Quy hoạch - Đô thị: https://nguoixaydung.com.vn/quy-hoach--do-thi/phat-trien-nha-o-gan-voi-quy-mo-dan-so-va-qua-trinh-do-thi-hoa-501872.html

Phát triển nhà ở gắn với quy mô dân số và quá trình đô thị hóa

09:42 | 06/09/2023
(NXD) - Ý kiến ĐBQH đề nghị, việc phát triển nhà ở cần lưu ý tới sự biến động của dân số, gắn với đô thị hóa và thu nhập thực tế của người dân.
 
Xây dựng nhà ở gắn với phát triển dân số
 
Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ Khóa XV diễn ra chiều 29/8/2023 đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).  
 
Đề nghị làm rõ hơn các nguyên tắc liên quan đến Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP.HCM góp ý nên có nguyên tắc phát triển nhà ở gắn với quy mô phát triển dân số và quá trình đô thị hóa.
 
Dẫn chứng về các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc xây dựng nhà ở cùng với sự phát triển dân số không được quá dư. Việc phát triển nhà ở cần lưu ý tới sự biến động dân số gắn với đô thị hóa, đồng thời cũng cần gắn với thu nhập thực tế của người dân.
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: quochoi.vn.
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang nêu quan điểm, người Việt Nam từng có câu “an cư lạc nghiệp” để nói lên ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhà ở hay chỗ ở đối với mỗi người dân. Điều này cũng được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
 
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của công dân, đặc biệt chưa có quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền về việc đảm bảo mọi công dân đều có quyền chỗ ở hợp pháp.
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị, tại Điều 4 về chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở và tại Điều 5 yêu cầu chung về phát triển quản lý sử dụng nhà ở, cần bổ sung vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo công dân được thực hiện quyền này.
 
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm việc quy định các loại giấy tờ “nếu có” rất dễ dẫn đến tranh cãi khi thực hiện. Với những quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 117 về một số loại giấy tờ đối với nhà ở tại khu đô thị và đối với nhà ở tại nông thôn, thì không rõ giấy tờ nào được coi là giấy tờ “nếu có”. Loại giấy tờ này có cần thiết hay không khi có cũng được mà không có cũng được.
 
Đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể, có tính khẳng định rõ ràng về những giấy tờ phải có trong mỗi giai đoạn, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện, tránh gây phiền hà cho người dân sau này.
 
Tăng phân cấp, giảm thủ tục hành chính
 
Quan tâm tới thủ tục hành chính trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, trang web chuyên thống kê về chỉ số mức sống trên thế giới cho thấy, năm 2023, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của Việt Nam đứng thứ 14/107 quốc gia được khảo sát, đứng thứ 11/38 quốc gia khu vực châu Á. Theo đó, tính bình quân, giá nhà ở Việt Nam gấp 23,5 lần thu nhập một năm của hộ gia đình. Trong khi đó, chỉ số lý tưởng ở mức từ 5 - 7 lần.
 
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu quan điểm, thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí, dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, KCN, dẫn đến nhà ở khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân...
 
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: quochoi.vn.
 
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đánh giá, dự thảo Luật đã cắt giảm, rút ngắn một số thủ tục so với Luật hiện hành, tuy nhiên vẫn còn một số thủ tục hành chính có thể tiếp tục được cắt giảm. Theo đó, khoản 4 Điều 37 quy định về thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ là thủ tục hành chính mới chưa có trong Luật hiện hành và có nhiều điểm trùng với thủ tục quy định về văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu theo Luật Xây dựng.
 
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 35 quy định, đối với dự án thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, nếu có nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án xây dựng nhà ở thì sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư này có thể ủy quyền cho một nhà đầu tư có đủ điều kiện hoặc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã để làm thủ tục công nhận chủ đầu tư.
 
Như vậy, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn phải thực hiện một bước nữa mới trở thành chủ đầu tư.
 
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị rà soát, đánh giá lại có bao nhiêu thủ tục hành chính đã được cắt giảm, bao nhiêu thủ tục được bổ sung trong dự thảo Luật để làm cơ sở cho ĐBQH thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
 
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nêu quan điểm về kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, quy định tại về khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật: “Trường hợp trong kế hoạch có sử dụng nguồn vốn ngân sách để phát triển nhà ở phải lấy ý kiến của HĐND cùng cấp trước khi phê duyệt”.
 
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, quy định phải lấy ý kiến của HĐND đối với các dự án có sử dụng ngân sách là không cần thiết. Bởi thực tế, tất cả các dự án trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được trình HĐND thành phố, sử dụng là căn cứ để ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở cũng trình HĐND về chiến lược.
 
Như vậy, cùng một nội dung có đến 3 lần trình HĐND về chương trình, về kế hoạch và gồm cả kế hoạch đầu tư công, điều này gây thêm nhiều các thủ tục với UBND cấp tỉnh. Đề nghị không quy định nội dung này, nếu thấy cần phải kiểm soát, giám sát, thì đề nghị giao quyền cho Thường trực HĐND.
Theo Tạp chí Xây dựng