(NXD) -
Đình Yên Trường, tọa lạc tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, là một trong những công trình kiến trúc cổ kính tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không chỉ là nơi thờ phụng Thành hoàng làng, đình còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phản ánh rõ nét đời sống tâm linh và nghệ thuật kiến trúc truyền thống của người Việt.
Đình Yên Trường, tọa lạc tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Đặc điểm kiến trúc nổi bật
Đình, đền Yên Trường là tên thường gọi của di tích theo địa danh của thôn Yên Trường, xã Trường Yên. Đền Yên Trường còn có tên gọi Nôm là Quán Gạn. Trải qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt là vào 1996 chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công sức tiền của để đại trùng tu các hạng mục kiến trúc của đình như: cổng ngũ môn, nhà phương đình, toà đại đình, hai dãy nhà tả hữu mạc, lát sân được tu bổ mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn.
Cổng đình xây kiểu trụ biểu với bình phong ở giữa và hai cửa nhỏ hai bên, các mặt có đắp nhiều câu đối chữ Hán. Đại bái gồm 3 gian hai dĩ xây kiểu nhà có mái đao, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, hai đốc mái đắp hình rồng miệng ngậm bờ nóc, bốn đầu đao trang trí hình rồng uốn công tạo thành đao, bờ dải rồng trang trí hình hoa chanh chạy suốt, giữa bờ giải trang trí tượng nghê hướng vào nóc mái biểu tượng cho sự thịnh vượng và quyền uy.
Phía trước là hệ thống cửa bức bàn kiểu chấn song con tiện. Mái đình lợp ngói ta, trên bờ nóc có đắp kiểu bờ đình mang đặc trưng của kiến trúc văn hóa Việt. Các chi tiết chạm khắc gỗ tinh xảo, từ cột, kèo đến các hoa văn trang trí, thể hiện tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân xưa.
Đá chạm khắc hình rồng biểu tượng của sự linh thiêng và truyền thống văn hóa Việt.
Kiến trúc mái đình được trang trí bởi các họa tiết, hoa văn tinh xảo.
Một điểm nổi bật trong kiến trúc đình Yên Trường là việc sử dụng đá ong, loại vật liệu phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đá ong không chỉ bền chắc mà còn có khả năng điều hòa nhiệt độ, giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Những bức tường đá ong sẫm màu như sáp mật hiện hữu khắp ngõ xóm, tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi.
Nhiều ngôi nhà ở Yên Trường còn giữ được nét độc đáo với vật liệu làm từ đá ong xưa.
Đình Yên Trường không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi diễn ra các lễ hội truyền thống, hội họp và các hoạt động văn hóa khác. Đây là nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm, truyền tải những giá trị văn hóa, lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngoài ra, làng Yên Trường còn nổi tiếng với những ngôi nhà cổ, giếng cổ và không gian rêu phong, gần gũi. Người dân nơi đây mộc mạc, chất phác và mến khách, luôn có ý thức bảo tồn những giá trị xưa.
Giếng cổ nhuốm màu thời gian, in dấu tích sinh hoạt của cộng đồng làng xưa giữa lòng đất đá rêu phong.
Thách thức và hướng bảo tồn
Hiện nay, làng Yên Trường chưa thu hút được nhiều khách du lịch, phần lớn là do thiếu quy hoạch và chiến lược phát triển. Số lượng nhà cổ bằng đá ong hiện nay không còn nhiều vì các gia đình đã tu sửa, mua bán hoặc phân chia lại cho con cháu. Nhiều nhà bị biến dạng hoặc bỏ trống không ai chăm sóc.
Những chiếc giếng cổ được người dân xây dựng bờ rào, mái che nhưng vẫn còn sơ sài, chưa có tính thẩm mỹ cao.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của đình Yên Trường, cần có sự chung tay của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc tu bổ, gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa này. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống cũng là cách để thu hút du khách và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hằng năm, làng Yên Trường mở hội vào ngày 6/6 và 10/8 âm lịch, với đầy đủ nghi lễ truyền thống như tế thần, rước kiệu Thánh từ đền Gạn và đền Bơi. Lễ vật gồm xôi trắng, thủ lợn hoặc gà trống hoa cùng hoa quả bốn mùa. Phần hội có nghi thức mộc dục và rước kiệu Thánh quanh các điểm thờ tự trong làng.
Đình Yên Trường là một minh chứng sống động cho nghệ thuật kiến trúc truyền thống và đời sống văn hóa phong phú của người Việt. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của đình không chỉ góp phần giữ gìn di sản văn hóa mà còn là cách để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, lịch sử và bản sắc dân tộc.
Nguyễn Lan