(NXD) -
Bộ Xây dựng đề xuất cho phép lập và phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực hình thành đô thị động lực đồng thời với trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị.
Để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh về quy hoạch phân khu đô thị khi thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, Bộ Xây dựng đã dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù trong lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực hình thành đô thị động lực khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, theo trình tự rút gọn.
Giải quyết kịp thời vướng mắc về quy hoạch
Dự thảo Nghị định có 05 Điều, quy định cụ thể về: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Cơ chế, chính sách đặc thù về lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực hình thành đô thị động lực; Hiệu lực thi hành; và trách nhiệm thi hành.
Theo dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép lập và phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực hình thành đô thị động lực đồng thời trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị cho trường hợp:
(1) Đô thị thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
(2) Các khu vực dự án khu đô thị được UBND cấp tỉnh xác định có động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có quy mô dân số dự báo trên 50.000 người, việc quy định con số này theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính thì quy mô dân số tối thiểu của đơn vị hành chính cơ sở đô thị (phường) là 50.000 người.
Việc tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị theo cơ chế đặc thù phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu như: (1) Phạm vi lập quy hoạch căn cứ trên cơ sở rà soát, đánh giá, xác định tính chất, chức năng và khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự kiến lập quy hoạch phân khu trong tổng thể yêu cầu phát triển của đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến và phạm vi phát triển đô thị theo phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
(2) Trình tự, thủ tục, trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch phân khu theo cơ chế đặc thù thực hiện như sau: UBND cấp tỉnh tổ chức lập hoặc phân cấp, ủy quyền lập quy hoạch phân khu. Cơ quan chuyên môn quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh tổ chức thẩm định, báo cáo UBND cấp tỉnh phê duyệt. Chính quyền địa phương có liên quan đến khu vực lập quy hoạch phân khu và cơ quan chuyên môn quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh phải chủ động tham gia quá trình chỉ đạo, tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch để bám sát, kịp thời xử lý các yêu cầu phát sinh trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
(3) Nội dung quy hoạch phân khu được lập, điều chỉnh theo cơ chế đặc thù phải bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch đô thị, các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về phát triển đô thị trong tình hình mới.
Bộ Xây dựng đề xuất thời gian áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù này là 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Không để đình trệ việc triển khai dự án đầu tư
Theo Bộ Xây dựng, quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch đô thị, việc lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị chỉ được thực hiện khi có cơ sở từ quy hoạch cấp trên là quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.
Tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ chính trị, Ban bí thư đã chỉ đạo các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể Trung ương nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Việc sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là một chủ trương lớn mang tính chiến lược và có tác động tích cực là mở rộng không gian phát triển, ổn định, lâu dài tạo thuận lợi trong định hướng phát triển bền vững đô thị.
Thực hiện chủ trương này, cần thiết phải điều chỉnh các quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung các đô thị, từ đó mới có cơ sở lập hoặc điều chỉnh các quy hoạch phân khu để triển khai các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, việc lập các quy hoạch theo trình tự, tuần tự thứ bậc các quy hoạch như trên sẽ mất thời gian từ 1 - 2 năm.
Trong khi đó, nhiều khu vực phát triển đô thị động lực của các địa phương chưa có trong quy hoạch hoặc cần điều chỉnh quy hoạch sẽ không thể triển khai.
Do đó, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, không để gián đoạn, đình trệ việc triển khai các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù cho phép lập hoặc điều chỉnh các quy hoạch phân khu đô thị đồng thời với quá trình lập, điều chỉnh các quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung các đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Đây là vấn đề cấp bách, quan trọng ở địa phương, cần thiết phải giải quyết sớm để đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị, trong đó gồm các dự án NƠXH, các dự án động lực cần khởi công chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 14; đồng thời, là hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng 8% của đất nước trong năm 2025.
Việc quy định về cơ chế, chính sách đặc thù trong lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực hình thành đô thị động lực đồng thời trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị tại dự thảo Nghị định nhằm phù hợp với tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn cơ bản không thay đổi so với quy định hiện hành; Dự thảo Nghị định không sửa đổi quy định về kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.