Kiến trúc: https://nguoixaydung.com.vn/kien-truc/nguyen-bo-truong-bo-xay-dung-nguyen-hong-quan-don-gia-dinh-muc-xay-dung-can-kip-thoi-sat-thuc-te-548932.html

Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Đơn giá, định mức xây dựng cần kịp thời, sát thực tế

04:11 | 28/04/2024
(NXD) - Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, đơn giá định mức xây dựng là cần thiết nhưng phải kịp thời, sát thực tế để làm được điều này cần vai trò kiểm tra, đôn đốc của chính quyền trung ương.

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân - Ảnh Hoàng Lực.

Đầu tư công của Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp trong nền kinh tế như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics. Tuy nhiên, những bất cập trong định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
 
Nhận diện những bất cập này, trong Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 gửi các Bộ Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo Bộ, Ngành, địa phương nhanh chóng giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan tới quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án giao thông trên cả nước.
 
Để hiểu rõ hơn nội hàm câu chuyện đơn giá, định mức xây dựng, phóng viên Tạp chí Người Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân.
 
- Việc xác định định mức, đơn giá xây dựng hiện có nhiều bất cập ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, ông đánh giá vấn đề này như thế nào? 
 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Khó khăn về thị trường, giá nguyên vật liệu đầu vào và lãi suất tăng cao, cùng sự suy yếu của lĩnh vực Bất động sản nhà ở đang đẩy nhiều doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng vào tình cảnh khó khăn. Giữa những khó khăn đó, đầu tư công đang được đánh giá là chiếc “phao” cho các doanh nghiệp này trong thời gian tới.
 
Đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tại phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông.
 
Như vậy có thể thấy, vướng mắc về định mức, đơn giá xây dựng hiện nay chủ yếu ở công trình giao thông. Khi xảy ra những bất cập trong định mức, đơn giá xây dựng, có hai luồng quan điểm: Thứ nhất, bỏ quy định đơn giá, định mức xây dựng; Thứ hai, các cơ quan né tránh trách nhiệm.
 
Cần khẳng định, đơn giá, định mức xây dựng là cần thiết. Định mức xây dựng quy định về mức hao phí cần thiết vật liệu, nhân công và máy móc để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc xây dựng. Định mức xây dựng là công cụ thực hiện chức năng quản lý của nhà nước trong cơ chế thị trường nhằm công khai các thông tin để tăng tính cạnh tranh trong quá trình đầu tư xây dựng.
 
Trong khi, đơn giá xây dựng hiểu ngắn gọn là chi phí về vật liệu, nhân công, máy để hoàn thành 1 đơn vị công việc xây dựng. Đơn giá xây dựng đối với các công trình vốn nhà nước được xác định bằng 4 loại số liệu gồm: Định mức dự toán; Giá vật liệu; Giá nhân công; Giá ca máy. 
Đơn giá, định mức xây dựng ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp xây dựng, các nhà thầu, việc sửa đổi, ban hành đơn giá, định mức xây dựng sát với thực tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh tình trạng doanh nghiệp bù tiền đơn giá thực tế cao hơn hơn định mức, đơn giá được quy định.
 
Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần biết đơn giá, định mức để biết giá trị sản phẩm mình thụ hưởng có đúng không. Đơn giá, định mức xây dựng cần thiết cho cả đơn vị sản xuất và người tiêu dùng.
 
- Ông đánh giá như thế nào về việc ban hành đơn giá, định mức xây dựng hiện nay?
 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Theo quy định, việc quản lý định mức dự toán xây dựng được phân cấp cho Bộ Xây dựng, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh. Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, cập nhật các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù trên địa bàn địa phương.
 
Đơn giá, định mức xây dựng là cần thiết nhưng phải kịp thời, sát thực tế, để làm được điều này cần vai trò kiểm tra, đôn đốc của chính quyền trung ương.
 
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nói chung, nhất là các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế trong công tác quản lý, quản trị dự án vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng…
 
Trong bối cảnh đó, 02/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thể hiện tinh thần hết sức khẩn trương trong việc giải quyết khó khăn về định mức, đơn giá xây dựng cũng như khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng hiện nay.
 
- Theo quy định, sau 3 năm ban hành, sẽ rà soát bộ định mức một lần, trong khi đó diễn biến thị trường luôn thay đổi, phải chăng cần rút ngắn thời gian rà soát?
 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Trên thế giới, hiện có nhiều phương pháp chính để xác định định đơn giá, định mức, các phương pháp này đều được cơ quản lý nhà nước tiếp cận và áp dụng. Trên thực tế, phương pháp nào cũng có ưu - nhược, không có phương án nào tối ưu hoàn toàn. Về quy định sau 3 năm ban hành sẽ rà soát thay đổi, như tôi đã nói đơn giá định mức xây dựng là cần thiết, theo quy định đã được phân quyền xuống UBND tỉnh, thành phố. Tuy nhiên điều này không có nghĩa trách nhiệm hoàn toàn thuộc về địa phương, mà khi xảy ra bất cập thì chính quyền Trung ương phải vào cuộc, kiểm tra, yêu cầu điều chỉnh.
 
Ví dụ, một tuyến đường giao thông chạy qua nhiều địa phương, mỗi địa phương lại có đơn giá, định mức khác nhau. Cần làm rõ vì sao có sự khác nhau này? Bởi đơn giá khác nhau khi cự ly vận chuyển, tính chất khai thác nhau…
 
Bên cạnh việc kiểm tra, rà soát thì bộ, ngành cần đưa việc nghiên cứu bổ sung về đơn giá, định mức vào các nội dung chương trình làm việc. 
 
- Hiện nay, vẫn còn một số khái niệm trong các quy định khiến chủ thể tham gia dự án lúng túng khi triển khai và bị vướng. Theo ông, cách nào tháo gỡ vấn đề này?
 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Đối với vấn đề liên quan đến thể chế trong việc xác định định mức, theo tôi cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ thế nào là chuyên ngành, thế nào là đặc thù, để có hướng dẫn thực thi. Nếu như hướng dẫn này vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Nếu không vượt thẩm quyền thì hướng dẫn thực hiện trên cơ sở ban hành thông tư. Đến lúc này, việc giải thích về chuyên ngành, đặc thù sẽ rất dễ. Khi có sự giao thoa về khái niệm thì các bộ, ngành cùng ngồi làm việc tìm cách giải quyết.
 
Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn biện pháp xác định định mức trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy để bảo đảm định mức đúng và phù hợp. Liên quan đến giá đầu vào của tất cả công trình, về nguyên lý, khi quản lý đầu tư công là quản lý về chi phí; quản lý đầu tư PPP thì quản lý về lợi ích, lợi nhuận. Đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, chúng ta quản lý về đầu tư công nên phải kiểm soát chặt về chi phí, từ chi phí nhân công đến chi phí vật liệu xây dựng.
 
Riêng về giá vật liệu xây dựng, các địa phương theo quy định hiện hành phải cập nhật, công bố kịp thời, bảo đảm sát với giá thị trường, công khai, minh bạch. Trách nhiệm của Bộ, Ngành là ra soát kiểm tra để kịp thời điều chỉnh sát thực tế thị trường.
 
Xin cảm ơn ông! 
 
Theo Tạp chí Người Xây dựng số tháng 4 - 2024