(NXD) -
Loa Thành là giải thưởng thường niên được tổ chức bởi Bộ Xây dựng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trải qua 36 năm phát động, giải thưởng Loa Thành đã trở thành một sân chơi bổ ích của sinh viên năm cuối các trường đại học đào tạo chuyên ngành về xây dựng và kiến trúc.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người Xây dựng, TS. Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Chuyên ngành Công trình Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, đồng thời là ban giám khảo giải thưởng Loa Thành 2024 cho biết: “Giải thưởng Loa Thành là giải thưởng truyền thống có ý nghĩa rất lớn, không chỉ tôn vinh tài năng của các bạn trẻ mà còn góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, giải thưởng còn một số hạn chế nhất định”.
TS. Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Chuyên ngành Công trình Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị Giải thưởng Loa Thành 2024
Một trong những vấn đề được TS. Trần Anh Tuấn nhấn mạnh là sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn. Các trường đại học thường tập trung vào việc trang bị cho sinh viên những kiến thức lý thuyết, trong khi các doanh nghiệp lại cần những ứng dụng thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng các đồ án tốt nghiệp đôi khi còn khá xa rời thực tế và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Ngoài ra, việc các nhà trường giới hạn về số lượng trình bày đồ án không được vượt quá 120 trang đã tạo ra rào cản, thiệt thòi đối sinh viên khi có mong muốn tham gia giải thưởng. Đây cũng là quy định gây khó khăn đối với hội đồng chấm giải khi phải mất thời gian hoàn lại hồ sơ đồ án của sinh viên. Để cải thiện vấn đề đó, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng cần có sự thống nhất giữa các trường về yêu cầu đối với đồ án và nên tạo điều kiện để sinh viên có thể thoải mái trình bày ý tưởng của mình.
Mặc dù đã trải qua 36 năm tổ chức, nhưng số lượng đồ án tham gia giải thưởng trong những năm gần đây có xu hướng giảm, đặc biệt là ở chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị. Một trong những lý do được TS. Trần Anh Tuấn đưa ra là bởi các tiêu chí chấm điểm cho ngành này còn khá cứng nhắc.
Cụ thể, ngành Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường chỉ có một tiêu chí chấm điểm cho tất cả lĩnh vực trong ngành bao gồm: giao thông, cấp thoát nước, cấp thoát điện, chất thải rắn, môi trường… Việc đặt ra một tiêu chí chấm điểm chung cho toàn bộ ngành chưa phù hợp với đặc thù riêng của từng lĩnh vực.
Ngoài ra, tiêu chí số 2 trong yêu cầu của Giải thưởng đề cập đến công nghệ hiện đại và tính độc đáo, sáng tạo hiện còn rất hạn chế trong các đồ án của sinh viên, TS. Trần Anh Tuấn cho biết: “Tiêu chí này chưa phù hợp với mức độ và kinh nghiệm của sinh viên ngành Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường khi đưa ra yêu cầu này. Điều này gây ra sự chêch lệch điểm với các ngành khác trong quá trình ban giám khảo chấm giải”.
Nhằm nâng cao sức lan tỏa và uy tín của Giải thưởng Loa Thành, TS. Trần Anh Tuấn đề xuất tổ chức rà soát đánh giá định kỳ, từ đó rút kinh nghiệm và cải tiến theo hướng mở rộng quy mô lên cấp quốc gia. Những sinh viên đoạt giải trong các năm trước nên được theo dõi và khảo sát về tác động thực tiễn của giải thưởng đối với họ, để có thể đo lường được giá trị thực tiễn của giải thưởng trong ứng dụng nghề nghiệp.
Để các đồ án dự thi của sinh viên đáp ứng với nhu cầu xã hội hiện đại, TS. Trần Anh Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, cần một sự kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Sự đồng hành của doanh nghiệp là nền tảng để Giải thưởng Loa Thành tiếp tục là niềm tự hào và động lực cho các thế hệ sinh viên ngành xây dựng và kiến trúc, góp phần phát triển ngành công nghiệp xây dựng của đất nước trong tương lai.
Mai Chi