(NXD) -
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 dự án: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Chiều 13/6, trước khi bế mạc phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại các điều từ Điều 253 đến Điều 260 Luật Đất đai cho phép có hiệu lực từ ngày 1/1//2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Đối với các nội dung không phải quy định chi tiết thì thực hiện ngay, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất. Chính phủ khẳng định, có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật sẽ được ban hành, đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành ngay khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc đưa các luật sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn, mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. Việc đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp thứ 7 cũng đã được báo cáo và được cấp có thẩm quyền đồng ý.
Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc sửa đổi hiệu lực sớm hơn 5 tháng đối với các luật mới được thông qua, chưa có hiệu lực; có nhiều nội dung mới, quan trọng, phức tạp, tác động lớn cần phải được cân nhắc hết sức thận trọng.
“Thay vào đó, nên dành thời gian còn lại để chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả khi triển khai”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết thêm, có thể xem xét nếu hồ sơ dự án Luật, dự thảo Luật bổ sung thêm những giải pháp để bảo đảm điều kiện thi hành; hoàn thiện nội dung điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý do hiệu lực của luật và điều khoản chuyển tiếp khác nhau; không gây ra mâu thuẫn với các luật liên quan và có giải pháp để khắc phục những tác động bất lợi (nếu có).
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh hiệu lực thi hành các luật đã được thông qua.
"Chính phủ đã rất nỗ lực, hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế đã rất trách nhiệm, khách quan và toàn diện, thực hiện thẩm tra nhiều vấn đề cần phải thực hiện, đảm bảo tính khả thi của luật. Đồng thời, thể hiện quan điểm ủng hộ chủ trương để 4 luật sớm đi vào cuộc sống" - Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Ủy ban Thường vụ cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương, sớm ban hành việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn, đảm bảo chất lượng, tiến độ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành luật từ 1/8/2024.
Cùng với đó, rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại các luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật; nhận diện rõ đầy đủ rủi ro, thách thức, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật để có giải pháp kiểm soát, khắc phục.
“Chính phủ cần cam kết, chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội, nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật như thuyết minh trong tờ trình của Chính phủ”, ông Hải nêu rõ.
Anh Thư