Kinh tế Xây dựng: https://nguoixaydung.com.vn/kinh-te-xay-dung/long-an-phan-dau-dau-tu-hoan-thanh-71-250-can-nha-o-xa-hoi-565552.html

Long An phấn đấu đầu tư hoàn thành 71.250 căn nhà ở xã hội

15:10 | 04/01/2025
(NXD) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Long An năm 2024 đạt khoảng 8,3%, đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Hiện nay, Sở Xây dựng đang hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phấn đấu đầu tư hoàn thành 71.250 căn để đảm bảo nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Ngày 03/1/2025, UBND tỉnh Long An tổ chức họp báo thông tin kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 và định hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Hoàn thành đưa vào sử dụng 07 dự án nhà ở xã hội

Trong năm 2024, kinh tế của Long An còn khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Tỉnh ủy, giám sát thường xuyên của HĐND tỉnh, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của UBND tỉnh và sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra với nhiều kết quan trọng trên các lĩnh vực; ước cả năm 2024 dự kiến đạt, vượt 21/21 chỉ tiêu chủ yếu. Tiếp tục tập trung thực hiện 03 công trình trọng điểm, 03 chương trình đột phá, tiến độ nhìn chung đạt yêu cầu đề ra.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, người phát ngôn UBND tỉnh – Võ Thành Trí phát biểu tại buổi họp báo

Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi mạnh mẽ, quý sau cao hơn quý trước; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khoảng 8,3% (Quý I đạt 4,80%, Quý II đạt 5,98%, Quý III đạt 10,82%, Quý IV đạt 11,26%); với tốc độ tăng trưởng này, Long An đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục duy trì theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,82% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 52,08%; khu vực dịch vụ chiếm 26,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,70%. Đời sống người dân được cải thiện với GRDP bình quân đầu người đạt 107,3 triệu đồng/người/năm, tăng 10,7 triệu đồng so với năm 2023.

Hoạt động sản xuất công nghiệp xây dựng trong quý IV phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng ước đạt 14,37%; trong đó, ngành công nghiệp tăng 14,91%. Tính chung trong năm 2024, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,95% (cùng kỳ tăng 7,05%). Doanh nghiệp có được đơn hàng và tăng sản lượng sản xuất; các ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh tăng trưởng mạnh như: Sản xuất trang phục tăng 47,29%, giấy và sản phẩm từ giấy tăng 24,26%, thiết bị điện tăng 19,68%, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,8%, hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 15,99%, ... Hoạt động xây dựng có xu hướng phục hồi; nhiều dự án trong và ngoài ngân sách được khởi công xây dựng.

Long An có sự bứt phá từ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI năm 2022, vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng PCI năm 2023 và đạt điểm cao nhất từ trước đến nay với 70,94 điểm (tăng 8 bậc so với năm 2022). Riêng về Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI 2023, Long An cũng có sự đột phá khi tăng đến 16 bậc so với năm 2022 và đứng ở vị trí thứ 12 trong năm 2023. Đây là kết quả của sự nỗ lực lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững, phát triển nền kinh tế xanh.

 Về chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tỉnh Long An đã triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng 07 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, người thu nhập thấp với tổng diện tích khoảng 5,41 ha với 1.884 căn, đáp ứng cho khoảng 8.000 người. Hiện có 07 dự án, dự kiến khởi công trong năm 2024, quy mô 8.36 ha, 4.550 căn. Có 24 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại đã có chủ trương, quy mô 201 ha; 50.835 căn. Ngoài ra, các huyện đã có quy hoạch quỹ đất khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô 16 dự án, 131,2 ha, 22.868 căn. Hiện nay, Sở Xây dựng đang hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phấn đấu đầu tư hoàn thành 71.250 căn để đảm bảo nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh và đảm bảo chỉ tiêu đã được Chính phủ giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Long An đã triển khai cho vay chương trình Nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ.

Long An cũng đã thi công hoàn thành tuyến đường Vành đai thành phố Tân An; Đang tiếp tục vận động để chi trả cho người dân, về phần đường thì các nhà thầu đang thi công đoạn từ nút giao ĐT.830 đến QL.1. Đối với dự án xây dựng 03 cầu trên ĐT.827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây), UBND tỉnh đã trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư (Tờ trình số 2510/TTr-UBND ngày 21/8/2024. Đối với dự án xây dựng đường dẫn vào 03 cầu trên 827E, đang phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu TV Khảo sát, lập BCNCKT. Dự án Giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu, đường dẫn vào 03 cầu trên ĐT.827E, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thẩm định dự án (Tờ trình số 4423/TTr-SGTVT ngày 11/9/2024), đơn vị tư vấn đã cắm xong cọc giải phóng mặt bằng, đang bàn giao địa phương. 

Đối với các công trình thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công, Long An đảm bảo tiến độ triển khai, đã hoàn thành 02 công trình, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.824 đoạn từ Tua Một đến cầu kênh Ranh, đã hoàn thành; Dự án Nút giao Đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 (thành phố Tân An). 01 công trình đang thi công là đường Lương Hòa - Bình Chánh; các dự án còn lại phụ thuộc vào công tác lập quy hoạch và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên tiến độ triển khai chưa đạt yêu cầu.

Ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023. Ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Long An đã ban hành nhiều văn bản, quyết định triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với đơn vị tư vấn, các sở, ngành tỉnh thực hiện chuyển đổi Cơ sở dữ liệu Hồ sơ quy hoạch và sơ đồ, bản đồ quy hoạch tỉnh theo Thông tư số 04/2023/TT-BKHĐT ngày 26/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn yêu cầu nội dung và kỹ thuật của cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch và sơ đồ, bản đồ các quy hoạch theo luật quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1003/QĐ-TTg ngày 19/9/2024.

Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới, Long An tập trung thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành lập các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng dọc các trục giao thông động lực của tỉnh; điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch đô thị (đặc biệt quy hoạch đô thị Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc), quy hoạch nông thôn cho phù hợp với quy hoạch tỉnh; triển khai xây dựng các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Kịp thời điều chỉnh quy hoạch tỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp trên, tình hình thực tế của địa phương (nếu có).

Long An đang khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý cần thiết để khởi công các dự án giao thông còn lại trong kế hoạch trung hạn năm 2025 (ĐT.836B; các cầu, cống trên tuyến ĐT.817 từ Km9+000 - Km19+000; ĐT.827 đoạn từ lộ Ông Nhạc đến cầu Phú Lộc; cầu Cả Gừa; các cầu trên tuyến đường liên xã Thủy Tây - Thạnh An).

Long An cũng xác định tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, sớm đưa thêm các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động nhằm tăng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Long An tại thị xã Kiến Tường, các huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng. Hoàn thiện Đề án hình thành khu kinh tế Long An tại huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước; khu kinh tế này trở thành động lực tăng trưởng mới theo hướng hệ sinh thái công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và trung tâm logistics của tỉnh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Long An tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, các công trình thuộc chương trình đột phá, hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước, đô thị, văn hóa - xã hội; tiếp tục thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường tỉnh 830E; đường tỉnh 827E; dự án xây dừng 03 cầu trên tuyến ĐT.827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây),...

Khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý cần thiết để khởi công các dự án giao thông còn lại trong kế hoạch trung hạn năm 2025 (ĐT.836B; các cầu, cống trên tuyến ĐT.817 từ Km9+000 - Km19+000; ĐT.827 đoạn từ lộ Ông Nhạc đến cầu Phú Lộc; cầu Cả Gừa; các cầu trên tuyến đường liên xã Thủy Tây - Thạnh An).

Từng bước đầu tư nhựa hóa các tuyến đường giao thông chính đến trung tâm các xã, vùng có truyền thống cách mạng, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh như cải tạo nâng cấp đường tỉnh 817 (đoạn từ Mỹ Lạc đi Thạnh Phước), đường tỉnh 819 và đường tỉnh 831D (đường cặp kênh sông Trăng),… Thu hút, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng nước sạch, thúc đẩy phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện mặt trời, điện khí hóa lỏng... đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển. Xây dựng kế hoạch điều hành cung ứng điện năm 2025; phát triển hạ tầng điện, ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là cung cấp điện cho các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Long An I & II tại huyện Cần Giuộc và các dự án điện.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường quản lý chất lượng đô thị và trật tự xây dựng trong quản lý đô thị. Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An theo hướng kiến trúc đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn, đồng bộ và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững, sinh thái và thông minh.

Trong đó tiếp tục xây dựng đô thị thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại I; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đến năm 2030 trở thành đô thị loại II; các đô thị Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc trở thành đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 toàn huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc trở thành đô thị loại III; …

Về liên kết vùng, tỉnh, Long An sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung ương, địa phương trong vùng triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030; tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Long An với các tỉnh/thành giáp ranh, trong đó tập trung triển khai thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

 

Lê Phong

 

 

 

Theo Kinh tế Môi trường