Tổng hội XDVN: https://nguoixaydung.com.vn/tong-hoi-xdvn/do-thi-xanh-huong-den-phat-trien-ben-vung-502172.html

Đô thị xanh hướng đến phát triển bền vững

13:36 | 16/09/2023
(NXD) - Để giải quyết những thách thức lớn về hạ tầng giao thông đô thị, căn cứ điều kiện phát triển của từng đô thị, việc phát triển hạ tầng giao thông xanh trong đô thị là việc cấp thiết.
 
PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng trình bày tham luận.
 
Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh tại Việt Nam với các đô thị lớn tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa lan tỏa các vùng miền của đất nước. Với sự phát triển nhanh chóng khiến hạ tầng đô thị bị quá tải, không đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải. 
 
Tình trạng ùn tắc giao thông đô thị gây tổn hại về kinh tế, xã hội. Tình trạng này dự kiến trầm trọng hơn do xu hướng chuyển dịch dân cư từ nông thôn ra đô thị. 
 
Để giải quyết những thách thức lớn về hạ tầng giao thông đô thị cần giải pháp phát triển hạ tầng giao thông xanh trong đô thị. Nhằm làm rõ hơn nội hàm vấn đề giao thông xanh, cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước giải bài toán phát triển hạ tầng giao thông xanh trong đô thị, ngày 15/9, Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia tổ chức Tọa đàm về giao thông xanh.
 
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng chia sẻ: Giao thông đô thị là một trong các lĩnh vực đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của mỗi đô thị, giao thông đô thị tốt sẽ góp phần vào sự bền vững của đô thị và đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển tăng trưởng xanh.
 
Ngày nay, quan niệm về giao thông xanh cũng nhiều điểm gắn kết với giao thông phát triển bền vững và gắn kết với hạ tầng xanh, kết nối, lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực của hạ tầng giao thông. Thiết kế cơ sở hạ tầng đảm bảo cân bằng diện tích sử dụng đất trong mạng lưới giao thông sao cho sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiệu quả so với việc sử dụng phương tiện cá nhân. Đây cũng là một vấn đề tương đối mới nên quản lý mạng lưới đường hướng tới giao thông xanh đang được các nước phát triển tìm kiếm các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta.
 
Toàn cảnh tọa đàm.
 
Tại Tọa đàm, nhiều tham luận có ý nghĩa thực tiễn, lý luận được trình bày như: Kinh nghiệm phát triển giao thông đô thị xanh trên thế giới và khuyến nghị cho các thành phố lớn ở Việt Nam; Giao thông xanh hướng tới đô thị xanh và phát triển bền vững; Tiêu chí giao thông xanh và chỉ tiêu đánh giá hệ thống giao thông trong quy hoạch đô thị tại Việt Nam; Thể chế hóa quy hoạch cảnh quan; Phát triển giao thông xanh hay giao thông thông minh và lựa chọn hướng đi phù hợp cho các đô thị lớn Việt Nam; Đề xuất định hướng quản lý hệ thống giao thông thành phố Thái Nguyên theo hướng giao thông xanh trong bối cảnh đô thị hóa; Giao thông xanh ở Việt Nam.
 
Sự phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần tạo nên bộ mặt đô thị khang trang. Về bản chất, giao thông xanh là xây dựng và duy trì hệ thống giao thông đô thị phát triển bền vững nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại của mọi người dân. Phát triển giao thông xanh phải có đủ các đặc trưng cơ bản như: Chiến lược giao thông phát triển bền vững, hiệu quả hoạt động giao thông cao với chi phí xã hội thấp, hài hòa môi trường đô thị, phù hợp với mô hình sử dụng đất đô thị và hạt nhân của giao thông xanh là ưu tiên phát triển giao thông công cộng. Với việc sử dụng phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm, và thân thiện với môi trường nhằm hướng tới một hệ thống giao thông hội tụ các điều kiện để tiêu hao ít năng lượng, ít gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển đô thị xanh.
 
 
Minh Anh
 
 
Theo Kinh tế Môi trường