Quy hoạch - Đô thị: https://nguoixaydung.com.vn/quy-hoach--do-thi/phat-trien-tiep-noi-cac-do-thi-576192.html

Phát triển tiếp nối các đô thị

14:06 | 04/02/2025
(NXD) - Đô thị hóa thời nay đang có xu hướng tạo nên những đô thị vượt quá sức thụ cảm và tầm với của con người. Phát triển đô thị trong sự tiếp nối tự nhiên chính là con đường dẫn tới sự đại hòa đồng giữa con người và đô thị mình tạo tác nên.

 

1. Con cháu kế thừa cái nhà. Xã hội kế thừa đô thị. Kế thừa cái nhà, khi dột nát, con cháu tu sửa. Khi làm ăn khấm khá, cơi nới, phá bỏ, xây mới. Cứ thế đời này trao tay đời kia, thâm canh cái nhà - mảnh đất thừa kế.
 
Họa hoằn, dân quê bỏ ruộng đồng, ra nơi cao ráo, chân đê, bên đường cái, bến sông, lập phố, dựng nhà, dựng quán sát kế, thu gom vật phẩm, bán buôn, bán lẻ làm dịch vụ sơ khởi, ngụ phố, cái não, cái miệng hoạt bát lên, đẩy xã hội nhúc nhích lên.
 
 
Làng không trở thành phố, phố ít khi trở thành thị. Thị trở thành đô thị, khi đô là phủ là trung tâm kinh tế…
 
Từ thế kỷ 19, đô thị ở ta nảy nở nhanh khi có sự sắp xếp hành chính quy củ, từ đó mà hình thành hàng chục cấu trúc đô thị hàng tỉnh. Chúng sớm định hình, có khuôn mặt riêng như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòn Gai, Quảng Yên, Sơn Tây, Phan Thiết, Long Xuyên, Rạch Giá, Mỹ Tho,…
 
Chúng giống nhau ở chỗ, là trung tâm hành chính và phố xá buôn bán, song không nơi nào giống nơi nào, khác ở cách nương tựa vào thiên nhiên, ở cách sắp xếp cuộc sống. Phố Sơn Tây (xưa kia là phố Sơn) cách Hà Nội, Hà Đông không xa, dân số dăm bảy ngàn người, mà tiếng nói, món ăn, thậm chí cái xích lô cũng khác… Cái chốn thị thành, xem ra, chẳng khác gì thôn quê.
 
Nếu có những khác biệt thường là biểu hiện của bảo thủ, song chính những khác biệt, khi cô lại thành đặc sắc, lại thúc đẩy sự đa dạng hóa và đồng nghĩa với thúc đẩy tiến bộ. Đại trào lưu toàn cầu hóa các đô thị ngày nay càng làm ta nghĩ hơn về điều này.
 
Sau trùng tu, căn biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo và 46 Hàng Bài (Hà Nội) có diện mạo mới.
 
2. Một đô thị nghỉ dưỡng ở miền Trung, đem chất xây lên bờ biển cả chục khách sạn cao ngất ngưởng, giông giống những bãi biển nào đó ở các lục địa khác. Nghĩ  khác: Cái chốn du lịch hấp dẫn bởi chúng khác nhau cái nơi chốn kia, sở hữu tài nguyên đất trời khác biệt về sau lại tìm đến sự đồng nhất hóa?!
 
Đô thị, sau Đất Trời, là kiến tạo đồ sộ hơn cả, tinh khôn hơn cả và cũng tác hại hơn cả, mà con người dựng nên đô thị là cả một gia tài vun đắp liên tục - trên mặt đất, dưới mặt đất, trên vùng đất dùng thâm canh, giữa thiên nhiên dùng dở… Đô thị, tích tụ dần dà gia tài, chuyển giao cho con cháu mà không có di chúc.
 
Gia tài để sở hữu, để sử dụng tiếp, để dựa vào đấy mà nhân lên, phát triển tiếp nối, đô thị chẳng mấy khi dựng nên bởi một thời, đô thị là sản phẩm của muôn đời. Những gì quá khứ tạo nên mà còn dùng được thời nay dùng tiếp, những gì quá khứ để sót lại mà là đặc sắc, thậm chí là tinh hoa, ta cần nhận ra, bênh vực giữ gìn, dành chỗ đứng cho chúng trong công cuộc phát triển bùng nổ hôm nay, khơi dòng cho quá khứ chảy liền mạch theo thời gian. Từ đây, nảy sinh những khái niệm di sản đô thị và đô thị di sản.
 
Chẳng hạn, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng là những đô thị sở hữu di sản; Huế, Hội An, Đà Lạt là những đô thị - di sản.
 
Di sản đô thị là cấu trúc xây dựng, hình thành và định hình trong quá trình phát triển đô thị, có những đặc điểm và giá trị nổi trội về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và cảnh quan.
 
Đô thị di sản là đô thị có những di sản hình thành và định hình ở một hoặc các giai đoạn, phát triển trong một phức hợp không gian, gắn kết về cấu trúc về hình thái học và cảnh quan.
 
Với những đô thị sở hữu những di sản, như Thủ đô Hà Nội là trường hợp điển hình. Ở đây nổi trội hơn cả là di sản phố cổ và di sản phố thời thuộc địa. Cùng với đó là di sản gồm các làng cổ và cũ, di sản thiên nhiên đô thị hóa một cách khác biệt.
 
Những di sản kể trên tạo nên giá trị và hình ảnh đặc sắc cho một thành phố Thủ đô hầu như thiếu vắng tính hoành tráng sự kỳ vĩ và lộng lẫy. Trước những thách thức về phát triển và mở rộng lãnh thổ đột biến, có khả năng xóa nhòa những di sản đô thị mảnh dẻ nêu trên.
 
Nên tính tới việc hoạch định vùng lõi trung tâm của thành phố trải rộng, trước hết bao gồm quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Tây Hồ và một phần các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa. Hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình cần coi là lõi của lõi.
 
Trong trình tự ưu tiên hợp lý, cần thực thi đồng bộ các chương trình nghiên cứu, bảo tồn, chỉnh trang, nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa. Hiện đại hóa là việc nhất thiết, do quỹ đô thị đã quá già nua, song trên cơ sở những quy chế hướng tới việc duy trì hữu cơ phần cũ và phần mới của thành phố trong sự chuyển hóa mềm về cấu trúc và hình thái học đô thị. Giảm thiểu tối đa những tương phản đối kháng bảo lưu cho được tính đặc sắc của Thủ đô.
 
Rừng thông, mai anh đào và biệt thự cổ tạo nên khung cảnh đặc trưng của Đà Lạt. Ảnh: Báo Lâm Đồng
 
Đô thị di sản Huế là một ví dụ kiệt xuất về sự hòa đồng đến mức dung dị giữa đô thị và thiên nhiên, giữa kiến trúc của các thời, giữa kiến trúc thành lũy - phố thị - phố nhà vườn - vùng ngoại vi, giữa bờ Bắc và bờ Nam, giữa kiến trúc truyền thống và thuộc địa… Và hiếm hoi hơn cả là sự hòa đồng giữa đô thị và đời sống cộng đồng xã hội.
 
Mấy chục năm nay, thành phố mở mạnh về phía Nam, kiến trúc đồ sộ hơn. Song sự tan vỡ của một đô thị nhất thể hóa về chuỗi phát triển lịch sử về hình thái học cùng hình ảnh chung, chưa suy xuyển là bao. Duy nhất tòa nhà cao hơn 40 tầng làm bằng hợp kim và kính màu đen, xuất hiện cách bờ Nam sông Hương vài trăm mét (như cái cọc sắc nhọn đóng vào thân thể đô thị tơ lụa này).
 
Hễ ta biết hiện đại hóa trong sự nâng niu, Huế sẽ có cơ may mãi mãi là kiệt tác của nghệ thuật tạo thị Đông Phương, hơn nữa nơi đây là chốn đô thị sinh thái, nhân văn mà thời nay đang gắng gượng vươn tới. 
 
3. Đô thị hóa thời nay đang có xu hướng tạo nên những đô thị vượt quá sức thụ cảm và tầm với của con người. Phát triển đô thị trong sự tiếp nối tự nhiên chính là con đường dẫn tới sự đại hòa đồng giữa con người và đô thị mình tạo tác nên.
Theo Theo Tạp chí Xây dựng