Kiến trúc: https://nguoixaydung.com.vn/kien-truc/nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-cong-tac-dao-tao-bim-hien-nay-565382.html

Những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo BIM hiện nay

21:59 | 25/12/2024
(NXD) - Từ thực tiễn công tác đào tạo, cấp chứng nhận hành nghề BIM cũng như công tác đấu thầu dự án áp dụng BIM, chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy toàn diện việc đào tạo áp dụng BIM trong các trường đại học.
 
Nguồn cung đào tạo BIM đa dạng
 
Phục vụ cho việc triển khai áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, theo Lộ trình bắt buộc áp dụng BIM tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong thực tiễn đã có nhiều trường đại học tích hợp BIM vào chương trình giảng dạy.
 
Một số trường kỹ thuật lớn như: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, Trường Đại học Giao thông vận tải… đã đưa BIM vào các môn học.
 
 
Giáo trình giảng dạy của các trường theo Quyết định số 347/QD-BXD hướng dẫn chi tiết áp dụng BIM đối với công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật đô thị và Quyết định số 348/QĐ-BXD công bố hướng dẫn chung áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng.
 
Trên thị trường cũng đã xuất hiện nhiều trung tâm đào tạo BIM chuyên biệt hoặc trung tâm đào tạo BIM do doanh nghiệp áp dụng BIM mở ra để cung cấp dịch vụ đào tạo; đồng thời cũng xuất hiện khá nhiều sách chuyên khảo về BIM như: BIM trong thiết kế cầu và hạ tầng; Quản lý thông tin dự án đầu tư xây dựng - Áp dụng BIM theo ISO 19650; Thiết kế, quản lý dự án cầu theo công nghệ BIM; Civil 3D 2013 thiết kế kỹ thuật hạ tầng đô thị - Tập 1: Quy hoạch cao độ nền thoát nước đô thị, Tập 2: Thiết kế đường, nút giao thông…
 
ThS Phạm Ngọc Bảy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển BIM TP.HCM cho biết, tất cả các trường hay trung tâm đào tạo hiện đang cấp chứng nhận BIM, không phải là chứng chỉ BIM.
 
Nội dung câu hỏi kiến thức BIM trong phần thi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
 
Khi thi lấy chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tại Cục Quản lý hoạt động xây dựng, chưa thấy có chứng chỉ riêng cho BIM. Tuy nhiên, kiến thức về BIM được lồng ghép vào trong các câu hỏi và có xu hướng được coi như một kiến thức, năng lực chuyên môn của người được cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, có dạng như: Trong các định nghĩa về BIM, định nghĩa nào sau đây là đúng? Phần mềm nào sau đây hỗ trợ cách thức làm việc theo BIM? Cách thức làm việc theo BIM có các lợi ích nào sau đây?...
 
Đào tạo BIM cho chủ đầu tư cần khác với nhà thầu
 
Chia sẻ về công tác đào tạo BIM tại Trường Đại học Giao thông vận tải, TS Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nghiên cứu, ứng dụng BIM của Trường cho biết, đào tạo BIM áp dụng cho các đối tượng khác nhau thì khác nhau. Đào tạo cho chủ đầu tư khác với đào tạo cho nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và khác với đào tạo cho tư vấn giám sát…
 
Theo TS Nguyễn Văn Chính, việc dồn công tác đào tạo BIM cho các chủ thể liên quan vào một chương trình khung như hiện nay là không hợp lý. Trong quá trình giảng dạy tại Trường Đại học Giao thông vận tải, nội dung chương trình đào tạo BIM cho các từng chủ thể liên quan đã được tách riêng, phù hợp với từng chủ thể.
 
Ví dụ như đối với chủ đầu tư, nội dung được thiết kế riêng sẽ gồm có: BIM cho đấu thầu, BIM cho quản lý… mà không phải là BIM cho tạo lập, thiết kế...
 
Khóa đào tạo BIM cho giảng viên Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải.
 
Để có được đánh giá sơ bộ về chất lượng công tác đào tạo BIM hiện nay, TS Nguyễn Văn Chính chia sẻ, đã từng tham gia, tìm hiểu một số lớp học về BIM bên ngoài trường đại học, phát hiện ra một điều khá đặc biệt là các nơi đào tạo bên ngoài chú trọng giảng dạy công cụ như Revid, Civil…, kiến thức về BIM khá ít, dẫn tới nhân sự của một số đơn vị tư vấn học xong hiểu BIM chưa đầy đủ.
 
Tại một dự án gần đây, TS Nguyễn Văn Chính tham gia với chủ đầu tư, tư vấn BIM đề xuất chủ đầu tư một giải pháp BIM chỉ đơn giản là 3D, do bản thân người học không được học, không có nhận thức đầy đủ về BIM.
 
Từ đó cũng đặt ra vấn đề về mặt truyền thông, những người đã có kiến thực thực tế về BIM cần có những chia sẻ để mọi người hiểu rõ hơn về BIM là gì; cần học gì phục vụ cho áp dụng BIM; áp dụng BIM tạo ra sản phẩm gì?
 
Thiếu cơ sở đánh giá năng lực và kinh nghiệm BIM
 
ThS Phạm Phú Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết, qua công tác đầu thầu các dự án áp dụng BIM cho thấy, các nhà thầu có nhiều năm kinh nghiệm, bỏ ra nhiều chi phí đầu tư máy móc cơ sở hạ tầng, đào tạo nội bộ hoàn toàn có thể bị xem xét ngang hàng với các đơn vị chưa đủ điều kiện để tham gia một gói thầu áp dụng BIM.
 
Hiện nay, trong các quy định liên quan đến mô hình thông tin công trình BIM, vẫn chưa có một khung quy định cụ thể về khái niệm, định nghĩa các loại chứng chỉ/chứng nhận BIM, dẫn đến các BQLDA thiếu cơ sở đánh giá năng lực và kinh nghiệm BIM của nhân sự chủ chốt phù hợp với quy mô của gói thầu.
 
Nhiều gói thầu đưa ra yêu cầu phải có chứng chỉ (thực ra là chứng nhận - PV) BIM sử dụng cho những gói thầu từ năm 2021-2022, gây ra nhiều bức xúc; Một số đơn vị đã sử dụng chứng nhận hết hạn (trong vòng 3 năm, tùy các hãng) để đấu thầu không trung thực, nhưng vẫn không bị phát hiện do bên mời thầu không nắm rõ về các loại chứng chỉ này khiến cho tình trạng độc quyền chứng chỉ trở nên phổ biến.
 
Một số dự án bỏ qua tiêu chí đánh giá chứng nhận BIM cũng khiến cho việc lựa chọn các đơn vị có năng lực BIM trở nên phức tạp hơn. Đặc biệt là các chứng nhận không rõ nguồn gốc, không rõ uy tín, do bất kỳ tổ chức có chức năng đào tạo nào cấp chứng nhận cũng có thể ngang bằng các chứng nhận uy tín.
 
ThS Phạm Phú Đức cho rằng, trong công tác đấu thầu, cần có sự phân cấp giữa các chứng chỉ/chứng nhận trong đó của các tổ chức uy tín (+1 điểm), các chứng nhận không rõ nguồn gốc (+0,5 điểm), để hạn chế tình trạng lạm dụng chứng nhận đào tạo, đặc biệt là đào tạo quản lý BIM (Yêu cầu đào tạo về quản lý quy trình BIM và dựng hình).
 
Đồng thời, giới hạn số lượng nhân sự chủ chốt như BIM Manager/BIM Coordinator tương đương với số lượng Chủ nhiệm/Chủ trì bộ môn, không bắt buộc phải có duy nhất một loại chứng nhận nhất định, để hạn chế tình trạng lạm dụng.
 
Đặc biệt, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực BIM, cần thúc đẩy toàn diện việc áp dụng BIM trong các trường đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực BIM cho doanh nghiệp.
Theo Theo Tạp chí Xây dựng