(NXD) -
Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ tiếp tục làm rõ khái niệm “nhằm mục đích kinh doanh” và “không nhằm mục đích kinh doanh” để bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng áp dụng.
Lựa chọn phương án phù hợp thực tiễn
Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ Khóa XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).
Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt... Ảnh: quochoi.gov.vn.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBKTQH đã chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 84 điều (bỏ 09 điều, bổ sung 01 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Đối với những vấn đề xin ý kiến về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS, dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng: các giao dịch không phải là hoạt động kinh doanh BĐS thì quy định tại khoản 2 Điều 1 về các trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh BĐS.
Tuy nhiên, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, có 02 phương án như sau:
Phương án 1, đề nghị không áp dụng Luật Kinh doanh BĐS đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên không nhằm mục đích kinh doanh và quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật.
Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên nhằm mục đích kinh doanh thì phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS theo quy định tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: quochoi.gov.vn.
Phương án 2, đề nghị giữ quy định tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật. Theo đó, trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên nhằm mục đích kinh doanh thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS nhưng phải tuân thủ điều kiện đối với BĐS đưa vào kinh doanh và kê khai nộp thuế đối với hoạt động giao dịch BĐS.
Trong 2 phương án này, Thường trực UBTKQH tán thành với phương án 1.
Trong khi đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP.HCM đề xuất lựa chọn phương án 2 nhằm phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi cho các tổ chức cá nhân khi bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, có mục đích kinh doanh nhưng không phải thành lập doanh nghiệp.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, quy định này sẽ giúp các hộ gia đình cá nhân thuận lợi hơn trong việc cho thuê nhà. Các cá nhân nếu muốn thành lập doanh nghiệp vẫn có thể thành lập doanh nghiệp nhưng có thể chọn phương án không thành lập doanh nghiệp nhưng đóng thuế đầy đủ.
Làm rõ khái niệm “nhằm mục đích kinh doanh”…
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, không nên quy định như tại khoản 3 dự thảo Luật bởi trên thực tế, tổ chức, cá nhân phải có tài sản, công trình, đất thì mới thực hiện các quyền về định đoạt tài sản để thực hiện việc chuyển nhượng, cho thuê và thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Vì vậy, đề nghị làm rõ như thế nào không nhằm mục đích kinh doanh và nhằm mục đích kinh doanh...
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: quochoi.gov.vn.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nêu quan điểm về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải đáp ứng các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, phải hành nghề trong một sàn giao dịch BĐS hoặc tổ chức môi giới… Để cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt các đối tượng này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý cá nhân hoạt động môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và không làm việc trong một tổ chức sàn kinh doanh BĐS.
Báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh ghi nhận các ý kiến của các ĐBQH chuyên trách. Qua tổng hợp cho thấy, các ý kiến tập trung vào 8 nhóm vấn đề lớn, thời gian tới cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình tại Kỳ họp thứ 6 với chất lượng tốt nhất.
Trong đó, về điều kiện tổ chức, các nhân kinh doanh BĐS, dự thảo Luật đã khoanh phạm vi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 1 và loại trừ 5 trường hợp; đồng thời dự thảo Luật cũng sẽ tiếp tục làm rõ khái niệm “nhằm mục đích kinh doanh” và “không nhằm mục đích kinh doanh” để bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng áp dụng.