(NXD) -
Với nhiệt huyết của người đứng đầu là TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội cùng sự cố gắng của các thành viên Đoàn Chủ tịch, các ban chuyên môn và toàn thể hội viên, công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Xây dựng Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều dấu ấn.
Bám sát chủ đề hoạt động năm 2024 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam là “Nâng cao chất lượng công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội”. Ngay từ đầu năm Đoàn Chủ tịch, các ban chuyên môn cùng toàn thể hội viên tập trung trí lực, nguồn lực tham gia tích cực vào công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội thông qua các hoạt động thẩm định, góp ý chỉnh sửa các dự thảo luật.
TS Đặng Việt Dũng góp ý tại Dự án Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn do Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.
Điển hình như việc Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức họp, lấy ý kiến các chuyên gia, tham gia góp ý kiến nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Hồ sơ đánh giá chất lượng đô thị khi mở rộng nội đô thành phố Hải Phòng; Dự thảo nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị. Tham gia 04 Hội đồng, Ban soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật …
Mới đây nhất ngay những ngày đầu tháng 7, Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa phối hợp cùng Trường đại học Xây dựng Miền Trung (MUCE) và Câu lạc bộ Khối đào tạo Xây dựng và Kiến trúc trực thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Những tiến bộ trong Xây dựng, Kiến trúc, Kinh tế và Công nghệ năm 2024 – Aceat 2024”.
Tại đây, các nhà khoa học có cơ hội trao đổi và thảo luận về những nội dung chuyên môn và công bố kết quả mới nhất về các lĩnh vực: xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc - quy hoạch, kinh tế, kỹ thuật và công nghệ, …. Đồng thời cũng là cơ hội để các tổ chức, cá nhân gặp gỡ, ký kết hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo của các nhà khoa học, các kỹ sư, nghiên cứu sinh, cán bộ giảng dạy, các nhà quản lý, doanh nghiệp và sinh viên cùng trao đổi và thảo luận tại phiên toàn thể cũng như ở các tiểu ban xoay quanh nhiều chủ đề. TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi lĩnh vực kinh tế, giáo dục, chính trị và đời sống xã hội việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yêu cầu khách quan cho sự phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng đã đưa ra nhiều yêu cầu quan trọng liên quan đến đổi mới công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, trong đó khuyến khích các trường đại học gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và kinh doanh, đảm bảo các kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Trước đó vào cuối tháng 6, tại Hội thảo Khoa học "Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương", TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch THXDVN mang đến Hội thảo nhiều gợi ý mang tính gợi mở, định hướng, cũng như giải pháp để giúp Ninh Bình phát triển bền vững.
TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch THXDVN tham dự Hội thảo Khoa học "Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương".
Cụ thể tại phiên thảo luận với hai nội dung "Kiến tạo thể chế" và "Hành động địa phương" . TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng hướng đi của Ninh Bình theo hướng phát triển đô thị di sản, tập trung phát huy các giá trị độc đáo, tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng kết hợp giữa bảo tồn, phục dựng và phát triển kinh tế di sản, thúc đẩy tăng trưởng xanh là đúng đắng.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm quản lý thực tiến TS. Đặng Việt Dũng nêu ra những khó khăn, thách thức Ninh Bình sẽ phải đối diện. Đầu tiên là thiếu khái niệm, định nghĩa về đô thị di sản, điều này sẽ gây khó cho Ninh Bình trong trình quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, khi trình quy hoạch phải lấy trọng tâm là gì?
Thứ hai, do thiếu thể chế lại là địa phương tiên phong theo hướng phát triển đô thị di sản, đòi hỏi sự nỗ lực của cả bộ máy chính quyền Ninh Bình. Bên cạnh đó, Ninh Bình cần phải chuẩn bị nguồn lực lớn, bởi bên cạnh việc bảo tồn di sản, Ninh Bình còn rất nhiều lĩnh vực phải đầu tư, điều này đòi hỏi nguồn lực lớn.
Thứ ba, khi xác định phát triển đô thị di sản nhưng mô hình chưa có, điều này đặt ra chất lượng đội ngũ con người làm sao có thể đáp ứng được những nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ đạo đặc biệt tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc triển khai. Do đó cần có kế hoạch để đào tạo đội ngũ nhân sự để phù hợp với nội dung đang dự kiến triển khai.
Vào giữa tháng 4/2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn. TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học được mời đến dự và đóng góp ý kiến. Theo đó góp ý cho Dự án Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn TS. Đặng Việt Dũng chỉ ra những điểm bất cập, chồng lấn giữa các luật và Dự án luật, đồng thời cho rằng điều này cần phải được xem xét kỹ.
Theo người đứng đầu Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong khi Luật Quy hoạch 2017 quy định phân cấp hành chính lãnh thổ thì dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn vừa theo hành chính lại có phần kỹ thuật, chuyên ngành.
“So sánh giữa 2 luật lại có các quan điểm khác nhau. Chúng tôi đề xuất là sẽ phân hẳn ra quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch chuyên ngành…”, TS. Đặng Việt Dũng nêu ý kiến.
Cũng trong tháng 4/2024, THXDVN đã tổ chức tọa đàm trực tuyến đóng góp ý kiến dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung vào các quy định chi tiết thi hành một số nội dung liên quan đến Luật Xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Trong đó, liên quan đến nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đại biểu tập trung bàn luận các vấn đề như: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng; Khảo sát xây dựng; Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; Xây dựng công trình đặc thù và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài; quản lý năng lực hoạt động xây dựng; hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Bảo Chung