(NXD) -
Bệnh viện Trưng Vương do liên danh nhà thầu Hải Đăng thi công phải hoàn thành vào tháng 5/2023, Bệnh viện Nhân dân Gia Định do liên danh nhà thầu Xây dựng Thành Đô thi công phải hoàn thành vào tháng 4/2021… nhưng đến nay vẫn còn giang dở, gây nhiều khó khăn và bức xúc cho bệnh nhân.
Năng lực của nhà thầu Thành Đô?
Ngày 11/3/2020, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) có Quyết định số 152/QĐ-BVNDGĐ phê duyệt cho Liên danh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Thành Đô – Công ty CP TPS Thành Phong trúng gói thầu “Xây lắp và cung cấp lắp đặt thiết bị” Dự án Xây dựng, thay thế khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định với giá trúng thầu là 604.181.000.000 đồng, tiết kiệm (giảm giá) 0,1%, thời gian thực hiện 390 ngày.
Theo hợp đồng, đến tháng 4/2021, dự án khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải hoàn thành, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay (tháng 7/2024) dự án vẫn còn dang dở, không thấy xuất hiện công nhân và máy móc. Công trình xây dựng khối nhà mới thi công kéo dài khiến cho hoạt động khám, chữa bệnh của Bệnh viện gặp nhiều khó khăn.
Nhiều năm qua, đội ngũ y bác sỹ và người bệnh đến khám, chữa bệnh tại đây gặp không ít trở ngại do cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ. Điều đáng nói, dù đã “lỗi hẹn” nhiều lần, nhưng đến nay, công trình xây dựng khối nhà mới vẫn chưa biết bao giờ “về đích.”
Theo hợp đồng, đến tháng 4/2021, dự án khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải hoàn thành, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay (tháng 7/2024) dự án vẫn còn thi công dang dở.
Hơn nửa năm nay, lãnh đạo Bệnh viện đã kiến nghị Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho mượn tạm dãy nhà B của Bệnh viện Ung bướu bên cạnh để phục vụ nhu cầu khám và điều trị cho người bệnh do Bệnh viện Ung bướu đã chuyển hoạt động khám, chữa bệnh sang cơ sở 2 ở thành phố Thủ Đức.
Để thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế, bức tường ngăn cách giữa hai bệnh viện đã được phá bỏ để tạo thành lối đi thông nhau. Hiện, Bệnh viện Nhân dân Gia Định sử dụng khối nhà 4 tầng của Bệnh viện Ung bướu để triển khai các hoạt động như phẫu thuật, hồi sức ngoại, ngoại thận, ngoại lồng ngực-mạch máu, cơ xương khớp, y học cổ truyền…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đây chỉ là những giải pháp “chữa cháy,” không thể khắc phục được tình trạng quá tải này. Do đó, lãnh đạo Bệnh viện kiến nghị Sở Y tế và Sở Xây dựng đẩy mạnh giám sát tiến độ thi công của công trình xây dựng khu điều trị nội trú; đồng thời yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm bàn giao công trình, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Mặc dù Dự án Xây dựng, thay thế khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang bị chậm tiến độ nhiều năm nhưng vào tháng 9/2022, Bệnh viện Nhân dân Gia Định lại tiếp tục phê duyệt cho Tập đoàn Xây dựng Thành Đô trúng gói thầu “Xây lắp, cung cấp và lắp đặt hệ thống khí sạch; hệ thống chữa chát tự động FM200; Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời” trị giá 45.322.147.444 đồng. Việc này cũng khiến nhiều người hoài nghi về mối quan hệ mật thiết giữa lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Tập đoàn Xây dựng Thành Đô (?!).
Những vấn đề trên đã được phóng viên chuyển đến lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Sở Y tế TP.HCM nhưng chưa được cung cấp thông tin phản hồi.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thành Đô hoạt động từ năm 2007, có địa chỉ tại số 16 Bình Lợi, Phường 13, Quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ông Phạm Quốc Trí hiện đang là Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc của doanh nghiệp.
Theo thống kê trên website về đấu thầu, Thành Đô đã tham gia 46 gói thầu, trong đó trúng 31 gói, trượt 15 gói.
Mới đây, ngày 08/07/2024, Thành Đô trúng gói thầu trị giá 27.597.117.000 đồng, tiết kiệm (giảm giá 0,4%) tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Ngày 13/10/2023, Thành Đô trúng Gói thầu số 01XL: Thi công xây lắp toàn bộ công trình trị giá 34.474.011.653,897 đồng tại Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên…
Ngoài ra, Thành Đô cũng vừa bị đánh trượt liên tiếp ở 03 gói thầu tại: Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trị giá 47,7 tỷ đồng) vì không đáp ứng yêu cầu E-HSMT về nhân sự chủ chốt; tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Long Hồ (trị giá 16,5 tỷ đồng) vì không đạt tại bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; bị đánh trượt tại gói thầu Cung cấp và lắp đặt thiết bị tại Báo Tuổi Trẻ trị giá 17,9 tỷ đồng vì không đáp ứng yêu cầu về tiêu chí đánh giá kỹ thuật theo yêu cầu của E-HSMT…
Năng lực của nhà thầu Hải Đăng
Ngày 29/9/2021, Bệnh viện Trưng Vương có ký Quyết định số 768/QĐ-BVTV phê duyệt Liên danh nhà thầu Công ty CP Hải Đăng – Quang Tùng – Thiên Phú – Công ty TNHH Thiết bị Y tế Hoàng Lê – Tùng Lâm – Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Thiết bị Y tế Sài Gòn trúng gói thầu “Thi công xây lắp khối nhà A, các hạng mục còn lại và cung cấp, lắp đặt thiết bị”, Khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương có giá trúng thầu là 330.934.475.958 đồng, thời gian thực hiện là 18 tháng.
Theo hợp đồng, dự án phải hoàn thành vào tháng 3-4/2023, tuy nhiên, khảo sát của phóng viên Tạp chí Người Xây dựng cho thấy, dự án hiện nay vẫn nằm bất động và chưa có dấu hiệu thi công trở lại.
Vào tháng 10/2023, UBND TP.HCM có văn bản đồng ý chuyển chủ đầu tư dự án xây dựng mới khu A - Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) do bệnh viện này làm chủ đầu tư sang Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM làm chủ đầu tư.
Khảo sát của PV tại công trình dự án Bệnh viện Trưng Vương không thấy xuất hiện máy móc và công nhân của nhà thầu Hải Đăng, dự án vẫn “án binh bất động”.
Trả lời báo chí vào tháng 10/2023, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Đối dự án Bệnh viện Trưng Vương, 3 tuần qua, nhà thầu là Công ty cổ phần Hải Đăng (nhà thầu chính) không thi công, vì nhà thầu biết UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương giao Ban Dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư. Nhà thầu đợi chuyển chủ đầu tư thì mới thực hiện tiếp”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khảo sát của PV tại công trình dự án Bệnh viện Trưng Vương không thấy xuất máy móc và công nhân của nhà thầu, dự án vẫn “án binh bất động”.
Trả lời phóng viên Tạp chí Người Xây dựng, đại diện Bệnh viện Trưng Vương cho biết, dự án đã chuyển chủ đầu tư sang Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM từ tháng 01/2024 nên không có thông tin để cung cấp cho báo chí.
Công ty CP Hải Đăng hoạt động từ năm 2008, địa chỉ tại số 38, Đường 94, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức (TP.HCM). Người có tên Đỗ Đức Bình đang làm đại diện pháp luật. Về đấu thầu, Hải Đăng đã tham gia 49 gói thầu, trong đó trúng 39 gói, trượt 9 gói, 1 chưa có kết quả.
Gần đây, ngày 29/05/2024, Hải Đăng cùng liên danh được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) phê duyệt trúng gói thầu “Gói thầu XL: Thi công xây dựng công trình toàn tuyến” trị giá 608.129.122.000 đồng. Ngày 17/05/2024, Hải Đăng cùng liên danh được Ban quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh phê duyệt trúng gói thầu Gói thầu số 16: Phần xây dựng, thiết bị trị giá 1.073.285.672.000 đồng. Ngày 14/03/2024, Hải Đăng cùng với liên danh được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương phê duyệt trúng gói thầu XL1: Thi công xây dựng Nút giao Tân Vạn đoạn từ Km25+990 đến Km28+383 trị giá 1.831.644.573.545 đồng. Ngày 31/01/2024, Hải Đăng cùng liên danh được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông Vận tải) phê duyệt trúng gói thầu Gói thầu XL1: Thi công xây dựng đoạn Km0+00 - Km40+500 trị giá 1.604.194.163.000 đồng…
Ngoài ra, Hải Đăng cũng từng liên danh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An – TAG để trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn. Cụ thể, vào ngày 24/12/2022, Hải Đăng cùng liên danh Thuận An được Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) chỉ định trúng thầu tại “Gói thầu số 12-XL: Thi công xây dựng đoạn Km24+900 – Km47+000” trị giá 2.941.061.952.000 đồng. Vào ngày 19/12/2022, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng đô thị phê duyệt cho Công ty Hải Đăng và liên danh Thuận An trúng Gói thầu XL-05: Đoạn từ cầu tân Kỳ Tân Quý đến cầu Bưng 561.599.332.000 đồng. Vào năm 2019, liên danh Thuận An – Hải Đăng trúng gói thầu hơn 300 tỷ đồng thi công Dự án ĐT.&93 và cầu Suối Núc, kênh Tân Hưng, suối Ky Tây Ninh do Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư.
Tâm Như