Phát triển đô thị Việt Nam bền vững và thịnh vượng

06:48 | 22/01/2023
(NXD) - Hàng loạt chính sách lớn về phát triển đô thị thời gian qua cho thấy sự quyết tâm, thống nhất nhận thức và hành động của ngành xây dựng trong việc bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, sự phối hợp tốt với các bộ ngành...
 
 
Đô thị hiện là động lực phát triển kinh tế của các vùng, miền trên cả nước. Nghị quyết 06-NQ/TW đã xác định mục tiêu kinh tế đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững với chỉ tiêu kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Đến năm 2045, cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn. Các đô thị cần đánh giá về thực trạng và dự kiến đóng góp của kinh tế đô thị trong GRDP, thu ngân sách từ đô thị trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện các định hướng mới trong phát triển kinh tế như kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa, khai thác nguồn lực từ các chương trình tái thiết đô thị.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng lưu ý, không nhất thiết tất cả mọi đô thị đều cần phải trở thành những trung tâm kinh tế lớn. Việc rà soát vai trò, vị trí, tính chất đô thị để xác định quy mô phát triển kinh tế đô thị phù hợp là rất quan trọng để các đô thị, địa phương xác định hướng đi cho mình. Phát triển kinh tế đô thị bên cạnh việc chú trọng đến tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ trong cơ cấu kinh tế cần phải đặc biệt chú trọng kiểm soát việc khai thác sử dụng quá mức nguồn lực đất đai, thiếu định hướng, quy hoạch, mặc dù có thể tạo ra tăng trưởng nóng trong giai đoạn ngắn trước mắt nhưng về lâu dài sẽ thiếu bền vững nếu không tạo dựng được các hoạt động kinh tế.
 
Các đô thị cần đẩy mạnh sự chủ động, sáng tạo để phát huy kinh tế đô thị từ chính nội lực đô thị trên cơ sở thế mạnh, vai trò và lợi thế cạnh tranh của mình, khuyến khích lộ trình chuyển đổi sang hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu đô thị một cách bài bản thông qua các nhóm giải pháp sáng tạo bao gồm cả việc tạo dựng các hình ảnh kiến trúc điểm nhấn đô thị.
 
 
Về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh. Theo Bộ trưởng, nội dung này thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, nâng cao năng lực thích ứng và hướng đến quản lý đô thị thông minh hơn.
 
Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương cần quan tâm chú trọng 03 nhóm giải pháp: i) Xây dựng và phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng để thiết thực thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 vừa qua; ii) Xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), chú trọng các giải pháp tổng thể từ quy hoạch đô thị, lựa chọn địa điểm cho đến các giải pháp công trình và phi công trình, giải quyết vấn đề ngập úng, thoát nước, sạt trượt trong đô thị và các tác động khác do ảnh hưởng từ BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan có thể xảy ra; iii) Xây dựng đô thị thông minh, bao gồm quy hoạch đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh, tiện ích đô thị thông minh với cơ sở dữ liệu đô thị thông minh.
 
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về chương trình, kế hoạch phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là cơ sở, gợi ý để các địa phương xác định các chương trình, đề án cụ thể để triển khai thực hiện tại địa phương.
 
Về nguồn lực thực hiện phát triển đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ rõ, dựa trên việc phân tích, đánh giá và xác định các chỉ tiêu nêu trên, các địa phương tổng hợp các hành động theo các chương trình cụ thể, có dự trù tổng nguồn lực và nguồn lực cụ thể cho từng nhiệm vụ cần đạt được của mỗi giai đoạn theo các chương trình, đề án, dự án cụ thể, bao gồm từ việc đầu tư phát triển hình thành mới đô thị, các chương trình đầu tư khắc phục các chỉ tiêu còn thiếu, còn yếu, các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị, các đề án phát triển đô thị thông minh hay các đề án hoàn thiện các công cụ quản lý như quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị v.v.
 
Việc xác định cụ thể các nguồn lực theo các nhiệm vụ và tổng nguồn lực giúp các đô thị đến gần hơn với bài toán thực hiện. Các địa phương cũng cần xác định rõ các nguồn lực đã có và đề xuất nguồn lực cần được bố trí hỗ trợ để thực hiện.
 
 
Tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 (ngày 30/11/2022), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục tiêu chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về Hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.
 
Trong đó, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950 - 1.000 đô thị năm 2025 và khoảng 1.000 - 1.200 đô thị năm 2030. Đến năm 2025, 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2030.
 
Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28 m2 năm 2025 và 32 m2 năm 2030. Kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% năm 2025 và khoảng 85% năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030.
 
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 33 nhiệm vụ cụ thể theo 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu.
 
 
Nghị quyết số 06-NQ/TW đã xác định các chỉ tiêu bình quân trên phạm vi cả nước về tỷ lệ đô thị hóa, số lượng đô thị, tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030. Đây là những chỉ tiêu quan trọng định hình tốc độ phát triển đô thị của hệ thống đô thị trên cả nước hướng tới mục tiêu kiểm soát chất lượng đô thị hóa, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo sự tương xứng, phù hợp giữa tốc độ đô thị hóa về dân cư và sử dụng đất dành cho xây dựng đô thị.
 
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ rõ, các địa phương cần đánh giá đúng thực tế tình hình phát triển của hệ thống đô thị toàn tỉnh, đặt ra các chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa phù hợp khả năng phát triển thực tế cho giai đoạn tới, không nhất thiết mọi địa phương đều phải đạt được mức trung bình chung của cả nước là 45% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, hiện nay, có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ đô thị hóa tại các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương trên các vùng miền trong cả nước. Trong khi tỷ lệ đô thị hóa tại một số thành phố lớn rất cao (70 - 80%) như TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh, TP Cần Thơ thì một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc có tỷ lệ rất thấp (chỉ khoảng 15%).
 
Do đó, việc đặt ra mục tiêu đô thị hóa đạt đồng đều cho tất cả các tỉnh/thành sẽ là không hợp lý. Hơn nữa, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam (hiện tại là khoảng 40,5%) thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa bình quân của ASEAN (là 46,5%), xếp hạng 7/10 của ASEAN (chỉ cao hơn các nước Lào, Campuchia, Myanma). Do đó, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển.
 
 
 
 
Nghị quyết 06-NQ/TW đã xác định “Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị”.
 
Đối với hạ tầng kỹ thuật, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, các địa phương cần chú trọng vào đánh giá một số các nhóm chỉ tiêu gồm: đất dành cho giao thông đô thị, năng lực thông hành giao thông, tỷ lệ vận tải công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải đô thị, chiếu sáng đô thị… Đặc biệt, giao thông đô thị cần chú ý đến chỉ tiêu phản ánh năng lực thông hành giao thông. Tỷ lệ đất cây xanh tại hầu hết các đô thị tại Việt Nam hiện nay đều ở mức rất thấp, cần hết sức chú trọng dành đất ngay từ các bước lập quy hoạch và kiểm soát tổ chức triển khai đầu tư theo đúng quy hoạch, tránh điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất khác, đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh trong các khu ở, cây xanh công viên trong các đô thị.
 
Về xử lý rác thải cần có tầm nhìn quy hoạch dài hạn, lựa chọn địa điểm, công nghệ xử lý phù hợp, hạn chế tối đa việc chôn lấp. Xử lý nước thải sinh hoạt cần có lộ trình từng bước, trước mắt xử lý triệt để tại các khu vực phát triển mới và từng bước cải tạo hệ thống thu gom xử lý tại các khu vực cũ.
 
Tại các đô thị, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật diện rộng, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối luôn đòi hỏi một nguồn lực đầu tư lớn và thường khó có khả năng xã hội hóa (công trình xử lý rác, xử lý nước thải sinh hoạt…) và thường trông chờ vào nguồn ngân sách từ Nhà nước. Mặt khác tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, liên tục gây áp lực lên hệ thống hạ tầng. Vì vậy, các địa phương cần tính toán rõ bài toán về đầu tư hạ tầng cơ bản, xác định nguồn lực và xây dựng cụ thể lộ trình thực hiện để chủ động trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị.
 
 
Đối với hạ tầng xã hội, cần rà soát các chỉ tiêu về cơ sở thương mại, trường học, y tế, giáo dục, trung tâm văn hóa, thư viện… để đảm bảo tiện ích cho người dân và duy trì các kết nối xã hội, tạo nên chất lượng sống tốt trong đô thị. So với các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình hạ tầng xã hội dễ có khả năng kêu gọi xã hội hóa hơn. Tuy nhiên, trong tính toán chỉ tiêu hạ tầng xã hội, cần lưu ý các công trình hạ tầng xã hội nằm trong một số đô thị loại II trở lên có thể có chức năng phục vụ cấp vùng ngoài việc phục vụ cho chính đô thị. Do vậy, quy mô các công trình này cần được tính toán đảm bảo khả năng phục vụ trong phạm vi vùng.
 
Đối với hạ tầng số, việc phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng số tại các quốc gia và đô thị là xu hướng phát triển của thế giới nói chung để tiến tới chuyển đổi số, thành lập chính phủ số, là nền tảng của phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển đô thị thông minh. Mục tiêu này đã được xác định trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Các thành phần để xây dựng hạ tầng số gồm thiết bị kết nối (máy móc điện tử), dữ liệu (gồm cơ sở dữ liệu, công nghệ, quy trình vận hành cơ sở dữ liệu) và ứng dụng (công cụ khai thác dữ liệu như áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, cơ sở dữ liệu lớn Big data). Ngoài ra các địa phương cần quan tâm đến hoàn thiện hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực để từng bước xây dựng nền tảng hạ tầng số tương xứng với nhu cầu và tốc độ phát triển của địa phương.
 
 
Trong một thời gian dài, việc phát triển đô thị đã tập trung vào phát triển đô thị và khu đô thị mới. Việc cải tạo chỉnh trang chưa được chú trọng do nhiều nguyên nhân khách quan như: các khu vực đô thị hiện hữu đã trải qua quá trình phát triển phức tạp; nhiều nơi vốn là các làng, xã nông thôn đô thị hóa; hệ thống hạ tầng đô thị xuống cấp, việc cải tạo chỉnh trang có nhiều vướng mắc về cơ chế sở hữu; hạn chế nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, nếu không tháo gỡ thì tồn tại này sẽ trở thành điểm nghẽn trong phát triển, tạo nên sự lệch lạc trong phát triển. Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW nhấn mạnh cần bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy, chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị.
 
Trong giai đoạn tới, việc cải tạo, chỉnh trang hoặc tái thiết các khu vực đô thị hiện hữu cần được các địa phương đặc biệt chú trọng. Do vậy, các địa phương cần có kế hoạch tiến hành đánh giá, rà soát, xác định cụ thể có bao nhiêu khu vực không đảm bảo an toàn cho dân cư sinh sống, không đáp ứng yêu cầu phòng chống cháy nổ hoặc các khu vực tập trung đông dân nghèo đô thị, khu vực có điều kiện hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, dễ bị tác động do ngập lụt v.v để ưu tiên tiến hành cải tạo, chỉnh trang. Trên cơ sở rà soát, đề xuất kế hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị phù hợp với từng đô thị, xác định rõ từng tuyến phố cần cải tạo, chỉnh trang, từng khu chung cư cũ cần cải tạo, tái thiết, khu vực công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn, tôn tạo, khu vực điểm nhấn cần giữ gìn đặc trưng bản sắc đô thị… Đặc biệt chú ý các giải pháp khai thác nguồn lực trong cải tạo, chỉnh trang như khai thác quỹ đất khi mở đường, xã hội hóa nguồn lực…
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đặc biệt lưu ý đến vấn đề an sinh nhà ở. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì vậy, đảm bảo thúc đẩy phát triển quỹ nhà trong đô thị nhằm giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở. Để xác định chỉ tiêu này, các đô thị cần dựa trên các phân tích về nhu cầu nhà ở cho người dân tại khu vực đô thị, nhất là các đối tượng yếu thế như tính toán số lượng người dân không có nhà ở, người dân có nhà ở dưới tiêu chuẩn, số lượng người dân có nhà ở cũ xập xệ cần di dời, đối tượng dân số nhập cư tăng thêm của đô thị cần được bố trí nhà ở… để từ đó phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp cho phù hợp. Đối với quỹ nhà ở hiện hữu bao gồm nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xuống cấp, không đảm bảo chất lượng phải được lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại. Trên cơ sở rà soát số liệu thực tế, các địa phương tính toán nhu cầu nhà ở phát triển mới, nhà ở cần cải tạo, xây dựng lại, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở làm cơ sở đề xuất các dự án đầu tư phát triển nhà ở giai đoạn 2025 và giai đoạn 2030 đạt được mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TW đề ra.
 
 
Nghị quyết 06-NQ/TW đã chỉ ra một hệ thống chính sách phát triển đô thị được ban hành, triển khai hiện đang cần điều chỉnh, làm mới để bảo đảm mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, các nhiệm vụ chính mà các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần nghiên cứu để triển khai quyết liệt gồm: i) Tập trung hoàn thiện khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa. Điểm nhấn là: Luật Quản lý phát triển đô thị (PTĐT) tạo nên nền tảng và tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý PTĐT; ii) Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh, an toàn đô thị, phát triển đô thị bền vững, phù hợp đặc thù vùng miền, văn hóa, xây dựng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị, sửa đổi quy định phân loại đô thị; iii) Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như kết cấu hạ tầng liên vùng, công tác quy hoạch sử dụng đất theo các không gian kinh tế; iv) Chính sách để đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu an sinh xã hội, nhà ở xã hội, cải thiện khu lụp xụp đô thị và cải tạo, chỉnh trang đô thị.
 
Để cụ thể hóa những chỉ tiêu, nhiệm vụ nêu trên của Nghị quyết, trên cơ sở thực tiễn, các địa phương chủ động đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách cần được ban hành để tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị (như xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị bền vững; các cơ chế, chính sách an sinh nhà ở, đẩy mạnh cải tạo xây dựng chung cư cũ, công trình hết niên hạn sử dụng ven kênh rạch và các khu dân nghèo đô thị, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng...). Đồng thời kiến nghị các chương trình, dự án, đề án thí điểm cần đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ và bổ sung rõ hơn về một số các định hướng, chính sách cần thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai.
 
 
Phát triển đô thị là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và năng lực kiểm soát cao, nhưng đồng thời cũng tạo ra giá trị gia tăng lớn và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội vượt trội, thể hiện trình độ phát triển của đô thị Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045.
 
Các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cần rà soát chỉ tiêu chung, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển đô thị tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 06- NQ/TW; đồng thời tổng rà soát, đánh giá thực trạng phát triển địa phương, các quy hoạch đô thị, định hướng phát triển không gian hành chính đô thị, quy hoạch tỉnh, chương trình phát triển đô thị và các chương trình chuyên đề đảm bảo đề xuất kế hoạch thực hiện và Chương trình thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW đồng bộ, khả thi.
 
Các địa phương cần bám sát các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết số 06-NQ/TW tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại; phát triển nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, xây dựng khu vực nông thôn có định hướng quy hoạch thành đô thị; chú trọng quản lý phát triển đô thị dựa trên kế hoạch phân bổ, huy động xã hội hóa nguồn lực tư nhân, kết hợp công tư và khai thác hợp lý từ đất đai theo hướng tiết kiệm, hiệu quả góp phần tạo điều kiện thực hiện thành công Nghị quyết 06-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ, các địa phương.
 
Bên cạnh nỗ lực của các địa phương, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, chỉ đạo nghiên cứu xác định các nhiệm vụ, đề án theo chức năng nhiệm vụ của mỗi bộ, ngành để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản đã được giao tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong xây dựng đề xuất Chương trình hành động của Chính phủ và triển khai thực hiện sau khi Chương trình được ban hành.
 
Việc thực hiện thành công các Chương trình hành động triển khai Nghị quyết này sẽ là cơ hội thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh và nâng cao chất lượng đô thị trên phạm vi cả nước, nâng tầm phát triển và xây dựng các thương hiệu đô thị Việt Nam trong khu vực, hoàn thành mục tiêu đóng góp vào sự phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc đô thị mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra.
 
 
 
Ngọc Lý/ Tạp chí Xây dựng
Link gốc: https://tapchixaydung.vn/--20201224000015500.html
 

Tin cùng chuyên mục

(NXD) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển.
09:13 | 19/04/2024
(NXD) - Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh các tỉnh, thành phố được thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chun...
11:07 | 17/04/2024
(NXD) - sáng 10/4, Ban Đô thị HĐND thành phố thẩm tra hồ sơ Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045.
11:15 | 15/04/2024
(NXD) - Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết: Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tập trung điều chỉnh về trình tự thủ tục để giải quyết các vướng mắc ...
06:32 | 14/04/2024
(NXD) - Trong quý I, giá đất nền, căn hộ tại TP.HCM và vùng phụ cận tăng nhẹ. Trong đó, giá bán căn hộ tăng khoảng 5% so với cuối năm 2023.
11:04 | 12/04/2024
(NXD) - Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình vừa lên tiếng cảnh báo rủi ro cho những nhà đầu tư có ý định mua bán hàng loạt dự án bất động sản chưa đủ điều kiện...
09:44 | 11/04/2024
(NXD) - Tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố danh sách 46 dự án bất động sản chậm tiến độ, đáng chú ý nhiều tập đoàn lớn như Lạc Hồng, Sông Hồng Thủ đô ... cũng bị gọi ...
08:46 | 09/04/2024
(NXD) - Nhìn lại vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn, ngoài ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông, cần công tâm xem lại và cầ...
09:26 | 01/04/2024
(NXD) - Hàng loạt căn biệt thự tại Dự án Khu nhà ở Hoàn Sơn (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị biến thành các chung cư mini cho thuê trái quy hoạc...
10:33 | 29/03/2024
(NXD) - Hàng loạt công trình như: Nhà hàng ẩm thực sinh thái Lộc Vừng Đỏ (Phường 3); Nhà hàng ẩm thực sinh thái Nét Quê, Karaoke Gold (Phường 4); Nhà hàng sin...
10:06 | 29/03/2024


TẠP CHÍ NGƯỜI XÂY DỰNG
Cơ quan chủ quản: Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Tổng biên tập: Hoàng Chiến Thắng
- Trụ sở: Số 625A đường La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 3, Tòa nhà Vilco, số 3 ngõ 70 đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội
- Văn phòng đại diện phía Nam: Số 37 Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4, TP. HCM
- Chi nhánh tại miền Trung - Tây Nguyên: Tầng 3, số 79 Quang Trung, phường Hải Châu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
- Giấy phép xuất bản báo chí in: Số 607/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đổi ngày 30/12/2022
   Mã số ISSN (International Standard Serial Number): 80668531.
- Giấy phép trang TTĐT tổng hợp: Số 112/GP-TTĐT do Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp ngày 08/07/2020
Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Hoàng Văn Lực
Phone: 0243 831 4740 - Hotline: 098 2711195
Email: nguoixaydung1986@gmail.com

 

 

 

Báo giá quảng cáo | Hợp đồng quảng cáo

© All rights reserved - Bản quyền thuộc về Tạp chí Người Xây Dựng
icon up