(NXD) -
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2025, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị, trong đó phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hoá cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị tối thiểu 45%.
Trong năm 2024, mặc dù có nhiều biến động về nhân sự các cấp lãnh đạo nội bộ, biên chế công chức còn chưa đảm bảo, nhiều cán bộ chủ chốt được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp, Cục Phát triển đô thị đã nỗ lực hoàn thành 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 nhóm nhiệm vụ thường xuyên; thực hiện đầy đủ các trách nhiệm tham gia các diễn đàn quốc tế, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực phát triển đô thị.
Đồng thời, Cục Phát triển đô thị cũng phấn đấu hoàn thành nhiều nhiệm vụ đột xuất được giao, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Năm 2025, Cục Phát triển đô thị phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ đô thị hoá cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị tối thiểu 45%. Ảnh: INT
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2025, Cục Phát triển đô thị phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ đô thị hoá cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị tối thiểu 45%.
Đối với các nhiệm vụ chính trị, nhằm triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phát triển đô thị, năm 2025, trước hết, Cục Phát triển đô thị tiếp tục tập trung tổ chức nghiên cứu, soạn thảo Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị theo đúng tiến độ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2025.
Thứ hai, tổ chức triển khai nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch của Bộ Xây dựng tại Quyết định số 143/QĐ-BXD ngày 08/3/2023 thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ ba, nghiên cứu, tổ chức xây dựng Chương trình quốc gia về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2026-2030.
Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng Đề án xây dựng, phát triển một số đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển khu du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, triển khai Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị năm 2025.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030, Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.
Thứ bảy, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN).
Thứ tám, tiếp tục triển khai thực hiện các dự án ODA. Mở rộng hợp tác với các đối tác truyền thống và nghiên cứu khả năng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, NGOs theo các lĩnh vực ưu tiên của Bộ Xây dưngh và của Cục Phát triển đô thị; đẩy mạnh công tác hỗ trợ các đô thị trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài về lĩnh vực phát triển đô thị; chuẩn bị nội dung làm việc, tổ chức đoàn vào và đoàn ra theo quy định.
Đối với các nhiệm vụ công tác khác, tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự các đơn vị theo quy định; tổ chức rà soát định kỳ hàng năm quy hoạch cán bộ quản lý, các quy hoạch của tổ chức Đảng; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số đối với Cục Phát triển đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, áp dụng quy trình chuẩn ISO; tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý tài chính, tài sản công.
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, lãnh đạo Cục Phát triển đô thị kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để kiện toàn bộ máy nhân sự, bổ sung biên chế theo Đề án vị trí việc làm; đồng thời cho phép duy trì ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy hiện hành.
Cùng với đó, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực kinh nghiệm; tạo điều kiện san sẻ công việc, nhất là nhiệm vụ theo dõi phối hợp điều phối vùng đảm bảo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025.
Tính đến tháng 12/2024, toàn quốc có 900 đô thị, trong đó: 02 đô thị loại đặc biệt; 21 đô thị loại I; 39 đô thị loại II; 44 đô thị loại III; 97 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hoá cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị đạt 44,3%.