(NXD) -
Một bài học thực tiễn đã xuất hiện trong quá trình thực hiện dự án Thủy điện Bá Thước 1 ở tỉnh Thanh Hóa.

Thủy điện Bá Thước 1 (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa)
Năm 2014, Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU969015, diện tích 207.142m2 để thực hiện dự án Thủy điện Bá Thước 1 (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Công trình hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2017 và hòa lưới điện quốc gia với sản lượng điện lên tới hàng trăm triệu KWh.
Thế nhưng, điều kỳ lạ là đã nhiều năm kể từ thời điểm nhà máy chính thức phát điện, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Quyền lợi của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được đảm bảo. Theo đó, trong tổng số 207.142m2 diện tích đất cho thuê làm thủy điện có 200.468.87m2 đã thực hiện giải phóng mặt bằng, còn lại 6.673,13 m2 đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.
Điều đáng nói là, mặc dù có hơn 6,6 nghìn m2 đất chưa đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh, bao trùm lên diện tích đất thuộc quyền sở hữu của người dân tại làng Kế, xã Thiết Kế.
Cụ thể, các hộ dân có đất chưa được đền bù gồm: Hộ gia đình ông Phạm Văn Long (diện tích 235,5m2 đất ở), Lục Văn Giáp (diện tích 291,2m2 đất ở), Bùi Văn Mong (diện tích 486,1m2 đất ở). Riêng hộ gia đình ông Lục Văn Nguyễn có diện tích đất nằm trong diện thu hồi, được bồi thường lớn nhất với diện tích 6.311m2.
Dù chưa đền bù cho dân, thế nhưng năm 2014, các bên có liên quan gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bá Thước, UBND xã Thiết Kế lại xác nhận rằng, công trình thủy điện đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ gia đình đảm bảo quy định.
Câu hỏi đặt ra là, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa chồng lấn lên diện tích đất thuộc quyền sở hữu của người dân nhưng chưa đền bù, có phù hợp với các quy định của pháp luật?
Về việc này, tại báo cáo liên quan tới việc giải phóng mặt bằng dự án thủy điện, lãnh đạo UBND huyện Bá Thước thừa nhận rằng, việc tham mưu, thẩm định, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa là có thiếu sót, chưa phù hợp...
Đánh giá về sự việc nêu trên, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Hồ sơ bồi thường và hồ sơ giao đất cho doanh nghiệp nếu ngụy tạo thì là trái quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, cần làm rõ việc có hay không tình trạng lập hồ sơ, lấy tiền bồi thường, không chi trả cho người dân. Mặt khác, người dân có thể làm đơn tố cáo để làm rõ sự việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”.
Điều kỳ lạ là vẫn chưa thấy cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm hay bị xử lý vì sự “nhầm lẫn” không hề nhỏ này.
Quốc Toản
(Bài viết đăng trên Tạp chí Người Xây dựng số tháng 5&6 - 2022)