(NXD) -
Nhìn lại vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn, ngoài ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông, cần công tâm xem lại và cần thay đổi tư duy việc quy hoạch, thiết kế đầu tư và quản lý vận hành đường cao tốc hiện nay…
Tuyến đường 2 làn xe: Không thể gọi là cao tốc
Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ (Quảng Trị)-La Sơn (Thừa Thiên Huế) dài 98,3km, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, kết nối cao tốc La Sơn-Túy Loan dài 77,5km đã khai thác trước đó, tạo thành tuyến cao tốc dài 178,6km nối liền các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với TP. Đà Nẵng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng, giảm mật độ xe ô tô lưu thông trên Quốc lộ 1A vốn đang quá tải.
Sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế ngày 18/2 khiến ba người trong một gia đình tử vong, lực lượng chức năng xác định do tài xế ô tô con chở những người gặp nạn nói trên vượt sai quy định. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý, chuyên gia giao thông và tài xế chạy tuyến Bắc-Nam đã nêu ra những bất cập về hạ tầng ở tuyến đường này.
Trong đó, là không đảm bảo các tiêu chuẩn của đường cao tốc là nguyên nhân xảy ra dồn dập những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng kể từ khi đưa vào sử dụng từ năm 2021 đến nay.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế ngày 18/2/2024
Những bất cập đang tồn tại trên tuyến cao tốc này là: Cao tốc chỉ có 2 làn đường; có một số đoạn thắt nút cổ chai; gần như không có hệ thống đèn chiếu sáng cao áp bên đường, không có hệ thống camera giám sát...
Theo ghi nhận, hầu hết các vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian qua là do đối đầu giữa 2 xe ngược chiều. Song, bất cập lớn nhất dẫn đến tai nạn là mặt đường quá hẹp, không có con lươn hoặc dải phân cách cứng ở giữa.
Đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn như hiện nay không thể gọi là cao tốc được. Nguyên nhân, những tuyến cao tốc khác trên cả nước đã và đang đầu tư đầu đều 4 làn đường, trong khi cao tốc Cam Lộ-La Sơn lại thắt nút cổ chai, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ nên rất dễ gây ra tai nạn.
Ngoài việc đầu tư thêm 2 làn đường, tuyến cao tốc này cần tăng cường các biển báo; nâng cấp, gia cố hệ thống đường gom; bổ sung các kết cấu hộ lan, hốc cứu hộ, cứu nạn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng như lắp đặt thêm camera giám sát và xử lý nghiêm các tài xế vượt ẩu, chạy quá tốc độ…
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nhiều đường cao tốc ở nước ta, trong đó không ít đoạn tuyến thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã phải đầu tư xây dựng không đạt đúng chuẩn cao tốc, cụ thể là chỉ xây được 2 làn.
“Do nguồn vốn phân bổ không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư, hạ tầng đường cao tốc còn bất cập như đường quá hẹp, không có làn khẩn cấp…nên hàng loạt đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam mới được đưa vào khai thác bị giới hạn tốc độ, nên không thể gọi là cao tốc được” ông Thủy nói.
Tuyến đường Cam Lộ-La Sơn như hiện nay chưa thể gọi là cao tốc.
Theo PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, đường cao tốc đúng chuẩn phải có dải phân cách giữa, không được giao cắt đồng mức, có làn dừng khẩn cấp, có công trình hạ tầng dịch vụ đi theo như trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, thời gian qua, do điều kiện tài chính khó khăn nên Việt Nam áp dụng phân kỳ đầu tư, dẫn đến một số tuyến cao tốc không hội tụ đủ những tiêu chuẩn này.
Theo ông Chủng, ở nước ngoài, lái xe phải lập lộ trình để trên đường đi mấy trăm km sẽ dừng nghỉ ở trạm nào. Trong đó, khoảng cách 60km cần có những điểm dừng phục vụ sinh hoạt thông thường của người dân (nghỉ ngơi, uống nước, nhà vệ sinh,…); khoảng cách 120km trở lên cần những trạm dừng nghỉ lớn hơn (có cây xăng, nhà nghỉ). Song ở Việt Nam xảy ra tình trạng chỉ chú tâm vào làm đường, còn lãng quên những tiêu chí này.
Thiếu Quy chuẩn đường cao tốc
Trả lời trên báo Tiền Phong, TS. Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA đánh giá việc liên tục xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho việc xây dựng đường cao tốc.
Theo ông Đức, ngoài ý thức của tài xế, còn có một số nguyên nhân từ việc một số tuyến đường cao tốc ở Việt Nam không có làn dừng khẩn cấp, không có trạm dừng nghỉ, không đạt tiêu chuẩn tối thiểu của đường cao tốc, nhưng vẫn được đầu tư, cho vào hoạt động.
Ông Đức cho rằng, hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc. Do đó, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy hoạch. Tuy nhiên, các quy định này chưa có tính đồng bộ, dẫn đến việc một số tuyến đường cao tốc được đầu tư không đạt tiêu chuẩn tối thiểu.
Được biết, ngay sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, GTVT và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về khắc phục hậu quả.
Đồng thời Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chủ trì tổ chức hội nghị với các cơ quan, lực lượng chức năng đánh giá nguyên nhân, triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện Bộ GTVT đang dự thảo Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc. Theo đó, đường cao tốc được phân làm các cấp như sau: Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80km/h; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100km/h; Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120km/h và được nghiên cứu, thiết kế riêng.Trong đó, cấp 80 km/h chỉ áp dụng với vùng núi, đồi cao, nơi có địa hình khó khăn, hoặc trong trường hợp phân kỳ đầu tư. Việc chọn cấp cao tốc phải phù hợp các yếu tố kinh tế - kỹ thuật - xã hội.
Riêng đường cao tốc có thể được phép thiết kế tốc độ 60 km/h để giảm kinh phí đầu tư, nhưng chỉ áp dụng với vùng đặc biệt khó khăn về địa hình. Bộ GTVT đề xuất, đường cao tốc hoàn chỉnh phải có tối thiểu 2 làn xe cho mỗi chiều, tổng 4 làn xe chạy. Đáng chú ý, cứ khoảng từ 15 km đến 25 km phải bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường để người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và tự bảo dưỡng xe; vị trí có thể được chọn xa đường từ vài chục đến hàng trăm mét.
Cứ khoảng từ 50 km đến 60 km bố trí một trạm dịch vụ kĩ thuật thông thường, có khả năng cấp xăng, dầu, sạc điện, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn. Cứ khoảng từ 120 km đến 200 km bố trí một trạm dịch vụ lớn, có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, sạc điện ngoài ra còn có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn, văn phòng chỉ dẫn du lịch, chỉ dẫn trung chuyển…