(NXD) -
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, 65 năm qua chứng kiến sự bứt phá, phát triển của ngành xây dựng. Thế nhưng nội tại ngành xây dựng hiện nay đang mắc “căn bệnh” trầm kha khó “cứu chữa”.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
Nhân kỉ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam, phóng viên Tạp chí Người Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhằm nhìn lại những thành tựu, đóng góp của ngành xây dựng trong sự phát triển chung của đất nước, đồng thời chỉ ra những khó khăn, cũng như đòi hỏi phải thay đổi trong chính sách để giúp ngành Xây dựng Việt Nam phát triển.
- Thưa ông, nhìn lại 65 năm qua, theo ông ngành xây dựng đã có những bước phát triển ra sao?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Nhìn lại lịch sử 65 năm qua ngành xây dựng có những bước tăng trưởng ấn tượng. Cho đến những năm 1970-1980 ngành xây dựng chúng ta vẫn làm theo công nghệ rất thấp, dùng sức là chính thì nay chúng ta đã làm chủ được công nghệ.
Hiện nay, các nhà thầu xây dựng Việt Nam độc lập tự xây xây dựng được tòa nhà 81 tầng. Trong công nghệ xây dựng nhà cao tầng chúng ta thuộc nhóm đầu ở khu vực Đông Nam Á.
Cùng với việc xây dựng dân dụng, thi công xây dựng tòa cao ốc, hiện các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã bắt đầu đi vào thi công xây dựng đô thị ngầm, phát triển đô thị ngầm. Ngoài ra, trong xây dựng công trình giao thông các nhà thầu của chúng ta cũng tự xây dựng công trình cầu dây văng, đường cao tốc hiện đại, nhanh chóng.
Không chỉ phát triển về công nghệ, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển về cả tầm vóc, quy mô, trình độ kỹ thuật. Phát triển ngành xây dựng Việt Nam hiện nay đang hướng đến phát triển công nghệ xanh.
Ngành xây dựng chúng ta tựu chung lại bắt đầu từ chỗ đơn sơ, mộc mạc đến nay là ngành lao động kỹ thuật với trình độ quản lý, sắp xếp ở mức cao. Đến công trường xây dựng hiện nay chúng ta thấy sạch bong, sắp xếp ngăn nắp. Nhiều đơn vị đã sử dụng công nghệ BIM để quản lý tiến độ, quản lý kế hoạch, thiết kế, khối lượng… Điều ấy cho thấy việc cập nhật kỹ thuật của doanh nghiệp xây dựng của chúng ta rất tốt.
65 năm qua ngành xây dựng nếu ống kính quay trở lại chúng ta sẽ thấy ngành xây dựng có sự thay đổi rất lớn. Đóng góp lớn của ngành xây dựng thể hiện ở bộ mặt đô thị của các địa phương hiện nay. Có thể nói ngành xây dựng đã góp phần làm thay đổi cả bộ mặt quốc gia, bộ mặt đô thị.
- Doanh nghiệp xây dựng là hạt nhân quan trọng giúp ngành Xây dựng Việt Nam phát triển, nhưng hiện nay doanh nghiệp xây dựng đang gặp khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn mà doanh nghiệp xây dựng đang gặp? Phải chăng chỉ là câu chuyện nguồn vốn?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Đánh giá tổng thể thấy rõ sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng nhưng nhìn một cách sâu sắc vấn đề thì doanh nghiệp xây dựng đã và đang rất cố gắng để vươn lên. Hiện nay cái khó của ngành xây dựng nằm trong cơ chế luật pháp, không phải vấn đề về vốn. Hệ thống luật pháp hiện chưa có cơ chế bảo vệ nhà thầu một cách công bằng.
Kinh tế của chúng ta chuyển từ kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường. Những năm 1980, các công ty xây dựng hàng đầu đều là 100% vốn nhà nước, nhưng từ những năm 1990 trở lại đây chúng ta có cơ chế cổ phần hóa, những công ty xây dựng hàng đầu hiện nay phần lớn là công ty cổ phần, trong đó nhà nước chỉ nắm phần nhỏ.
Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng đã đa dạng hơn, từ chỗ 100% vốn ngân sách thì nay nguồn vốn đầu tư đã phát triển ra các thành phần kinh tế khác. Trong một năm tổng vốn nhà nước đầu tư cho xây dựng khoảng 720.000 tỷ đồng, vốn đầu tư FDI và ngoài nhà nước cũng tương đương con số đó.
Chuyển đổi cơ cấu sở hữu nhưng hành lang pháp lý không chuyển đổi kịp, trước kia vốn trong xây dựng là vốn nhà nước, đi làm cũng là doanh nghiệp nhà nước, thua lỗ hay lợi nhuận cũng là vốn nhà nước, công ty xây dựng thiệt cũng là nhà nước thiệt. Thế nhưng bây giờ đã khác, vốn trong xây dựng không phải của nhà nước nữa, doanh nghiệp làm công trình vốn đầu tư công nhà nước phải trả cho họ, tuy nhiên cơ chế chưa được xem xét bình đẳng. Điều đó thể hiện qua cơ chế hợp đồng, trong hợp đồng không cơ cơ chế bảo vệ cho nhà thầu. Chính vì không có cơ chế bảo vệ nhà thầu nên ngành xây dựng hiện nay đang mắc căn bệnh trầm kha không cứu chưa nổi là nợ đọng xây dựng.
Ở các dự án đầu tư công hiện nay, thủ tục thanh toán, đặc biệt là thủ tục phát sinh vô cùng phức tạp, chậm trễ dẫn đến thủ tục thanh toán vướng mắc, chậm lại. Khi dự án có phát sinh, quyền của chủ đầu tư mức nào, phân cấp ra sao chưa được cụ thể.
Một bất cập thấy rất rõ là trách nhiệm của nhà nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư thiếu sự công bằng. Theo quy định hiện nay nhà thầu phải nộp 4 bảo lãnh gồm: Bão lãnh dự thầu, bão lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng, bão lãnh bảo hành. Trong khi, chủ đầu tư không phải nộp bất kì bảo lãnh nào. Dẫn đến các doanh nghiệp xây dựng luôn phải chịu thiệt. Điều này dẫn đến có doanh nghiệp xây dựng vốn 800 tỷ đồng nhưng nợ đến 3.000 tỷ đồnghay có những tập đoàn lớn nguồn vốn 3.000 tỷ đồng nhưng nợ đến 13.000 – 14.000 tỷ đồng. Đáng nói là nợ đọng xây dựng hiện nay không có cách nào thu hồi sớm, có thể nói hiện nay cứ 100 công ty xây dựng thì có đến 90 đến 95 công ty bị nợ đọng mức độ nhiều ít khác nhau.
Doanh nghiệp ngành xây dựng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Tôi từng phát biểu nếu không điều chỉnh cơ chế luật pháp thì trong vòng 5 năm nữa, các công ty xây dựng không công ty nào làm nữa. Vì càng làm nhiều thì càng nợ nhiều, càng nợ nhiều thì càng đứng trước nguy cơ phá sản lớn.
Thậm chí hiện có chủ đầu tư còn tính đến việc thanh toán khoản nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sản phẩm được đưa ra thanh toán cho nhà thầu lại không đủ pháp lý, doanh nghiệp xây dựng không thể bán để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.
Những khó khăn của ngành xây dựng ngoài việc lãi suất cao, nợ đọng, trong vấn đề đầu tư công hệ thống định mức xây dựng, đơn giá xây dựng của chúng ta hiện nay quá lạc hậu. Mặt khác, chúng ta đang giao cho địa phương đưa ra đơn giá vật liệu, trong thực tế địa phương cập nhật đơn giá luôn thấp hơn thực tế thị trường từ 10-12%. Lý do là nhiều dự án đầu tư dùng ngân sách địa phương, trong khi địa phương muốn tiết kiệm ngân sách nên đưa ra đơn giá rất thấp, không đúng với thực tế thị trường. Ngay cả công trình từ Trung ương nhưng đi qua địa bàn của địa phương lại sử dụng đơn giá xây dựng của địa phương dẫn đến những bất cập. Do đó chúng tôi đang đề nghị Bộ Xây dựng hiệu chỉnh định mức và đơn giá xây dựng, đặc biệt là định mức xây dựng ở ngành giao thông.
Bên cạnh đó, năm 2023 này với những dự báo về việc kinh tế khó khăn đặc biệt với ngành xây dựng. Do bất động sản khó khăn nên ngành xây dựng sẽ bị suy giảm. Lượng dự án xây dựng theo đó cũng sẽ giảm đi 20-30% nên số dự án đầu tư ngoài ngân sách giảm. Từ chỗ ít dự án dẫn đến nhiều công ty xây dựng sẽ gặp khó khăn, cũng từ việc dự án ít dễ dẫn đến nguy cơ phá giá trong đấu thầu. Có nghĩa doanh nghiệp xây dựng cạnh tranh nhau về giá để có việc làm, từ đó sẽ dẫn đến nguy cơ chất lượng công trình không đảm bảo, đồng thời doanh nghiệp xây dựng sẽ càng gặp khó khi lợi nhuận thấp, nợ đọng nhiều.
- Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững có nói đến câu chuyện "không ai giải cứu cho ai", doanh nghiệp bất động sản phải tự tự cứu mình, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Xây dựng là ngành công nghiệp song hành với bất động sản, khi bất động sản khó khăn cũng kéo theo khó khăn với doanh nghiệp xây dựng. Với những khó khăn hiện nay, doanh nghiệp xây dựng mong muốn Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành địa phương tháo gỡ vấn đề nợ đóng xây dựng.
Mặt khác, các công ty xây dựng mong muốn lại suất ngân hàng giảm, hiện nay lãi suất quá cao, trong khi nợ đọng xây dựng quá lớn. Cái khó của ngành xây dựng là phải bỏ tiền làm trước, sau đó lấy tiền sau. Trong khi lãi của ngành xây dựng chỉ 4-5% thì lãi ngân hàng lên tới 12%. Lãi ngành xây dựng không đủ đề bù lãi ngân hàng và thời gian nợ đọng kéo dài.
Cần nhấn mạnh việc giảm lãi suất ở đây là tốt cho cả nền kinh tế trong đó có ngành xây dựng. Một thực tế hiện nay, khối sản xuất như dệt may, sản xuất thép, sản xuất công nghiệp luôn có ưu đãi vay nhưng xây dựng chúng ta lại không quan niệm là ngành sản xuất mà coi là dịch vụ công nghiệp dẫn đến không có ưu đãi vay. Chúng tôi mong muốn Chính phủ đưa xây dựng vào cơ chế cho vay ưu đãi như các ngành sản xuất công nghiệp khác, bởi rõ ràng ngành xây dựng cũng đóng góp tăng trưởng GDP.
Cùng với việc hạ lãi suất ngân hàng, điều mà công ty xây dựng mong muốn là cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra quy trình thanh toán cho nhà thầu một cách nghiêm túc, chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cho công ty xây dựng, cho người lao động để đảm bảo cuộc sống.
- Giữa những khó khăn của ngành xây dựng, theo ông Bộ Xây dựng cần làm gì để song hành giúp doanh nghiệp xây dựng vượt qua khó khăn này?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Hiện nay sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp xây dựng, Bộ Xây dựng lúc này chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, ban hành cơ chế, chính sách về xây dựng chứ không quản lý doanh nghiệp như trước đây.
Chính vì vậy, chúng tôi mong Bộ Xây dựng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vượt qua khó khăn hiện nay. Cụ thể chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng, thứ nhất khẩn chương quan tâm điều chỉnh đơn giá định mức xây dựng. Kiểm soát công bố giá vật liệu xây dựng ở các địa phương sao cho các chỉ số giá vật liệu xây dựng cập nhật theo giá thị trường. Thứ hai, mong Bộ Xây dựng ủng hộ và có góp tiếng nói cùng với doanh nghiệp xây dựng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo quyền lợi cho nhà thầu. Thứ ba, hiện nay hầu hết doanh nghiệp xây dựng không còn là doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp xây dựng đặc biệt doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ mong muốn Bộ Xây dựng có cơ chế tạo hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực.
Xin cảm ơn ông!
Đức Khôi