Thực hiện Luật Quy hoạch – Một số vấn đề về công tác tư vấn

11:47 | 02/07/2022
(NXD) - Mặc dù Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đã 03 năm, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực, quyết tâm rất cao để tập trung triển khai và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan rằng tiến độ triển khai còn rất chậm....

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đồng chủ trì cuộc họp giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội về một số nội dung liên quan đến Chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
 
Đánh giá kết quả thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 cho thấy đến nay mới chỉ có được 01 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 01 quy hoạch ngành (ngành GTVT),  01/06 quy hoạch vùng (vùng ĐBSCL) và 01/63 quy hoạch tỉnh (tỉnh Bắc Giang) được phê duyệt. Hiện chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể cấp quốc gia, ở hầu hết các cấp quy hoạch mới chỉ hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, phần lớn các loại quy hoạch đang trong quá trình lập, một số đang trình thẩm định, có số rất ít đã trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Mặc dầu Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đã 03 năm, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực, quyết tâm rất cao để tập trung triển khai và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan rằng tiến độ triển khai còn rất chậm. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ thực hiện Luật Quy hoạch đã được nhiều báo cáo chỉ ra bao gồm sự không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, tư duy trong việc lập, thực hiện quy hoạch và quản lý nhà nước chậm đổi mới, cán bộ chuyên môn của các cơ quan và đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực, trong đó vấn đề tư vấn và lựa chọn tư vấn là một trong các thách thức lớn nhất. Báo cáo của hầu hết các Bộ, ngành, địa phương về kết quả quá trình thực hiện Luật Quy hoạch đều cho rằng, vấn đề lựa chọn cơ quan tư vấn lập quy hoạch đã gặp rất nhiều khó khăn. Tại tỉnh Bình Thuận, từ khi đăng tải hồ sơ mời thầu (từ ngày 28/11/2020 đến ngày 21/12/2020) chỉ có 1 nhà thầu tham gia, phải tiếp tục gia hạn mời thầu nên kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch (*). Tại Bắc Giang, tỉnh chủ động thực hiện lựa chọn tư vấn từ rất sớm với mong muốn là có tư vấn trong nước tốt và dành nhiều thời gian hơn cho tỉnh mình (**). Tại Quảng Ninh, việc lựa chọn tư vấn kéo dài trong 7 tháng (***). Quan sát quá trình lựa chọn tư vấn, từ góc độ chuyên môn chúng tôi nhận thấy những khó khăn chính trong việc lựa chọn tư vấn bao gồm: 
 
1. Thiếu đánh giá khả năng đáp ứng nhiệm vụ của lực lượng tư vấn trong nước, ở cả giai đoạn soạn thảo dự án Luật, văn bản hướng dẫn và giai đoạn tổ chức thực hiện. Trong bối cảnh đây là lần đầu chúng ta thực hiện quy hoạch theo phương pháp mới, mà về nhận thức cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn có những nội dung chưa được thống nhất, đồng thời do yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt cùng lúc các cấp quy hoạch, các loại quy hoạch (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển, quy hoạch 6 vùng, quy hoạch 63 tỉnh/thành phố, quy hoạch 39 ngành theo Phụ lục I và 39 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo Phụ lục II của Luật Quy hoạch - Tổng cộng khoảng hơn 150 bản quy hoạch các cấp, các loại) nên khối lượng công việc thực hiện quy hoạch rất lớn, phức tạp. Trong khi chúng ta chưa có khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học khả năng đáp ứng của đội ngũ tư vấn trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng dẫn đến việc xây dựng các điều kiện chuyên môn, tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn đơn vị tư vấn còn máy móc, thiếu tính khả thi, vừa làm hạn chế khả năng tham gia của đội ngũ tư vấn trong nước có kinh nghiệm vừa tạo ra áp lực đối với chủ đầu tư về tiến độ và chất lượng quy hoạch, tạo ra những lãng phí về thời gian và tiền bạc của xã hội. Cụ thể:  
 
 (1) Quy định về điều kiện năng lực chuyên môn của đơn vị tư vấn lập quy hoạch khó áp dụng: Điều 4 Nghị đinh 37 quy định các đơn vị tham gia đấu thầu tư vấn lập quy hoạch phải có các chuyên gia tư vấn “đã chủ trì ít nhất 01 quy hoạch cùng cấp quy hoạch cần lập hoặc đã tham gia trực tiếp 02 quy hoạch cùng cấp quy hoạch cần lập”. Chúng ta chưa có quy hoạch quốc gia, chưa có quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành hiện nay cũng được thực hiện theo phương pháp khác thì tiêu chí để xác định quy hoạch cùng cấp sẽ được thực hiện thế nào? Hơn nữa quy hoạch lần này được hiểu là việc xem xét đồng thời và tổng hợp các vấn đề liên ngành ở các cấp độ khác nhau trên cùng một không gian lãnh thổ để từ đó đưa ra giải pháp thực thi, giải quyết thấu đáo mối quan hệ lợi ích giữa các thực thể có liên quan trên cơ sở bảo đảm sự phát triển chung của quốc gia. Với yêu cầu này thì đòi hỏi năng lực của chuyên gia tư vấn, đặc biệt là đối với chủ trì (chủ nhiệm) đồ án quy hoạch phải là người có kinh nghiệm và am hiểu về nhiều ngành, lĩnh vực mà hiện nay chắc chắn cchúng ta không thể có nhiều Trong điều kiện đó rất cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để giúp cho các chủ đầu tư thuận lợi và dễ dàng trong công tác tuyển chọn tư vấn và tạo tâm lý an tâm về khả năng đảm bảo về chất lượng và tiến độ đồ án được lập. 
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cungf các chuyên gia, nhà khoa học dự Hội thảo về công tác quy hoạch. Tham luận của TS. Đặng Việt Dũng tại hội thảo được các chuyên gia đánh giá cao.
 
Dường như đã lường trước được khả năng đáp ứng hạn chế của lực lượng tư vấn trong quá trình lập quy hoạch, các cơ quan soạn thảo Nghị định 37 đã cho phép trong trường hợp không lựa chọn được các đơn vị tư vấn đảm bảo điều kiện về chuyên môn theo điều 4 của NĐ 37 (các khoản 2 điều 8, khoản 3 điều 9, khoản 3 điều 11) thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Quy định này vừa dồn trách nhiệm lên cấp trên, vừa làm kéo dài thời gian lựa chọn tư vấn vì trên thực tế rất khó để lựa chọn được các đơn vị tư vấn đảm bảo điều kiện về chuyên môn theo điều 4 của NĐ 37.
 
 (2) Theo quy định tại khoản 1 điều 17 Luật Quy hoạch, các cơ quan lập quy hoạch, các Bộ, địa phương phải lựa chọn tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Tại điểm c Khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định:“Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền...”. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư sẽ không được tham gia dự thầu dẫn đến hạn chế sự tham gia của các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, có tài nguyên dữ liệu, am hiểu địa bàn phục vụ cho công tác lập quy hoạch. 
 
Trên thực tế chúng ta đã phải điều chỉnh quy định này tại NĐ 119 (khoản 2 a, mục III) cho phép các chủ đầu tư được thực hiện lựa chọn nhà thầu tư vấn theo điều 26 Luật Đầu thầu 2013 khi lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng chưa lựa chọn được nhà thầu tư vấn.
 
2. Lúng túng trong việc lựa chọn tư vấn quốc tế: Chúng ta đã đưa ra được phương pháp tiếp cận mới trong công tác lập quy hoạch, nhưng chúng ta đã thiếu các quy định để có thể huy động được lực lượng tư vấn quốc tế nhằm vừa tạo ra những luồng gió mới trong việc lập quy hoạch, vừa khắc phục được hạn chế của lực lượng tư vấn trong nước. Theo báo cáo từ các địa phương do muốn tạo ra sự đột phá trong công tác quy hoạch và khắc phục những khó khăn trong việc lựa chọn tư vấn trong nước, một số địa phương đã mạnh dạn cho tư vấn nước ngoài để thực hiện một số nội dung khi lập quy hoạch như ý tưởng, phương pháp, kỹ thuật phân tích, kinh nghiệm... Tuy nhiên, đây hoàn toàn có tính tự phát và chủ động của các địa phương, không có các quy định cụ thể về điều kiện chuyên môn, về định mức, chi phí cho chuyên gia nước ngoài, tính pháp lý của sản phẩm do tư vấn nước ngoài lập, yêu cầu về bảo mật liên quan đến an ninh, quốc phòng ...vì vậy tính rủi ro rất cao. Phần lớn  các địa phương khi sử dụng tư vấn nước ngoài hoặc trình xin Thủ tướng Chính phủ, hoặc chỉ dừng lại ở mức tham vấn. Điều này đỏi hỏi chúng ta phải nhanh chóng có quy định về việc cho phép sử dụng tư vấn quốc tế trong lập quy hoạch.
 
3. Chưa chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn lập quy hoạch. Hiện các trường Đại học của chúng ta chỉ đào tạo ra kiến trúc sư quy hoạch lập quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch xây dựng, không đào tạo các chuyên gia lập quy hoạch như yêu cầu của Luật Quy hoạch. Trong Nghị định 37 quy định tư vấn đóng vai trò chính trong việc đề xuất cách thức tích hợp quy hoạch. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn có sự chưa thống nhất trong nhận thức của cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vân lập hoạch về phương pháp tiếp cận tích hợp quy hoạch, cho rằng tích hợp quy hoạch là viêc lập các quy hoach riêng rë trong từng chuyên ngành và tổng hợp vào một bản quy họach chung. Cả hai nội dung trên đều dẫn đến chất lượng của bản quy hoạch (theo báo cáo có bản thuyết minh quy hoạch dày cả nghìn trang) khó đáp ứng được yêu cầu, nhưng chúng ta vẫn chưa dành nguồn kinh phí thỏa đáng và ban hành các quy định bắt buộc trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực để có được đội ngũ tư vấn đáp ứng được nhu cầu.
 
Cho đến thời điểm hiện nay, việc lựa chọn tư vấn thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch cơ bản đã gần hoàn tất, các khó khăn liên quan đến việc lựa chọn tư vấn không còn nhiều, tuy nhiên áp lực về tiến độ và việc đảm bảo chất lượng quy hoạch cho chủ đầu tư và đội ngũ tư vấn vẫn rất lớn. Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 27.9.2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đặt ra mục tiêu và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đến 31.12.2022 hoàn thành phê duyệt quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo đúng quy định của Luật Quy hoạch. Thời gian còn lại để hoàn thành sự chỉ đạo của Chính phủ là khoảng 8 tháng với khối lượng công việc khổng lồ. Nhằm góp phần hoàn thành tiến độ đề ra, chúng tôi xin góp ý một số giải pháp liên quan đến công tác tư vấn như sau:
 
1. Tổ chức rà soát khối lượng còn lại trong công tác quy hoạch ở tất cả các cấp độ, tiến hành kiểm tra và đánh giá lại số lượng, chất lượng các đơn vị, cá nhân tư vấn đã được lựa chọn đang tham gia công tác thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh để xây dựng kế hoạch điều chỉnh, hỗ trợ, loại bỏ khả năng “quá tải’ công việc cho tư vấn, đảm bảo hoàn thành tất cả các đồ án đúng tiến độ.
 
2. Khẩn trương điều chỉnh hoặc có những hướng dẫn cụ thể về điều kiện chuyên môn của cơ quan tư vấn lập quy hoạch nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho các đơn vị tư vấn trong nước có kinh nghiệm được tham gia lập quy hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế khi thực hiện lập quy hoạch theo phương pháp mới, giảm bớt áp lực lên cơ quan cấp trên. 
 
3. Xây dựng các quy định cho phép lựa chọn tư vấn quốc tế tham gia quy hoạch bao gồm tiêu chuẩn, định mức chi phí, phạm vị được nghiên cứu, tính pháp lý của sản phẩm. 
4. Đánh giá lại toàn diện một số quy hoạch, đặc biệt là quy tỉnh đã được phê duyệt hoặc đang trình thẩm định… để xem xét thống nhất cách tiếp cận, nội dung, bản vẽ, chất lượng đơn vị tư vấn quy hoạch từ đó nghiên cứu điều chỉnh nội dung tích hợp, hợp phần tích hợp trong đồ án quy hoạch, xây dựng khung mẫu quy hoạch tỉnh để các ngành, địa phương tham khảo thực hiện.
 
5. Yêu cầu bắt buộc phải có tư vấn phản biện độc lập cho tất các cấp, các loại đồ án quy hoạch nhằm góp phần nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch. Giao nhiệm vụ cho các tổ chức Hội xã hội - nghề nghiệp có chức năng tư vấn phản biện, giám định xã hội, đặc biệt các Hội, Tổng hội là tổ chức có nhiều ngành nghề liên quan đến quy hoạch, xây dựng... trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tư vấn phản biện độc lập, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức được tham gia đóng góp trí tuệ của mình cho sự phát triển của đất nước bằng công việc cụ thể.
 
Tại buổi hội thảo ngày 31.3.2022 tổ chức tại trụ sở Quốc hội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có 2 tham luận đề xuất mạnh mẽ các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình thực thi Luật Quy hoạch. Nhằm hoàn thành đúng tiến độ đề ra trong việc tổ chức lập quy hoạch rất cần những giải pháp tổng thể, mà tại hội nghị này chúng tôi tiếp tục đề xuất một số nội dung liên quan đến công tác tư vấn và lựa chọn tư vấn để quý vị tham khảo. 
 
(*)(**)(***) Các báo cáo của Bình Thuận, Bắc Giang, Quảng Ninh tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội ngày 21.3.2022 - Tài liệu do Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội cung cấp.
 
 
                                                                                                                                                                                     
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
 
(Bài viết đăng trên Tạp chí Người Xây dựng số tháng 5&6-2022)
 
 

Tin cùng chuyên mục

(NXD) - sáng 10/4, Ban Đô thị HĐND thành phố thẩm tra hồ sơ Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045.
11:15 | 15/04/2024
(NXD) - Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết: Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tập trung điều chỉnh về trình tự thủ tục để giải quyết các vướng mắc ...
06:32 | 14/04/2024
(NXD) - Trong quý I, giá đất nền, căn hộ tại TP.HCM và vùng phụ cận tăng nhẹ. Trong đó, giá bán căn hộ tăng khoảng 5% so với cuối năm 2023.
11:04 | 12/04/2024
(NXD) - Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình vừa lên tiếng cảnh báo rủi ro cho những nhà đầu tư có ý định mua bán hàng loạt dự án bất động sản chưa đủ điều kiện...
09:44 | 11/04/2024
(NXD) - Tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố danh sách 46 dự án bất động sản chậm tiến độ, đáng chú ý nhiều tập đoàn lớn như Lạc Hồng, Sông Hồng Thủ đô ... cũng bị gọi ...
08:46 | 09/04/2024
(NXD) - Nhìn lại vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn, ngoài ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông, cần công tâm xem lại và cầ...
09:26 | 01/04/2024
(NXD) - Hàng loạt căn biệt thự tại Dự án Khu nhà ở Hoàn Sơn (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị biến thành các chung cư mini cho thuê trái quy hoạc...
10:33 | 29/03/2024
(NXD) - Hàng loạt công trình như: Nhà hàng ẩm thực sinh thái Lộc Vừng Đỏ (Phường 3); Nhà hàng ẩm thực sinh thái Nét Quê, Karaoke Gold (Phường 4); Nhà hàng sin...
10:06 | 29/03/2024
(NXD) - Đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các thành viên Chính phủ thảo luận làm rõ về sự cần thiết xây dựng Luật; phân loại đô thị gắn với qu...
07:01 | 28/03/2024
(NXD) - Bể bơi công cộng ở Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao quận Cầu Giấy (Hà Nội) “bỗng dưng biến mất” khiến cho người dân địa phương vô cùng bức xúc....
14:20 | 27/03/2024


TẠP CHÍ NGƯỜI XÂY DỰNG
Cơ quan chủ quản: Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Tổng biên tập: Hoàng Chiến Thắng
- Trụ sở: Số 625A đường La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 3, Tòa nhà Vilco, số 3 ngõ 70 đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội
- Văn phòng đại diện phía Nam: Số 37 Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4, TP. HCM
- Chi nhánh tại miền Trung - Tây Nguyên: Tầng 3, số 79 Quang Trung, phường Hải Châu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
- Giấy phép xuất bản báo chí in: Số 607/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đổi ngày 30/12/2022
   Mã số ISSN (International Standard Serial Number): 80668531.
- Giấy phép trang TTĐT tổng hợp: Số 112/GP-TTĐT do Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp ngày 08/07/2020
Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Hoàng Văn Lực
Phone: 0243 831 4740 - Hotline: 098 2711195
Email: nguoixaydung1986@gmail.com

 

 

 

Báo giá quảng cáo | Hợp đồng quảng cáo

© All rights reserved - Bản quyền thuộc về Tạp chí Người Xây Dựng
icon up