(NXD) -
Bên cạnh việc giải phóng mặt bằng khu vực phía Đông, TP Hà Nội cũng yêu cầu giải phóng mặt bằng, phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập" trước ngày 30/4 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
Cụ thể, trong tuần từ ngày 10 - 16/3/2025, lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc có một số tin tức đáng chú ý như: (1) Rạch Giá - một trong bốn đô thị động lực của vùng ĐBSCL; (2) Công nhận TP Tây Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh; (3) Quy hoạch Mũi Né hài hoà giữa phát triển du lịch với phát triển đô thị; (4) Quy hoạch khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm thành quảng trường - công viên đặc biệt; (5) Bắc Giang quy hoạch khu đô thị quy mô gần 900 ha tại thị xã Chũ; (6) Định hướng chung kiến trúc cho toàn đô thị mới Khánh Hòa.
Rạch Giá - một trong bốn đô thị động lực của vùng ĐBSCL
Dự án khu đô thị lấn biển tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: INT
Ngày 15/3, tại TP Rạch Giá, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công nhận TP Rạch Giá là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, TP Rạch Giá là đô thị loại I có phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố hiện hữu.
Khu vực nội thành gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 phường (An Bình, An Hòa, Rạch Sỏi, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lạc, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quang, Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thông), khu vực ngoại thành gồm toàn bộ địa giới hành chính của xã Phi Thông.
Trước đó, ngày 27/12/2024, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua kết quả đánh giá tiêu chí phân loại TP Rạch Giá theo tiêu chí đô thị loại I thuộc tỉnh Kiên Giang, với 86,35/100 điểm; trong đó có 36/63 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 22/63 tiêu chuẩn đạt điểm trung bình hoặc tối thiểu, 05/63 tiêu chuẩn chưa đạt điểm.
Công nhận TP Tây Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh
TP Tây Ninh. Ảnh: INT
Ngày 14/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 605/QĐ-TTg công nhận TP Tây Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh.
Phạm vi công nhận loại đô thị gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP Tây Ninh hiện hữu, trong đó khu vực nội thành gồm 07 phường (các phường 1, 2, 3, 4, Hiệp Ninh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh), khu vực ngoại thành gồm 03 xã (các xã Bình Minh, Tân Bình, Thạnh Tân).
Trước đó, đô thị Tây Ninh được công nhận là đô thị loại III vào tháng 12/2012 và 1 năm sau được công nhận là thành phố.
Ngày 21/01 vừa qua, Hội đồng thẩm định liên ngành đã thống nhất thông qua Đề án Phân loại đô thị và đề nghị công nhận TP Tây Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh, với 87,92/100 điểm. Trong đó, có 38/63 tiêu chuẩn đánh giá đạt điểm tối đa, 20/63 tiêu chuẩn đánh giá đạt điểm trung bình hoặc tối thiểu, 05/63 tiêu chuẩn chưa đạt.
Quy hoạch Mũi Né hài hoà giữa phát triển du lịch với phát triển đô thị
Khu du lịch Mũi Né, Phan Thiết. Ảnh: INT
Ngày 13/3, Hội đồng thẩm định đã tổ chức thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đồ án quy hoạch, phạm vi, diện tích khu vực lập quy hoạch là 14.760ha, trong đó khu vực TP Phan Thiết khoảng 6.625ha, khu vực huyện Bắc Bình khoảng 7.165ha và khu vực huyện Tuy Phong khoảng 970ha.
Mũi Né sẽ là khu du lịch quốc gia phát triển du lịch hài hòa với phát triển đô thị, là trung tâm du lịch với sản phẩm du lịch nổi bật gồm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch gắn với đặc trưng cảnh quan và địa hình “cát”.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né cũng được định hình phát triển theo mô hình “Một hành lang ven biển - Bốn trung tâm - Đa hướng tiếp cận biển”.
Kết quả, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua đồ án quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt sau khi tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.
Quy hoạch khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm thành quảng trường - công viên đặc biệt
Ngày 11/3/2025, TP Hà Nội ban hành Thông báo về việc quy hoạch, cải tạo không gian khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm, trên diện tích hơn 20.000m2, có khoảng 10 trụ sở cơ quan và 40 hộ dân.
Theo đó, lãnh đạo thành phố lưu ý cần điều tra, khảo sát kỹ các công trình kiến trúc có giá trị, cần bảo tồn, các công trình biểu tượng, di tích… để có phương án bảo tồn, đề xuất chức năng sử dụng phù hợp.
Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch, tổ chức không gian ngầm tại khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm (khoảng 3 tầng hầm), kết nối không gian ngầm nhà ga C9 - tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Toà nhà "Hàm cá mập" bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Đông
Ngoài ra, lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu giải phóng mặt bằng, phá bỏ tòa nhà "Hàm cá mập" trước ngày 30/4 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
Dự kiến, khu vực này sẽ được xây dựng 3 tầng hầm phía dưới Quảng trường.
Bắc Giang quy hoạch khu đô thị quy mô gần 900 ha tại thị xã Chũ
Thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: INT
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị, du lịch sinh thái, thể thao Khuôn Thần tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn (nay là thị xã Chũ).
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch thuộc xã Kiên Lao, nằm phía Tây Bắc của thị xã Chũ; cách trung tâm thị xã 9,5 km về phía Tây Bắc.
Diện tích lập quy hoạch khu đô thị khoảng 873 ha, quy mô dân số khoảng 14.976 người.
Dự án được chia thành 4 phân khu chức năng chính, gồm:
Khu A - Khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng (diện tích 230 ha, quy mô dân số 5.284 người). Khu B - Khu đô thị sinh thái và thể dục thể thao (diện tích 286 ha, quy mô dân số 3.649 người). Khu C - Khu đô thị kết hợp công viên chuyên đề (diện tích 290 ha, quy mô dân số 6.043 người). Khu D - Trung tâm thương mại dịch vụ (diện tích 67 ha, quy mô 3.928 khách lưu trú).
Định hướng chung kiến trúc cho toàn đô thị mới Khánh Hòa
Trung tâm huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: INT
UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị mới Khánh Hòa, huyện Lục Yên.
Quy chế nhằm kiểm soát việc xây dựng mới đô thị theo đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Khánh Hòa, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đến năm 2045.
Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm quản lý kiến trúc, thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; hướng tới việc quản lý thiết kế các công trình kiến trúc trên địa bàn đô thị Khánh Hòa phù hợp và đáp ứng các yêu cầu phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Yên, giai đoạn đến 2030: đô thị Yên Thế sẽ được nâng cấp từ đô thị loại V lên đô thị loại IV, là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Lục Yên; đồng thời xây dựng đô thị Khánh Hòa trở thành đô thị loại V vào năm 2025. Giai đoạn sau năm 2030, phát triển đô thị Tân Lĩnh thành đô thị loại V.