Quy hoạch - Đô thị: https://nguoixaydung.com.vn/quy-hoach--do-thi/day-manh-phan-cap-phan-quyen-trong-hoat-dong-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-576242.html

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn

11:06 | 07/02/2025
(NXD) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được Bộ Xây dựng soạn thảo, trên nguyên tắc bảo đảm phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, chính quyền địa phương trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

 

Trước đó, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 đã được Quốc hội ban hành và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.
 
Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm mục đích cụ thể hóa các nội dung đã được quy định tại Luật, được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
 
Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, TP.HCM. Ảnh: Soha
 
Nghị định này cũng nhằm thay thế cho Nghị định số 37/2010/NĐ-CP, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 1, Điều 2 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác quy hoạch tại đô thị và nông thôn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
 
Đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của các pháp luật có liên quan; bảo đảm việc phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, chính quyền địa phương trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
 
Quy định thời gian lập quy hoạch đô thị và nông thôn
 
Về thời gian lập quy hoạch chung, dự thảo đề xuất: Đối với thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của từ 2 tỉnh trở lên, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 3 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 15 tháng.
 
Đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới không thuộc trường hợp thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới và khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 2 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng.
 
Đối với thị trấn và xã, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 1 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 9 tháng.
 
Tương tự, đối với quy hoạch phân khu, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 1 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 9 tháng.
 
Đối với quy hoạch chi tiết, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 1 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 6 tháng.
 
Đối với quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 1 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 9 tháng.
 
Dự thảo quy định cơ quan có trách nhiệm tổ chức lập và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch chung phải xác định kế hoạch lập, hoàn thành các quy hoạch phân khu trong nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch chung, bảo đảm việc hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển và tính khả thi trong tổ chức thực hiện. 
 
Điều kiện của tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia lập quy hoạch  
 
Dự thảo Nghị định nêu rõ các điều kiện của tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn.
 
Theo đó, cá nhân tham gia lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.
 
Tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phải tuân thủ quy định của pháp luật này, pháp luật về đấu thầu và được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động theo pháp luật về xây dựng.
 
Những chức danh, cá nhân hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng bao gồm chủ nhiệm, chủ trì lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch.
 
Chứng chỉ hành nghề của cá nhân được phân thành hạng I, hạng II, hạng III và được cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng.
 
Dự thảo Nghị định cũng quy định tổ chức tư vấn tham gia lập quy hoạch phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, bao gồm tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch. Chứng chỉ năng lực của tổ chức tư vấn được phân thành hạng I, hạng II, hạng III và được cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng.
 
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc theo quy định của pháp luật về kiến trúc và được tham gia lập nhiệm vụ quy hoạch, lập quy hoạch khi đáp ứng các quy định nêu trên.
 
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (Luật số 47/2024/QH15) ngày 26/11/2024.
 
Luật có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2025, bố cục gồm 5 chương và 59 điều, bao quát và cụ thể hóa 03 nội dung chính sách cơ bản là: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn. Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Theo Theo Tạp chí Xây dựng