Xót xa lãng phí đất, tài sản công: Bài 4: Lãng phí đất công ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội

08:22 | 08/05/2024
(NXD) - Trao đổi với phóng viên PetroTimes, PGS. TS Đỗ Tú Lan - nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cho rằng, tình trạng lãng phí đất công không chỉ gây mất mát tài nguyên quý báu của quốc gia mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và kinh tế.

 

PGS. TS Đỗ Tú Lan

PV: Đất công ở Việt Nam được quy định như thế nào, thưa bà?
 
PGS. TS Đỗ Tú Lan: Theo Luật Đất đai hiện hành của Việt Nam, đất công là đất thuộc sở hữu của Nhà nước và do Nhà nước quản lý sử dụng cho mục đích công cộng như công viên, vườn hoa, các công trình đường xá, cầu cống, công trình hạ tầng kỹ thuật, các công sở, trường học, y tế, giáo dục đào tạo, TDTT...
 
Trên thực tế đất công có rất nhiều dạng như:
 
Đất chưa sử dụng: thường là những diện tích đất bãi bồi ven sông, ven biển, những diện tích đất hoang hóa…
 
Đất đã có quy hoạch: Là các khu vực đã được quy hoạch các chức năng phụ, như: phục vụ cho mục đích sử dụng công cộng (nhưng chưa có dự án đầu tư).
 
Đất đã giao dự án: là khu vực đã được quy hoạch cho mục đích sử dụng công cộng, đã có chủ đầu tư.
 
Đất đã được xây dựng chưa sử dụng: Là khu vực đã được xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện hoạt động hoặc đủ điều kiện hoạt động nhưng cộng đồng không sử dụng.
 
Đất đã xây dựng công trình đã sử dụng: Đất đã được xây dựng công trình, và giao sử dụng có thể đúng mục đích và không đúng mục đích.
 
Ngoài ra, còn có một số dạng đất công khác…
 
PV: Bà đánh giá thế nào về thực trạng lãng phí đất công hiện nay?
 
PGS. TS Đỗ Tú Lan: Thực trạng trụ sở, đất công bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích, lãng phí không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương khác trên cả nước, đặc biệt là các TP lớn có nguồn đất công lớn, nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước như TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...
 
Chỉ riêng tại Hà Nội, tôi cũng thấy nhiều khu đất sử dụng không đúng mục đích, phổ biến nhất là tình trạng quy hoạch công viên treo, nhiều trụ sở cơ quan không sử dụng hết diện tích, cho thuê tràn lan làm cửa hàng kinh doanh, ăn uống, dịch vụ…
 
Ví dụ, một số khu vực đất ven các nhánh sông Tô Lịch đi qua các khu vực dân cư, một số người dân sử dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, họ tranh thủ mỗi ngày, đổ một chút xà bần xuống lấp sông để bãi rộng hơn… Khi thành phố thực hiện cống hoá các sông này và làm thành đường đô thị, dự kiến làm công viên vườn hoa hai bên sông, nhưng các hộ lấn chiếm chuyển từ bãi vật liệu thành các lô đất phố có giá trị hàng trăm triệu/m2. Hiện trạng chính quyền các cấp vẫn không lấy lại được đất công.
 
Có những khu đất rất lớn được quy hoạch là công viên khu vực, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 như công viên Núi Cung (phường Liễu Giai, quận Ba Đình), nhưng nhiều năm nay thành phố vẫn không đầu tư xây dựng, và dân cư cứ lấn chiếm dần, ngang nhiên có các xưởng sản xuất ngay mặt đường, cửa hàng, nhà ở mọc dần ngày một nhiều, họ tự lấp hồ, làm đường lấn dần. Có một điều lạ là nhà lấn chiếm mọc đến đâu, chính quyền lại gắn biển số nhà đến đó (có người giải thích là để quản lý dân cư). Vậy đất công ai quản lý? Trong khi nội đô lịch sử Hà Nội tỷ lệ cây xanh công viên trên đầu người rất thấp chỉ khoảng 0,5 m2/ng, đang rất khó khăn để tìm quỹ đất để gia tăng cây xanh công viên.
 
Khu vực quy hoạch công viên Núi Cung giờ thành nơi kinh doanh vật liệu xây dựng
 
Đất công đã quy hoạch làm công viên thì không quản lý để lấn chiếm. Hiện tượng lấn chiếm này chính quyền không thể nói là “không biết”, có lẽ hiện tượng này cũng tồn tại ở nhiều nơi trong đô thị, nhất là nhưng khu vực quý hiếm ở quận trung tâm?
 
Nhiều công trình công được xây dựng hoàn hảo có khi lại không có người sử dụng, phổ biến ở một số vùng nông thôn, khi quy hoạch và xây dựng những điểm chợ mới, hay bến xe mới, người dân vẫn sử dụng chợ cũ lụp xụp hơn là chợ mới khang trang, một phần do thói quen truyền thống, một phần có thể vị trí quy hoạch không phù hợp.
 
Một số công trình trường học, bệnh viện, công sở... được sử dụng đất công và đầu tư công, nhưng thực tế không sử dụng hết diện tích hoặc cố tình tiết kiệm diện tích để cho thuê lại thu lợi bất chính. Có rất nhiều hình thức trá hình cho thuê hay liên doanh để trục lợi. Có những công trình ở ngay phố trung tâm quận Ba Đình, với vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô, nhưng lại để hoang phế rất nhiều thời gian, là địa điểm văn hoá thuộc khu đất Hoàng Thành Thăng Long, lại thậm chí thành nơi tụ rác hôi thối.
 
Những hiện tượng nêu trên cho thấy sự bất cập, chồng chéo, kém hiệu quả trong quản lý đất công và công trình công ở Việt Nam.
 
PV: Vậy theo bà, tình trạng lãng phí đất công ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế xã hội?
 
PGS. TS Đỗ Tú Lan: Đất công và công trình công đều là một dạng bất động sản có gá trị rất cao, không chỉ có giá trị kinh tế mà là những công trình công ích, hay diện tích đất phục vụ cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân.
 
Hiện nay, đất công trên địa bàn cả nước còn rất lớn, nếu quản lý khai thác tốt thì đây sẽ là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thực tế quản lý thời gian trước đây có sự phức tạp dẫn đến thất thoát tài sản, sai phạm của tổ chức, cá nhân.
 
Đến nay, việc rà soát, thống kê được nguồn tài sản công nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra, nhất là số hóa các địa chỉ nhà đất, còn tình trạng không đồng bộ giữa quản lý trên giấy tờ với thực tế, chưa phân nhóm tài sản nào bán ngay, đầu tư khai thác và phát triển mới.
 
Việc lãng phí đất công, ví dụ như đất quy hoạch công viên nhưng hàng chục năm để hoang, không đầu tư, trong khi người dân không có công viên để sử dụng, thậm chí đất công còn bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích, sử dụng không chính thức. Nhà nước không chỉ thất thu thuế, mà còn mất rất nhiều công sức và tiền bạc để giải toả lấn chiếm, thậm chí có thể không thể giải toả, gây mất uy tín với cộng đồng dân cư. Do lấn chiếm không chính thức nên mọi thứ rất tạm bợ gây ô nhiễm môi trường cảnh quan cũng như môi trường sống trong cả khu vực dân cư, nhiều tệ nạn xã hội trong các diện tích đất công “để hoang”.
 
Có thể nói, tình trạng lãng phí đất công không chỉ gây ra mất mát tài nguyên quý báu của quốc gia mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và kinh tế. Do vậy, để đảm bảo sự phát triển bền vững, việc quản lý đất công một cách hiệu quả và bền vững là cần thiết.
 
PV: Trên thực tế, nhiều địa điểm đất công vi phạm như, cho thuê lại, liên doanh, liên kết, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Những vi phạm này, trách nhiệm thuộc về ai, thưa bà?
 
PGS. TS Đỗ Tú Lan: Đất công ở Việt Nam đã được thể chế hoá để quản lý thông qua các Luật đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các Luật liên quan khác. Về cơ bản đất công được quản lý theo hệ thống phân cấp, đặc biệt là cấp xã phường. Tuy nhiên thực tế trong quá trình quản lý của các cấp chính quyền địa phương cũng còn khá nhiều bất cập, việc lấn chiếm đất công còn khá phổ biến, sử dụng sai mục đích cũng còn tồn tại, thiếu kiểm soát.
 
Với những vi phạm những dạng nêu trên, trước tiên trách nhiệm thuộc về tổ chức hay cá nhân được Nhà nước giao chủ quản, sử dụng, đã lạm dụng nhằm thu lợi bất chính.
 
Việc quản lý xây dựng và sử dụng đất và công trình công do các cơ quan quản lý các cấp các ngành của Nhà nước, do đó việc thiếu kiểm tra, kiểm soát để các hiện tượng nêu trên xảy ra các cơ quan quản lý trực tiếp cũng phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt là những cơ quan và cá nhân trực tiếp quản lý có hiện tượng dung túng cho các hành vi sử dụng đất công sai trái.
 
PV: Vậy theo bà, cần phải có biện pháp gì để giải quyết tình trạng lãng phí đất công và tận dụng đất công một cách hiệu quả hơn?
 
PGS. TS Đỗ Tú Lan: Nhà nước phải có biện pháp xử lý thích đáng để chấm dứt ngay tình trạng này. Điều cấp thiết bây giờ, tôi cho rằng phải nhanh chóng có một cuộc tổng rà soát toàn bộ tài sản công trên cả nước, thống kê theo nhóm loại đất công để quản lý, đặc biệt là đất đai và trụ sở cơ quan đang giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đất công nào chưa được sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích phải kiên quyết thu hồi ngay.
 
Trong trường hợp đất công, trụ sở cơ quan được tạm thời khai thác cho mục đích thương mại thì phải theo đúng quy định của pháp luật, có đấu thầu công khai, chặt chẽ... để đem lại nguồn thu cho ngân sách.
 
Bên cạnh đó, việc kiểm tra kiểm soát sử dụng đất công và các công trình công, phải cập nhật thường xuyên và có các hình thức xử lý kịp thời các vi phạm.
 
Đồng thời, cần phải xử nghiêm minh đối với các cá nhân tổ chức lấn chiếm và sử dụng đất công trái phép.
 
Ngoài ra, các thành phố cần nhanh chóng ưu tiên đầu tư các công trình công viên cây xanh trên các diện tích đất công đã được quy hoạch.
 
Cần có kế hoạch chi tiết sử dụng đất công ở các cấp theo phân cấp, đặc biệt là cấp cơ sở xã, phường.
 
Điều quan trọng hơn nữa, là cần phải có hệ thống số hóa đất công theo các nhóm loại để quản lý một cách bền vững, hiệu quả hơn.
 
PV: Xin cảm ơn bà!
 

Tin cùng chuyên mục

(NXD) - Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 401/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng k...
10:25 | 15/05/2024
(NXD) - Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tiếp, kết hợp trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ t...
07:23 | 13/05/2024
(NXD) - Mới đây, TP Hà Nội yêu cầu giải quyết xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng tại các Khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B. Trên cơ sở đó, xem xét đề...
09:40 | 10/05/2024
(NXD) - Việc xây dựng Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn với diện tích 3,8 ha là một trong những giải pháp cho bài toán xử lý...
11:10 | 02/05/2024
(NXD) - Ngày 30 tháng Tư 1975 đã đến, quân giải phóng đã tiến vào Dinh Độc lập cắm cờ sao vàng nền nửa xanh nửa đỏ. Tổng thống Dương Văn Minh lên đài phát tha...
04:36 | 28/04/2024
(NXD) - Tính tới cuối năm 2023, có 2,75 triệu tỷ đồng đã được các ngân hàng cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong đó, một số ngân hàng cho ...
04:20 | 28/04/2024
(NXD) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển.
09:13 | 19/04/2024
(NXD) - Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh các tỉnh, thành phố được thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chun...
11:07 | 17/04/2024
(NXD) - sáng 10/4, Ban Đô thị HĐND thành phố thẩm tra hồ sơ Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045.
11:15 | 15/04/2024
(NXD) - Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết: Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tập trung điều chỉnh về trình tự thủ tục để giải quyết các vướng mắc ...
06:32 | 14/04/2024


TẠP CHÍ NGƯỜI XÂY DỰNG
Cơ quan chủ quản: Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Tổng biên tập: Hoàng Chiến Thắng

Cố vấn chuyên môn:

+ TS Đặng Việt Dũng (Chủ tịch Tổng hội Xây dưng Việt Nam)

+ KS Tống Văn Nga (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, PCT THXDVN)

+ GS Nguyễn Văn Liên (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, PCT THXDVN)

+ TS Hoàng Văn Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ NN PTTN, PCT THXDVN)

+ TS Phạm Khắc Thưởng (TTK Tổng hội Xây dựng Việt Nam)

- Trụ sở: Số 625A đường La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 3, Tòa nhà Vilco, số 3 ngõ 70 đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội
- Văn phòng đại diện phía Nam: Số 37 Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4, TP. HCM
- Chi nhánh tại miền Trung - Tây Nguyên: Tầng 3, số 79 Quang Trung, phường Hải Châu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
- Giấy phép xuất bản báo chí in: Số 607/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đổi ngày 30/12/2022
   Mã số ISSN (International Standard Serial Number): 80668531.
- Giấy phép trang TTĐT tổng hợp: Số 112/GP-TTĐT do Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp ngày 08/07/2020
Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Hoàng Văn Lực
Phone: 0243 831 4740 - Hotline: 098 2711195
Email: nguoixaydung1986@gmail.com

Báo giá quảng cáo | Hợp đồng quảng cáo

© All rights reserved - Bản quyền thuộc về Tạp chí Người Xây Dựng
icon up