(NXD) -
Hà Nội là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều phong cảnh đẹp. Nơi đây cũng có những mùa hoa vô cùng phong phú, quanh năm luôn rực rỡ sắc hương đắm say lòng người. Hoa đang dần trở thành biểu tượng cho những giá trị tinh khiết tự nhiên và không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Hà Nội.
Nắm bắt được tiềm năng và xu hướng mới của việc tận dụng thế mạnh của các loài hoa để phát triển du lịch nông nghiệp. Với mục tiêu biến hoa trở thành tài nguyên du lịch, thời gian gần đây Hà Nội đã phát triển mạnh nghề trồng hoa, cây cảnh. Đồng thời, thành phố đã sớm hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Ngoài ra, người dân và chủ doanh nghiệp tại đây còn phát triển một hướng mới, đó là hình thành các khu du lịch sinh thái chuyên đề hoa.
Khuôn viên Khu sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay, nơi ông Nguyễn Đức Minh trồng hàng vạn gốc hồng và rất nhiều loài hoa đặc trưng của Hà thành.
Trong số các khu sinh thái phát triển chuyên đề hoa nổi bật của Hà Nội hiện nay, có thể kể đến những cái tên như: Khu sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ); Khu sinh thái Đan Phượng - The Phoenix Garden (huyện Đan Phượng); Khu sinh thái vườn Vân Canh, Song Phương, Vân Côn... (huyện Hoài Đức);... Đây là những trang trại/nhà vườn đã và đang được trồng hoa, làm du lịch nông nghiệp, với mục tiêu trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với những tâm hồn đam mê thưởng lãm những nét đẹp xao xuyến của các loài hoa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, những “nhà vườn” trồng hoa làm du lịch nông nghiệp tại Hà Nội đang vấp phải những khó khăn nhất định. Hiện nay, phần lớn đất đai của nhiều trang trại/nhà vườn còn sử dụng theo hình thức tạm giao, ký hợp đồng thầu với các địa phương. Do vậy, các chủ trang trại chưa thực sự yên tâm, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất lâu dài. Bên cạnh đó, phần lớn các chủ trang trại/nhà vườn thiếu vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi đối với chủ trang trại/nhà vườn còn nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục, thời gian vay vốn. Ngoài ra, những khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách cho doanh nghiệp làm du lịch nông nghiệp vẫn là cánh cửa hẹp, cần nới rộng để tạo sự thông thoáng nhất định.
Ông Nguyễn Đức Minh, chủ trang trại/nhà vườn Khu sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay, cho biết một số năm trở lại đây, trào lưu chụp ảnh ngoại cảnh phát triển mạnh mẽ, những ngày nghỉ lễ hay dịp cuối tuần, mọi người thường tìm đến những nơi có phong cảnh đẹp để thư giãn và lưu lại các bức ảnh kỷ niệm. Nắm bắt xu hướng đó, ông đã đầu tư trồng hoa, làm du lịch nông nghiệp. Vườn hoa, cây cảnh trong Khu sinh thái đã bước đầu có thể đưa cảnh quan thiên nhiên vào trong tổng thể kiến trúc một cách hài hòa, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của du khách.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Khu sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. COVID-19 và những hệ lụy của cơn bão dịch bệnh này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà vườn. Suốt một thời gian dài, Khu sinh thái không có nguồn thu do vắng khách. Doanh nghiệp (Công ty TNHH Hoa Bay) và cá nhân ông Minh đã phải gắng gượng, cầm cố ngân hàng, vay mượn khắp nơi để duy trì nguồn thu ổn định hàng tháng cho 30 lao động trong đơn vị, cố gắng để không phải nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tiếp đó, chi phí để duy trì hoạt động của nhà vườn liên tục gia tăng do ảnh hưởng của thiên tai vào giữa năm 2020.
Cuối năm 2020, những ảnh hưởng từ truyền thông không chuẩn xác lại tiếp tục khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị mất thương hiệu. Gần đây, các cơ quan hữu quan của huyện Phúc Thọ cũng đã tăng cường giám sát, đưa ra những chỉ đạo để phòng ngừa triệt để tình trạng gọi là “xây nhà trên đất nông nghiệp” từ nguồn tin truyền thông chưa chuẩn xác trước đó...
Việc giám sát của các cơ quan nhà nước là điều vô cùng cần thiết. Cá nhân ông Minh và Công ty TNHH Hoa Bay cũng xác định, để lấy lại hình ảnh, thương hiệu, Công ty sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ đạo từ huyện Phúc Thọ, cũng như từ xã Hiệp Thuận, nơi doanh nghiệp đang vận hành Khu sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay trong việc tháo dỡ các khu vực tiểu cảnh, các chòi vọng cảnh,...
Tuy nhiên, khi không còn các chòi vọng cảnh, các tiểu cảnh trong khuôn viên Phúc Thọ Hoa Bay, câu hỏi đặt ra là, doanh nghiệp sẽ tiếp tục vận hành hoạt động của Phúc Thọ Hoa Bay ra sao, khi mà nhà vườn thì ngổn ngang, không còn khu vực lưu trú tạm thời để du khách có thể nghỉ ngơi trong lúc tham quan? Với hệ thống cơ sở vật chất hiện có, làm sao để doanh nghiệp có thể làm du lịch hoa một cách chuyên nghiệp và bài bản?
Trong thâm tâm của một người tâm huyết với du lịch chuyên đề hoa và du lịch nông nghiệp truyền thống, ông Minh khẳng định mình có ước mơ có thể quy hoạch xây dựng tại Khu sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay các điểm mua sắm quà lưu niệm và các sản phẩm được làm từ hoa; xây dựng một trung tâm chăm sóc sắc đẹp, phục hồi sức khỏe có sử dụng các liệu pháp từ hoa; xây dựng nhà đón tiếp khách và trưng bày, bán các sản phẩm của hoa, với hoa cắt cành, hoa khô, tinh dầu chiết xuất từ hoa,... Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, ước mơ của ông quả là quá xa vời?!
Khẳng định việc trồng hoa làm du lịch là hướng đi mới đầy tiềm năng, ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh: Nếu như được tạo điều kiện từ phía chính quyền, được sự ủng hộ của người dân và các cơ quan truyền thông, Khu sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay được khai thác tốt sẽ mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng rau màu hay trồng hoa thông thường.
Thiết nghĩ, để một doanh nghiệp như Công ty TNHH Hoa Bay có thể vực dậy các hoạt động hậu COVID-19, để một người yêu du lịch chuyên đề hoa như ông Nguyễn Đức Minh có thể sáng tạo hơn nữa trong cách làm du lịch, làm kinh tế; Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích mô hình du lịch chuyên đề hoa phát triển. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, có chính sách giao đất ổn định lâu dài cho các nhà vườn/trang trại, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;... Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là việc mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống xử lý môi trường để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch.
Người dân và các đơn vị truyền thông cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, định hướng của huyện, của xã trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch chuyên đề hoa, để nhân dân tiếp tục ủng hộ và nhiệt tình tham gia, tạo phong trào làm du lịch rộng khắp trên địa bàn huyện. Đồng thời, các cơ quan truyền thông cần tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của các trang trại/nhà vườn trên các phương tiện truyền thông; qua đó thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến với Phúc Thọ.
Qua trao đổi với ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban Nhân Dân huyện Phúc Thọ, ông cho biết: Chủ trương của huyện là sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các điểm du lịch sinh thái đã có phát triển và mở rộng; tạo cơ chế “một cửa” thông thoáng cho các hoạt động đầu tư để huyện trở thành điểm đầu tư hấp dẫn cho du lịch.
Nhận định thực trạng phát triển chung của du lịch hoa ở Phúc Thọ nói riêng và Hà Nội nói chung còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch hoa chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Do đó, trong thời gian tới, huyện khuyến khích người nông dân cần chủ động xây dựng, phát triển làng hoa, trang trại hoa… nhắm tới đích tạo ra du lịch hoa. Các chủ nhà vườn, chủ trang trại cần chủ động liên kết với doanh nghiệp lữ hành để được đưa vào chương trình tham quan của các tour du lịch. Song song với đó, cần chủ động tham gia hoạt động quảng bá, trong đó có các lễ hội hoa, triển lãm hoa, hội chợ hoa… để xây dựng hình ảnh, thương hiệu. Qua đó, đưa du lịch hoa phát triển, góp một phần nhỏ vào sự phát triển của du lịch hoa Hà Nội, để Hà Nội không chỉ được biết đến là một Thủ đô nghìn năm tuổi với những trầm tích văn hóa lắng đọng mà còn là điểm đến của du lịch hoa ấn tượng.
Phạm Thủy