chắc, căn cứ của Hiến pháp và các pháp luật có liên quan.
 
Quang cảnh phiên họp.
 
Đối với các nội dung về nhà ở xã hội, về sở hữu nhà chung cư của người nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành với các phương án của Chính phủ đưa ra và đề nghị, nghiên cứu đánh giá kĩ tác động và sự phù hợp của luật này với các quy định pháp luật có liên quan và Nghị quyết 18-NQ/TW. 
 
Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, Luật sửa đổi lần này kế thừa nhiều quy định của Luật cũ. Đồng thời, bổ sung nhiều quy định về quyền con người về nhà ở, quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Hiến pháp 2013.
 
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự án Luật quan trọng, nhạy cảm, được nhân dân và dư luận xã hội quan tâm rất lớn. Nhận thức rõ điều này, Ban soạn thảo đã luôn thận trọng, cầu thị lắng nghe trong quá trình xây dựng các quy định của dự án Luật. 
 
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua ý kiến của Ủy ban thẩm tra và qua các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định rõ hơn để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của của người dân. 
 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở; hồ sơ, thủ tục, quy trình chuẩn bị dự án Luật đúng quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, qua đó Chính phủ tiếp thu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. 
 
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến các tổ chức, đơn vị, người dân chịu tác động để đảm bảo quy định trong luật rõ ràng, chi tiết, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện, trình lại hồ sơ để tiến hành thẩm tra đúng theo quy định.
Theo Tạp chí Xây dựng