Thương hiệu: https://nguoixaydung.com.vn/thuong-hieu/da-nang-va-nhung-loi-the-ma-nhieu-do-thi-du-lich-noi-tieng-khong-co-502102.html

Đà Nẵng và những lợi thế mà nhiều đô thị du lịch nổi tiếng không có

10:52 | 10/09/2023
(NXD) - Là thành phố du lịch hút khách hàng đầu Việt Nam và đang trên lộ trình vươn tới điểm đến toàn cầu. Nhưng nếu so với Phuket, Bali về tiềm năng trở thành thành phố đáng sống tầm cỡ; Đà Nẵng lại được không ít chuyên gia đánh giá đặc biệt hơn cả bởi những yếu tố vượt trội.

 

Nhận diện đô thị du lịch khác biệt của khu vực

Phuket, Bali hay Maldives đều là “thiên đường” du lịch hàng đầu, những điểm đến thường xuyên góp mặt trên những bảng xếp hạng du lịch danh giá. Tại Việt Nam, xét về tự nhiên, sinh thái hay hạ tầng… Đà Nẵng có không ít “tài nguyên” về tự nhiên, hạ tầng, hay thu hút đầu tư… để đưa “Việt Nam ra với thế giới” và cạnh tranh trực tiếp cùng Phuket, Bali hay Maldives trên bản đồ khu vực.

Sở hữu đường bờ biển dài đến 92km, cùng các đảo, bán đảo; hệ sinh thái đa dạng sông - biển - rừng – núi, thành phố sông Hàn cũng là thủ phủ kinh tế miền Trung với đủ bộ hạ tầng kết nối liên vùng, liên quốc gia gồm đường thủy - bộ - không - sắt.

Suốt những năm qua, Đà Nẵng liên tiếp được đầu tư sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp như khu du lịch Sun World Ba Na Hills, công viên châu Á Asia Park; các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort hay loạt sự kiện lễ hội quy mô như Lễ hội Pháo hoa quốc tế DIFF, Liên hoan phim châu Á hay các carnival đường phố, lễ hội âm nhạc… góp phần giúp du lịch Đà Nẵng thăng hạng nhanh và chắc.

Đà Nẵng sở hữu nhiều lợi thế về tài nguyên và sản phẩm du lịch. Ảnh Ánh Dương

Đà Nẵng sở hữu nhiều lợi thế về tài nguyên và sản phẩm du lịch. Ảnh Ánh Dương

Trước Covid-19, doanh thu từ du lịch đóng góp đến 80% giá trị kinh tế của Phuket. Con số này với Bali cũng dao động ở mức 60-80% GDP. Với 2 điểm đến này, du lịch là ngành “xương sống”. Trong khi, quy chiếu về Đà Nẵng, năm 2019, du lịch đóng góp hơn 30% vào GRDP của thành phố. Nhìn trên cơ cấu kinh tế địa phương, du lịch được xem là ngành chiếm tỷ trọng cao; nhưng so với Bali hay Phuket (xấp xỉ 80%), sự phụ thuộc vào du lịch của Đà Nẵng có phần hạn chế hơn. Xét trên cơ cấu chung, các ngành tạo ra nguồn thu cho thành phố còn bao gồm công nghiệp, nông nghiệp… góp phần thu hút nguồn vốn FDI cùng lực lượng lao động, sáng tạo, chuyên gia đến thành phố làm việc, sinh sống.

Trong định hướng phát triển đến năm 2045 Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Điều đó đồng nghĩa, Đà Nẵng hướng tới hình mẫu phát triển đa chiều, đa cực. Không chỉ là đô thị biển quốc tế; Đà Nẵng với dòng sông Hàn và hệ sinh thái đa dạng còn hướng tới trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh - một thành phố đáng sống, đáng đầu tư tầm cỡ.

Thành phố hướng tới trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh. Ảnh Ánh Dương

Thành phố hướng tới trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh. Ảnh Ánh Dương

Hướng đi này có thể đánh giá là một trong những điểm khác biệt rõ rệt của thành phố sông Hàn khi so với các đô thị du lịch điển hình như Phuket hay Bali. Và theo đánh giá từ bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, đây cũng là lợi thế riêng biệt của Đà Nẵng khi “Nhìn trong khu vực, hiện không có nhiều thị trường tiềm năng như Đà Nẵng, Phuket hay Bali chỉ đơn thuần là thị trường nghỉ dưỡng. Các thị trường này không có sự kết hợp giữa nghỉ dưỡng và ở lâu dài như Đà Nẵng. So với thị trường nghỉ dưỡng trong khu vực, Đà Nẵng khá đặc biệt. Đây là một thị trường giàu tiềm năng.”

Để khác biệt trở thành riêng biệt

Không chỉ được trao tặng loạt giải thưởng danh giá về du lịch như “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” (WTA bình chọn); Top 10 điểm đến năm 2020 của Google; Top 21 điểm đến được yêu thích nhất Châu Á năm 2022 của Tripadvisor… năm 2018, Đà Nẵng còn xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên để trở thành 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới do Tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas bình chọn. Sự công nhận của các chuyên gia quốc tế với Đà Nẵng xuất phát từ nhiều lợi thế khác biệt của thành phố mỗi năm thu hút đến 16.000 người nhập cư, với tỷ lệ tăng dân số cơ học lên tới gần 16% này.

Trước tiên, nếu xét trên lợi thế về vị trí, thành phố sông Hàn khá vượt trội, bởi nếu Phuket, Bali hay Maldives đều là các thành phố đảo; thì Đà Nẵng sở hữu vị trí chiến lược cả kinh tế lẫn an ninh - quốc phòng; là mắt xích quan trọng của hành lang kinh tế Đông Tây. Tuy nhiên, lợi thế khác biệt của Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở vị trí.

Đà Nẵng từng được bình chọn là 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới. Ảnh Ánh Dương

Đà Nẵng từng được bình chọn là 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới. Ảnh Ánh Dương

Nền tảng về hạ tầng đô thị và dân sinh được đánh giá góp phần không nhỏ tạo ra sức bật để thành phố biển dần vươn tới tiêu chuẩn “đáng sống”. Nhiều năm qua Đà Nẵng theo đuổi mục tiêu thành phố "5 không", "3 có", "4 an" đã cải thiện đáng kể cuộc sống người dân, mang đến góc nhìn tích cực, thiện cảm tốt đẹp từ du khách. Bên cạnh đó, hệ thống y tế và giáo dục địa phương cũng được đẩy mạnh rõ rệt với 21 bệnh viện công/tư, tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân đứng thứ 2 cả nước; thành phố hiện có 9 trường quốc tế đào tạo đa cấp và 7 trường cao đẳng, đại học quốc tế nhằm phục vụ nhu cầu giáo dục chất lượng cao ngày một tăng.

Ý thức được những lợi thế này, Đà Nẵng đã đưa mục tiêu trở thành thành phố đáng sống vào quy hoạch, định hướng phát triển đến năm 2030. Nhưng theo nhiều chuyên gia, để biến khác biệt thành lợi thế riêng biệt, thực sự trở thành thành phố đáng sống đẳng cấp cao; Đà Nẵng còn nhiều việc cần làm. Cụ thể, theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá “Làm được những nhiệm vụ đó, phải có liên minh phát triển giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Đà Nẵng cần là một hình mẫu để thu hút "đại bàng", trở thành tổ ấm của những "đại bàng" lớn.”

Để đạt được những mục tiêu trên, Đà Nẵng không chỉ phải đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ cùng kinh tế số mà còn cần phải là nơi “đáng sống theo nghĩa "anh hùng" chọn là nơi để sống.” - nói cách khác phải trở thành “miền đất hứa” của giới chuyên gia, người thành đạt đến sống, định cư và làm việc lâu dài. Đà Nẵng cần phát triển thêm các đô thị để ở chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, bên cạnh BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu mua hay thuê nhà của các công dân toàn cầu.

Đô thị chất lượng cao là những mảnh ghép cần bổ sung để Đà Nẵng thực sự đáng sống. Ảnh Dreamstime

Đô thị chất lượng cao là những mảnh ghép cần bổ sung để Đà Nẵng thực sự đáng sống. Ảnh Dreamstime

Nhìn về tương lai thị trường nhà ở cao cấp tại Đà Nẵng, chuyên gia từ CBRE cũng đánh giá “miếng bánh” này rất tiềm năng khi những khu đô thị “all in one” phục vụ mọi nhu cầu của cư dân“sẽ không chỉ phục vụ khách là người nước ngoài, mà còn kéo theo những nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM mua để đầu tư cho thuê.”. Đặc biệt, trong bối cảnh các trào lưu như workcation, staycation, digital nomad đang ngày càng phổ biến.

Tạp chí Lonely Planet từng giới thiệu Đà Nẵng là một trong những đô thị thú vị nhất Việt Nam. Sự thú vị của “thủ phủ miền Trung” đến từ ưu ái của tạo hóa ban cho nơi đây cảnh quan tuyệt đẹp; sự thú vị cũng có thể đến từ vị trí địa lý chiến lược, văn hóa hay cả lịch sử. Trong tương lai, nếu thành phố sông Hàn giải được bài toán về đầu tư, thu hút chất xám đến với địa phương; không lâu nữa; sự thú vị của nơi đây sẽ tăng thêm nhiều phần trong diện mạo của một thành phố đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư hàng đầu Việt Nam.

 

 

Theo Sức Khỏe 24h