(NXD) -
Theo báo cáo mới nhất của các địa phương, đến nay đã có 13 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, 50 địa phương khác chưa ban hành.
Chiều 08/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS năm 2023.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản - Ảnh: VGP.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Ngay sau khi Quốc hội khóa XV thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành hai luật này, nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết.
Cụ thể, ngày 09/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-TTg về danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 6.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 công điện, đó là Công điện số 53/CĐ-TTg ngày 26/5/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Các tổ chức tín dụng; Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/2024 về việc tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật theo thẩm quyền, cụ thể có 7 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo về việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS - Ảnh: VGP/Minh Khôi.
Về kết quả, đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 nghị định và 01 quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.
Đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ, ngành, Bộ Xây dựng đã ban hành 02 thông tư và 02 quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa ban hành hoặc chưa sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 02 luật trên.
Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất của các địa phương, đến nay đã có 13 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, gồm: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau; 50 địa phương chưa ban hành. Trong đó: 10 địa phương đã hoàn thiện việc xây dựng và đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành; 40 địa phương đang trong quá trình xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.
“Bộ Xây dựng cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo nhiệm vụ được giao tại 02 luật trên”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận Hội nghị: Việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực trước 5 tháng là yêu cầu từ thực tiễn, hết sức cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai các cơ chế, chính sách mới tạo thuận lợi hơn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo địa phương nắm chắc danh mục văn bản cần ban hành, tình hình, tiến độ thực hiện; chỉ rõ những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực và có giải pháp khắc phục với tinh thần "quyết liệt nhưng phải ra kết quả cụ thể".
Các địa phương có thể xem xét hình thức rút gọn khi ban hành những văn bản kế thừa chính sách cũ, đã được quy định trong luật; thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đối với văn bản phức tạp, mức độ ảnh hưởng, tác động lớn.