(NXD) -
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các công trình thủy lợi không chỉ là đê, hồ chứa, trạm bơm điều tiết… đứng riêng lẻ mà cần nhìn rộng ra với khả năng kết nối các đô thị, công trình đô thị.
Chiều 24/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến để nghe báo cáo, cho ý kiến về Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình, lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ NN&MT đã báo cáo tóm tắt về Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, các quy hoạch nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp và phát triển bền vững nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long có xét đến tác động của BĐKH, phát triển thượng nguồn, phục vụ đa mục tiêu; chủ động tiêu thoát nước cho nông nghiệp kết hợp tiêu cho đô thị, công nghiệp,… trong hệ thống thủy lợi.
Đồng thời, phòng, chống lũ, sạt lở, sụt lún và xâm nhập mặn cho lưu vực sông; cải tạo môi trường nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước của 2 lưu vực đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi hàng năm, 5 năm và dài hạn trên 2 lưu vực.
Đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có những góp ý để hoàn thiện 2 quy hoạch liên quan đến tên gọi, phạm vi, nội hàm của quy hoạch; đánh giá sự phù hợp của quy hoạch; đề xuất các phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các công trình thủy lợi không chỉ là đê, hồ chứa, trạm bơm điều tiết… đứng riêng lẻ mà cần nhìn rộng ra với khả năng kết nối các đô thị, công trình đô thị - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh 2 quy hoạch có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương tại lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình, sông Cửu Long trong bối cảnh BĐKH, ảnh hưởng của sự thay đổi nguồn nước thượng nguồn, sức ép phát triển kinh tế - xã hội khiến công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước tích hợp, đa mục tiêu trở nên rất cần thiết, cấp bách.
Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, làm rõ các ý kiến tại cuộc họp, trong đó cần thống nhất, gắn kết chặt chẽ quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình, sông Cửu Long với các quy hoạch khác, cùng với tư duy thiết kế mở và động.
Cũng theo Phó Thủ tướng, việc đầu tư các công trình thủy lợi không chỉ giải quyết các vấn đề thủy lợi mà rộng lớn hơn là tham gia thiết kế không gian phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, do đó phải có bộ tiêu chí, lập luận khoa học, thuyết phục để đưa ra lựa chọn trách nhiệm nhất.
Cống Báo Đáp thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Minh Phúc.
Lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam có diện tích 88.860 km2, thuộc 25 tỉnh, thành phố, với dân số khảng 34 triệu người.
Trên lưu vực sông này có khoảng 2.260 công trình thủy lợi, cấp nước cho 860.000 ha đất canh tác, 151.000 ha nuôi trồng thủy sản, 870 triệu m3 nước sinh hoạt công nghiệp, tiêu thoát nước cho 1,37 triệu ha.
Trong khi đó, lưu vực sông Cửu Long có diện tích 39.400 km2, thuộc 13 tỉnh, thành phố với dân số 17,5 triệu người.
Toàn vùng ĐBSCL có 15 hệ thống thủy lợi (7 liên tỉnh, 8 nội tỉnh), trên 91.700 km kênh, gần 30.000 cống, hơn 3.500 trạm bơm, 22 hồ chứa… phục vụ cho 2,5 triệu ha đất sản xuất.