Quy hoạch - Đô thị: https://nguoixaydung.com.vn/quy-hoach--do-thi/de-nghi-tam-dung-viec-lap-tham-dinh-phe-duyet-quy-hoach-do-thi-638552.html

Đề nghị tạm dừng việc lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị

10:33 | 21/04/2025
(NXD) - Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tạm dừng lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị cho đến khi Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sửa đổi có hiệu lực.
 
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tạm dừng lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị. Ảnh: INT
 
Nội dung trên được Bộ Xây dựng nêu trong Công văn số 1650/BXD-QHKT ngày 07/4/2025 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá chất lượng đô thị trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
 
Theo chủ trương được Trung ương thống nhất, chính quyền địa phương tổ chức theo hai cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu).
 
Do đó, về rà soát quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh chủ động, khẩn trương thực hiện rà soát, tổng hợp các quy hoạch đô thị trên địa bàn theo kết quả của quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.
 
Để không làm gián đoạn công tác quản lý, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng lưu ý UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định như sau:
 
Đối với các quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, tiếp tục tổ chức thực hiện cho đến khi có quy hoạch mới được thay thế và là cơ sở triển khai các hoạt động quản lý và đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
 
Đối với các quy hoạch đô thị đang tổ chức lập, thẩm định, chưa được phê duyệt, căn cứ phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp của địa phương, xác định các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách cần triển khai để quyết định việc tiếp tục hoặc tạm thời tạm dừng việc lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch cho đến khi Luật số 47/2024/QH15 có hiệu lực thi hành (01/7/2025) và các pháp luật khác có liên quan hướng dẫn.
 
“Việc tiếp tục tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị cần bảo đảm theo yêu cầu cần thiết, cấp bách cho công tác quản lý, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên, yêu cầu liên kết trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
 
Bên cạnh đó, các nội dung, quy hoạch được quyết định tiếp tục thực hiện phải được kế thừa tại quy hoạch đô thị và nông thôn được lập mới và phê duyệt sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
 
Về chất lượng đô thị của các phường hình thành sau sắp xếp, việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền về tiêu chí, nguyên tắc và tiêu chuẩn đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
 
Khi tổ chức triển khai xây dựng đề án sắp xếp, Bộ Xây dựng đề nghị: Đối với khu vực sắp xếp, sáp nhập các phường hiện hữu, cần lưu ý đồng bộ hạ tầng đô thị và các định hướng phát triển không gian đô thị, hạn chế tối đa sự xáo trộn hạ tầng, ảnh hưởng chất lượng sống của dân cư đô thị.
 
Đối với khu vực xã sắp xếp, sáp nhập với phường hiện hữu, cần ưu tiên lựa chọn khu vực đã được định hướng phát triển trở thành phường và cơ bản đầu tư hạ tầng đô thị.
 
Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân. Đây là cơ sở để lập các loại quy hoạch chung, phân khu và chi tiết. Quy hoạch đô thị cần đảm bảo phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp.
 
Theo chủ trương của Trung ương, các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động từ 01/7 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực.
 
Số liệu từ Bộ Nội vụ cho thấy, hiện Việt Nam đang có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, nếu giảm khoảng 60 - 70%, số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, cả nước sẽ còn khoảng 3.000 - 4.000 xã. 
Theo Tạp chí Xây dựng