(NXD) -
Được hợp nhất từ 3 đơn vị: Trung tâm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Chăn nuôi - Thú y theo quyết định số 1632/QĐ-UBND ngày 26/5/2020 của UBND tỉnh Nghệ An nhằm giảm đầu mối, giảm chi ngân sách, tăng cường hiệu quả hoạt động, ngay trong tháng 6 năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Diễn Châu đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của mình.
Theo chức năng, nhiệm vụ mới được giao, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Diễn Châu cũng như đơn vị cùng tên gọi của các huyện khác, phải triển khai thực hiện ngay 14 nhóm nhiệm vụ theo quyết định giao, gồm các dịch vụ khuyến nông, trồng trọt, dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ chăn nuôi - thú y, dịch vụ thủy sản. Trên nền nhiệm vụ cũ, mặc dù có sự thay đổi về cấp quản lý nhưng các đầu việc được triển khai đồng bộ, nhất quán, hướng vào đối tượng phục vụ là nông dân, nông nghiệp.
Biên chế không tăng, đầu mối quản lý giảm được 2 chức danh, nhưng về chuyên môn dịch vụ, đơn vị phải cơ cấu lại theo phương châm: một cán bộ biết sâu một việc nhưng phải nắm đủ các loại hình dịch vụ nông nghiệp. Theo đó, một nhân viên kỹ thuật về lĩnh vực khuyến nông, bây giờ phải biết thêm cả lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, cả lĩnh vực chăn nuôi thú y. Những kiến thức “ngoài chuyên môn này” nhằm hỗ trợ nhà nông có thêm cơ hội tiếp cận với kỹ năng, kỹ thuật, dịch vụ của Trung tâm nhằm góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, chăn nuôi.
Tương tự, một nhân viên chăn nuôi, thú y, bây giờ phải có thêm kiến thức cơ bản về lĩnh vực trồng trọt, khuyến nông, các loại thuốc bảo vệ thực vật. Theo ông Nguyễn Thế Minh (kiểm dịch viên thú y) thì: “Nghe thì khó, nhưng bắt tay vào học hỏi, cũng không đến nỗi phức tạp vì toàn là kiến thức của nhà nông. Vấn đề gì chưa rõ, chưa chắc chắn thì hỏi lại kỹ thuật viên chuyên ngành hoặc báo cáo lãnh đạo để được hỗ trợ”.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số kỹ thuật viên, khi vào việc, vướng mắc hiện nay là người dân vẫn chưa hiểu được lợi thế của họ khi có sự đồng hành của Trung tâm, cứ nghĩ là khi cần đến Trung tâm là phải mất tiền dịch vụ. Ngay cả cán bộ lãnh đạo một số xã cũng chưa biết khai thác những lợi thế từ Trung tâm. Theo chức năng nhiệm vụ, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp là đơn vị công ích, làm dịch vụ công giúp nhà nông, do Nhà nước trả tiền để giúp nông dân, ngư dân, hộ chăn nuôi. Bởi vậy, các buổi tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, bà con không phải trả tiền, chỉ cần tham gia đầy đủ, lĩnh hội đầy đủ kiến thức được tập huấn, hướng dẫn để áp dụng là tốt rồi.

Ngay sau khi sáp nhập 3 đơn vị, trên cơ sở tiếp tục phát huy kiến thức chuyên sâu, chuyên ngành, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Diễn Châu đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, mô hình trình diễn để hướng dẫn bà con nông dân. Theo ông Nguyễn Trọng Bốn- Giám đốc Trung tâm, qua theo dõi các buổi tập huấn, những người tham gia đều rất phấn khởi, có những phản hồi tích cực về Trung tâm đối với kiến thức được hướng dẫn. Về phía các kỹ thuật viên, họ cũng rất hào hứng và say mê với công việc hơn khi được chia sẻ, đồng hành với nhà nông.
Cũng theo ông Bốn, điều mà Trung tâm mong muốn hiện nay là: Những nhiệm vụ nào thuộc nhóm dịch vụ nông nghiệp thì nên giao cho Trung tâm thực hiện. Hiện nay có một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Trung tâm, nhưng phòng Nông nghiệp huyện lại tham mưu UBND huyện giao thẳng về cho UBND các xã. Một số chương trình, phòng Nông nghiệp huyện đề xuất trung tâm là thành phần tham gia nhưng thực tế, có khi không được tham gia mà chỉ thể hiện trên hồ sơ, trên giấy.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Người Xây dựng tại huyện Nghi Lộc, huyện Yên Thành, huyện Đô Lương và huyện Quỳnh Lưu, những dịch vụ công thuộc lĩnh vực nông nghiệp (14 nhóm nhiệm vụ) được giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện chủ trì thực hiện, phòng Nông nghiệp chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước, không “ôm việc”, nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như ở huyên Diễn Châu hiện nay. Bởi vậy, những băn khoăn của lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Diễn Châu nêu trên là có cơ sở, cần được xem xét, kiểm tra, chỉ đạo lại.

Ông Bốn chia sẻ: “Chỉ mới trải qua hơn nửa năm thực hiện nhiệm vụ theo tên gọi mới nhưng tập thể cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Diễn Châu đã thể hiện được năng lực, tâm huyết trong công việc, sự phối hợp tốt giữa các bộ phận với nhau. Bám sát 14 nhóm nhiệm vụ được giao, với sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp của phòng Nông nghiệp và Đảng ủy, chính quyền các xã, chắc chắn Trung tâm sẽ thực hiện tốt 14 nhóm nhiệm vụ dịch vụ được giao.
Khánh Sơn