(NXD) -
Sáng 22/11, Quốc hội thống nhất chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 6, chuyển sang kỳ họp gần nhất, với 453/459 tán thành, chiếm 91,7% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết.
Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo chương trình kỳ họp, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được biểu quyết thông qua ngày 29/11. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu. Việc rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: quochoi.vn.
Vì vậy, sau khi thống nhất với Chính phủ, UBTVQH báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ Kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất, giúp các cơ quan có thời gian tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết về nội dung đề xuất của UBTVQH. Kết quả, 91,70% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, tương đương 453/459 số phiếu tán thành điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn 14 vấn đề có 2 phương án xin ý kiến Quốc hội.
Đại biểu tham gia biểu quyết. Ảnh: quochoi.vn.
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại phiên họp của Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 03/11/2023 cho biết, trong cả ngày 03/11, đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận, còn 72 đại biểu chưa phát biểu. So với Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều nội dung, nhiều vấn đề quan trọng đã được thể chế hóa. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau. Các ĐBQH thống nhất với nhiều nội dung nhưng cũng tham gia nhiều ý kiến cụ thể.
Đối với các vấn đề đang được trình Quốc hội 2 phương án, nhiều ĐBQH đã tập trung thảo luận, thể hiện chính kiến, lựa chọn phương án và đề xuất phương án hợp lý hơn. Đây là cơ sở để UBTVQH tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét phương án khả thi nhất…