(NXD) -
Bộ Xây dựng đề xuất 02 phương án sử dụng độ sâu không gian ngầm theo chiều thẳng đứng trên địa bàn TP Hà Nội là 15 m, 30 m hoặc độ sâu do TP Hà Nội ban hành.

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn TP Hà Nội, triển khai chi tiết nội dung quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Thủ đô. Dự thảo Nghị định gồm có 03 Chương, 11 Điều, trong đó Chương 1 về quy định chung, có 04 Điều; Chương 2 về phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm, có 04 Điều; Chương 3 về điều khoản thi hành, có 03 Điều.
Được sử dụng không gian ngầm theo chiều thẳng đứng
Đáng chú ý, nội dung Chương 2 về phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm và quản lý sử dụng không gian ngầm, quy định phân vùng không gian ngầm gắn với quyền sử dụng, khai thác không gian ngầm bao gồm: Thứ nhất, vùng không gian ngầm gắn với phạm vi ranh giới thửa đất xây dựng công trình trên mặt đất của người sử dụng đất; Thứ hai, vùng không gian ngầm còn lại ngoài phạm vi vùng không gian ngầm đã quy định.
Trong đó, về quyền và trách nhiệm sử dụng không gian ngầm theo chiều thẳng đứng đối với vùng không gian ngầm gắn với phạm vi ranh giới thửa đất xây dựng công trình trên mặt đất, Bộ Xây dựng đề xuất 02 phương án.
Phương án 1, người sử dụng đất được quyền sử dụng không gian ngầm theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu tối đa A*m không gồm phần móng công trình và cọc kết cấu của công trình trên mặt đất, phù hợp theo quy hoạch và phạm vi bảo vệ các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công cộng ngầm theo quy hoạch.
Người sử dụng đất được lựa chọn độ sâu A=15m, mức sâu trung bình không bao gồm phần móng công trình và cọc kết cấu của công trình trên mặt đất. Theo Bộ Xây dựng, theo các tài liệu nghiên cứu của Hà Nội, 15 m là độ sâu phù hợp thuận lợi cho các hoạt động có con người. Đây cũng là độ sâu phổ biến để xây dựng các công trình dân dụng ngầm của các tổ chức, cá nhân người dân. Các tổ chức, cá nhân ít khi sử dụng đến mức sâu hơn độ sâu này nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người dân;
Hoặc lựa chọn độ sâu A=30m, mức rất sâu. Theo Bộ Xây dựng, theo các tài liệu về địa chất, 30 m là độ sâu phổ biến tới lớp đá gốc, phần dưới độ sâu này gần như không được sử dụng cho các công trình dân dụng thông thường, dưới độ sâu này chỉ có thể sử dụng cho công trình giao thông metro, các kho ngầm, công trình đặc thù khác. Các cọc móng công trình cũng ít khi sâu quá độ sâu này. Do đó gần như không ảnh đến quyền lợi của người dân.
Hình ảnh một trung tâm thương mại ngầm tại Thủ đô Hà Nội... Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.
Phương án 2, người sử dụng đất được quyền sử dụng không gian ngầm theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu tối đa theo quy định do UBND TP Hà Nội ban hành, phù hợp theo quy hoạch và phạm vi bảo vệ các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công cộng ngầm theo quy hoạch.
UBND TP Hà Nội ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định độ sâu sử dụng không gian ngầm theo từng khu vực, phù hợp với điều kiện tự nhiên, hiện trạng các công trình xây dựng trên mặt đất.
Dù là lựa chọn theo phương án nào, với quy định này, người sử dụng đất đối với phần không gian ngầm phải thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo quy định pháp luật về đất đai.
Phân quyền mạnh hơn cho TP Hà Nội
Trước đó, qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực, trong đó có những tồn tại hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch quản lý không gian ngầm…
Do đó, để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô… Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân quyền mạnh hơn cho TP Hà Nội, giao UBND TP Hà Nội chủ động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp quản lý, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi các quy định về không gian đô thị, không gian ngầm…
Phân quyền cho HĐND TP Hà Nội ban hành nguyên tắc quản lý, sử dụng khoảng không và không gian ngầm để xác định quyền sử dụng đất và điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng, các quy định về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; ranh giới chiều cao, độ sâu của công trình theo từng ô quy hoạch…
Cho phép TP Hà Nội được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong thu hút đầu tư xã hội và cơ chế thực hiện đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), trong đó TP Hà Nội quy hoạch và thu hồi đất tại vùng phụ cận và khai thác quyền sử dụng đất, không gian ngầm, không gian trên cao tại các điểm đấu nối và vùng phụ cận…
Khoản 2 Điều 19 Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn Thành phố được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt…
Luật Đất đai 2024 đã có quy định riêng tại Điều 216 về đất xây dựng công trình ngầm: Đất xây dựng công trình ngầm bao gồm đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất. Người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian dưới lòng đất sau khi được Nhà nước xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về kiến trúc.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các dự án xây dựng công trình ngầm đồng thời có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng đất xây dựng công trình ngầm phải bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…