Quy hoạch - Đô thị: https://nguoixaydung.com.vn/quy-hoach--do-thi/chuyen-gia-bat-benh-tru-so-cong-bi-bo-hoang-nhieu-nam-565282.html

Chuyên gia 'bắt bệnh' trụ sở công bị bỏ hoang nhiều năm

15:37 | 24/12/2024
(NXD) - Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội đặc biệt là tài sản công. Câu chuyện trụ sở bỏ hoang lãng phí nhiều năm tại Hà Nội là điển hình của lãng phí.

 

Số nhà 32 phố Tô Hiệu (quận Hà Đông) là trụ sở của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, nhiều năm qua không có người lui tới

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một bài viết với nhan đề: “Chống lãng phí” được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội, cũng như đưa ra những giải pháp, thúc giục trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Không khó để nhận ra hiện tượng lãng phí đặc biệt với tài sản, đất công do Nhà nước quản lý. Câu chuyện nhiều trụ sở công bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí ở Hà Đông (Hà Nội) là ví dụ. Theo đó, từ năm 2008, sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đến nay dù đã hơn 16 năm trôi qua, trụ sở một số cơ quan đơn vị của tỉnh Hà Tây (cũ) - nay là TP Hà Nội, nằm trên đường Tô Hiệu (quận Hà Đông) vẫn đang bị bỏ hoang, không được sử dụng.

Trước thực trạng lãng phí trụ sở công kéo dài nhiều năm tại Hà Nội, để làm rõ hơn câu chuyện trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước cũng như các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này, phóng viên Tạp chí Người Xây dựng đã có có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội

Tình trạng một số trụ sở cơ quan nhà nước, đặc biệt là những vị trí đắc địa như tại phố Tô Hiệu (quận Hà Đông), trụ sở thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao hay trụ sở của Đài phát thanh truyền hình Hà Tây để hoang hóa, xuống cấp nhiều năm gây lãng phí, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Thực tế, khi các cơ sở nhà nước bỏ hoang, trong khi lại thừa cơ quan quản lý, rõ ràng là lãng phí và gây phản cảm. Người dân và doanh nghiệp thiếu cơ sở vật chất, trong khi cơ quan nhà nước lại để không. Vấn đề này cần có chủ trương rõ ràng từ thành phố và của Chính phủ.

Chúng ta phải xem lại đâu là khách quan. Nếu mà khách quan thì các cấp chính quyền đương nhiệm bây giờ phải vào cuộc quyết liệt giải quyết cho dứt điểm. Nếu vì chủ quan là do cấp lãnh đạo buông lỏng, không làm thì phải chịu trách nhiệm.

Việc chống lãng phí bây giờ không khác gì chống tiêu cực. Rõ ràng nếu đã có quy định mà không làm thì phải có chế tài. Từ xưa đến nay chúng ta chưa có chế tài, bây giờ phải có chế tài, doanh nghiệp sai thì có chế tài, tại sao cấp chính quyền địa phương làm sai thì không có chế tài, như vậy không công bằng.

Vì thế tôi cho rằng chúng ta cần phải cương quyết, quyết liệt. Đặc biệt các cấp chính quyền địa phương phải vào cuộc, thuộc thẩm quyền của mình thì phải giải quyết nhanh, nếu không thuộc thẩm quyền thì phải xin cấp trên. Về trách nhiệm, từng địa phương phải vào cuộc, không phải nói tôi không làm, tôi không có trách nhiệm.

Theo ông đây có phải chính là biểu hiện rõ nhất vấn đề “lãng phí” được nêu trong bài viết “Chống lãng phí”của Tổng Bí thư Tô Lâm được đăng tải rộng rãi trên các cơ quan báo chí, truyền thông gần đây?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra nhận định đúng đắn, chính xác về hiện tượng đã tồn tại từ lâu trong xã hội. Những khu đất vàng, trụ sở công bị bỏ hoang nhiều năm trách nhiệm thuộc về ai? Không thể để tiếp tục tình trạng lãng phí kéo dài vì đây là tài sản của nhân dân.

Ở đây, chúng ta phải xem xét lại toàn bộ. Mặc dù đất nước phát triển nhanh, chúng ta không thể cầu toàn, nhưng những quy định hiện có là rất chặt chẽ và chúng ta hoàn toàn có công cụ để kiểm soát. Chúng ta cần kiểm tra lại, đánh giá đâu là yếu tố khách quan, đâu là yếu tố chủ quan, và rút kinh nghiệm từ đó. Nếu có sai phạm, phải xử lý nghiêm để cảnh tỉnh tất cả. Không thể để tình trạng lãng phí kéo dài như vậy được. Đây chính là tinh thần mà Tổng Bí thư đã nhấn mạnh.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ra sao khi để xảy ra tình trạng trụ sở bỏ hoang lãng phí nhiều năm tại Hà Nội?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Từ trước đến nay, chúng ta chưa có chế tài rõ ràng để xử lý vấn đề này, chỉ nói chung chung. Bây giờ chúng ta phải đưa vào trách nhiệm cụ thể, không thể nói không phải trách nhiệm của mình.

Việc này thuộc về cấp xử lý nhưng lại không có chế tài rõ ràng. Ví dụ, địa phương xin cấp trên không được thì phải xin Chính phủ, các bộ, ngành không được thì phải lên Quốc hội. Rõ ràng là đã có các giải pháp nhưng tại sao vấn đề này lại kéo dài như vậy? Vì thế, chúng ta cần phải có chế tài để xử lý những sai phạm như vậy, và phải áp dụng đúng thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý.

Trước tình hình này, theo ông cần có những biện pháp cấp bách và căn cơ nào để giải quyết vấn đề lãng phí tài sản công, tối ưu hóa nguồn lực Nhà nước và đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, chúng ta cần rà soát lại từng dự án, từng khu vực bỏ hoang để xác định xem thuộc cấp nào có quyền xử lý, trách nhiệm thuộc về ai.

Chẳng hạn như một số nhà bỏ hoang ở dưới Pháp Vân xây hơn 10 năm nay mà không được sử dụng, không ai động đến. Chúng ta phải đánh giá lại vấn đề từ đầu, nếu là vấn đề khách quan, thì chính quyền hiện tại phải vào cuộc giải quyết ngay. Nếu vấn đề thuộc thẩm quyền trên, và do cơ chế chưa cho phép, thì phải sửa cơ chế sao cho phù hợp.

Đặc biệt, tôi lưu ý là chúng ta cần phải có chế tài rõ ràng. Không thể để tình trạng vô can như vậy được. Đấy là cái mà chúng ta cần phải có những cái đổi mới, để làm sao mà bắt đầu từ bây giờ, chúng ta không thể để lãng phí như thế được. Không thể để chồng chất bao nhiêu năm nay, bao tiền của người dân, của của đất nước.

Trong khi đó chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, lương cán bộ công chức còn thấp, đầu tư và cơ sở vật chất còn hạn chế. Rõ ràng giải quyết những tổn thất về lãng phí đấy, chúng ta làm được rất nhiều việc. Và trong bối cảnh an sinh xã hội đang cần rất nhiều tiền, cho nên chúng ta không thể để lãng phí được.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Nhài - Thu Hà

Theo Tạp chí Người Xây dựng số tháng 12-2024